Đất danh hương, đất trăm nghề...
Nằm ở phía Nam Kinh thành Thăng Long - Hà Nội, Thường Tín là đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống khoa bảng, cũng là vùng đất trăm nghề, nơi tiếp nhận, lưu giữ, lan tỏa nhiều giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội.
“Là vùng đất cao ráo bằng phẳng, ruộng thì vào hạng thượng thặng, cấy lúa thích hợp, nhân công làm lụng hơn các lộ khác, các triều phí dụng nuôi quân đều nhờ ở đây” - từ thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết như vậy trong sách “Dư địa chí”. Với vị thế ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, “cửa ngõ” kinh đô, Thường Tín là nơi tiếp nhận và lan tỏa nhiều giá trị văn hóa, cũng là quê hương của nhiều nhân vật kiệt xuất, rạng danh lịch sử, như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Dương Trực Nguyên, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến, Lương Trúc Đàm… Trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam, Thường Tín có tới 68 vị tiến sĩ, là địa phương đứng đầu Hà Nội về số người đỗ đạt.
Thường Tín còn biết đến là một vùng quê trù phú, nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống được xếp hạng tinh hoa. Ca dao xưa có câu: “Xâm Động là đất trồng hành. Mễ Hòa chẻ nứa đan mành ta mua. Quýt Đức thêu quạt, thêu cờ. Nhị Khê tiện gỗ đền thờ chạm hoa. Làng Giai tơi lá che mưa. Trát Cầu bông sợi kém thua gì người. Lược thưa Thụy Ứng chàng ơi. Trăm nghề quê thiếp, thiếp mời chàng mua...”. Thường Tín là nơi phát tích của nghề thêu, nghề sơn… và nhiều con phố nghề của đất Thăng Long - Hà Nội, như: Yên Thái, Hàng Trống, Hàng Hòm, Hàng Gai, Tố Tịch… còn ghi dấu ấn tài hoa của những nghệ nhân Thường Tín.
Là mảnh đất giàu truyền thống, Thường Tín có một hệ thống di tích lịch sử - văn hóa không nơi nào có được với 462 di tích (trong đó có 122 di tích được xếp hạng lịch sử văn hóa, 61 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp thành phố) và cũng là nơi lưu giữ nhiều loại hình văn hóa phi vật thể như các lễ hội truyền thống phản ánh đời sống tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp: Lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội làng Đại Lộ (xã Ninh Sở), lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên)…
Truyền thống văn hóa chính là sức mạnh nội sinh, là nguồn lực phát triển của Thường Tín trong suốt chiều dài lịch sử, tạo nên thế và lực mới cho đất danh hương, đất trăm nghề bước vào cuộc kiến tạo mới, trước mắt trở thành một huyện nông thôn mới, hướng tới huyện nông thôn mới nâng cao và một quận của Thủ đô trong tương lai gần.
Xác định, phát huy tiềm năng và lợi thế riêng có, đổi mới tư duy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân… vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ của Thường Tín trong giai đoạn phát triển mới, Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính đột phá và tạo nền tảng quan trọng cho các bước phát triển tiếp theo.
Thường Tín đã hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp với diện tích 4.546,2ha (đạt 105,67%) kế hoạch, tạo cơ sở hình thành vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung. Cùng với đó là việc hình thành, đưa vào hoạt động 11 cụm công nghiệp (190 doanh nghiệp); phát triển hệ thống làng nghề (82 làng có nghề và 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống, 1 làng được công nhận làng nghề Hà Nội), tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động… Đặc biệt, việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề không chỉ mở hướng phát triển kinh tế nông thôn mà còn thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm dần lao động nông nghiệp, tăng lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, góp phần tăng thu nhập cho người dân…
Năm 2020, tổng giá trị sản xuất của Thường Tín đạt 31.438,4 tỷ đồng và đạt chuẩn huyện nông thôn mới (sớm hơn kế hoạch 1 năm). Nền tảng mới tạo động lực mới cho Thường Tín vượt qua những thách thức trên chặng đường phát triển để đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, làm cho đất danh hương, đất trăm nghề ngày càng văn minh, hiện đại hơn.
Một quận phát triển trong tương lai gắn với đô thị kết nối
Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Thường Tín đề ra mục tiêu: Đến năm 2025, phấn đấu cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Đến năm 2030, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; phát triển kinh tế bền vững; phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô Hà Nội.
Bộ quốc sử triều Nguyễn Đại Nam thực lục cho biết, năm Minh Mệnh thứ 12, mùa Đông tháng 10 ngày mồng 1 (tức ngày 4-11-1831 dương lịch), nhà Nguyễn tiến hành cải cách hành chính, chia cả nước thành 30 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội. Tỉnh Hà Nội thống trị 4 phủ là Hoài Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Lý Nhân; gồm 15 huyện, trong đó có huyện Thượng Phúc. Như vậy, ngày 4-11-1831, huyện Thường Tín, với tên gọi là Thượng Phúc chính thức là đơn vị hành chính cấp huyện của Hà Nội.
Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, cùng với việc triển khai mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, Thường Tín tập trung vào hai định hướng lớn. Thứ nhất, phát triển thành quận của Thủ đô trong tương lai, một đô thị làng nghề trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực văn hóa của đất trăm nghề, trong đó chú trọng việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội…, tạo động lực mới phát triển kinh tế nông thôn. Thứ hai, phát triển đô thị kết nối trên cơ sở tận dụng tối đa thế mạnh của Thường Tín là vùng đất trung tâm của Đồng bằng sông Hồng, là đầu mối giao thông, lại có hệ thống đường sắt, đường thủy thuận lợi làm nơi trung chuyển hàng hóa, đầu mối giao thương…
Huyện có 49 làng nghề được thành phố công nhận, 126 làng có nghề ở 167 thôn, xóm, cụm dân cư. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đề xuất thành phố cho triển khai 28 cụm công nghiệp làng nghề để di chuyển sản xuất làng nghề ra khỏi cụm dân cư; đồng thời đề xuất thành phố cho triển khai các dự án khu công nghiệp: Bắc Thường Tín, Phụng Hiệp, Habeco nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế làng nghề…
Để phát triển văn hóa gắn với du lịch, huyện chủ trương sau thành công của dự án Văn Từ Thượng Phúc, huyện báo cáo thành phố cho khởi công dự án Khu lưu niệm Danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi vào tháng 8-2022. Đồng thời xin ý kiến triển khai dự án Trung tâm Văn hóa Thương mại du lịch làng nghề trên ô đất 8,43ha tại xã Văn Bình; các khu du lịch sinh thái tại xã Vân Tảo, Tự Nhiên; phát triển hạ tầng cơ sở, giao thông cho chuỗi du lịch văn hóa lịch sử gắn với các di tích chùa Đậu, chùa Mui…
Cũng nhằm phát triển thành điểm kết nối, trong năm tới, huyện phấn đấu triển khai dự án cầu vượt Dương Trực Nguyên trên tuyến đường 427 với kết cấu hiện đại; cải tạo tuyến quốc lộ 1A qua thị trấn Thường Tín, phát triển tuyến đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên… để kết nối các quận, huyện và tỉnh lân cận; đồng thời, đầu tư nâng cấp các bến cảng hiện có. Đặc biệt, Thường Tín đang xây dựng quy hoạch phát triển giao thông - vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật xã hội, coi hạ tầng giao thông - vận tải đi trước một bước, tạo hệ thống logistics là nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện các định hướng lớn, với tầm tư duy mới, Thường Tín xác định “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”, “là gốc của mọi công việc” nên đã và đang tập trung xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và thực thi công vụ, làm nòng cốt trong việc hoạch định, triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ. Và để Thường Tín mãi mãi là đất danh hương, để trăm nghề trở thành nguồn động lực phát triển bền vững, Thường Tín rất cần sự hỗ trợ của thành phố Hà Nội, sự vào cuộc trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận, chung sức của mỗi người dân trong mục tiêu chung hướng tới phồn vinh, thịnh vượng.
Nguyễn Tiến Minh
(Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thường Tín)
Những danh hiệu thi đua của huyện Thường Tín trong giai đoạn 2014-2021
- Năm 2014: Huân chương Lao động hạng Nhì (giai đoạn 2009-2013) tại Quyết định số 1829/QĐ-CTN ngày 31-7-2014 của Chủ tịch nước; Cờ thi đua thành phố tại Quyết định số 6409/QĐ-UBND ngày 3-12-2014 của UBND thành phố Hà Nội.
- Năm 2015: Bằng khen về thành tích xuất sắc toàn diện tại Quyết định số 6764/QĐ-UBND ngày 9-12-2015 của UBND thành phố Hà Nội.
- Năm 2016: Cờ thi đua thành phố tại Quyết định số 6794/QĐ-UBND ngày 12-12-2016 của UBND thành phố Hà Nội; Bằng khen trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại Quyết định số 2950/QĐ-UBND ngày 9-6-2016 của UBND thành phố Hà Nội.
- Năm 2017: Bằng khen về thành tích xuất sắc toàn diện tại Quyết định số 8388/QĐ-UBND ngày 1-12-2017 của UBND thành phố Hà Nội.
- Năm 2018: Cờ thi đua thành phố tại Quyết định số 6659/QĐ-UBND ngày 7-12-2018 của UBND thành phố Hà Nội.
- Năm 2019: Huân chương Lao động hạng Nhất tại Quyết định số 1384/QĐ-CTN ngày 20-8-2019 của Chủ tịch nước; Cờ thi đua thành phố tại Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 2-1-2020 của UBND thành phố Hà Nội.
- Năm 2021: Huân chương Lao động hạng Ba tại Quyết định số 1800/QĐ-CTN ngày 15-10-2021 của Chủ tịch nước; Cờ thi đua Chính phủ tại Quyết định số 300/QĐ-TTg ngày 4-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 21-1-2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thành tích trong xây dựng nông thôn mới
Sau 10 năm thực hiện triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Thường Tín đã đạt và vượt mục tiêu đề ra trước 1 năm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nổi bật, công tác xây dựng nông thôn mới được cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Huyện ủy - HĐND - UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo ngay từ khi bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới. Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Thành ủy, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự đồng thuận của người dân, chương trình đã đạt được những kết quả nổi bật, rõ nét.
Trong thời gian triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đã huy động được người dân đóng góp 187.952 ngày công, hiến 2.820m2 đất thổ cư, 44.039m2 đất nông nghiệp để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, 638,1 tỷ đồng tiền mặt, hiện vật… để xây dựng nông thôn mới.
Kết quả, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư bảo đảm an toàn trong phòng, chống lũ, tiêu thoát nước.
Sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như sản xuất lúa hàng hóa tập trung; vùng nuôi trồng thủy sản… Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được quan tâm, đến nay trên địa bàn huyện có 14 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên rõ rệt. Chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, đến hết năm 2020 đã đạt 55,1 triệu đồng/người/năm tăng gấp 2 lần so với thu nhập năm 2015, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 84,6% hộ gia đình được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn…
Huyện Thường Tín đang triển khai thực hiện 63 đồ án quy hoạch
6 đồ án điều chỉnh quy hoạch sản xuất các xã; 51 đồ án quy hoạch chi tiết trung tâm thị trấn, xã và điểm dân cư nông thôn các xã; Đồ án quy hoạch chi tiết một phần của ô quy hoạch ký hiệu C3-4 và C3-6 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 tại xã Nhị Khê (phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất); Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Khu văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở xã Minh Cường - số 1 thuộc Quy hoạch chung huyện Thường Tín đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 và Quy hoạch chung đô thị vệ tinh Phú Xuyên tỷ lệ 1/10.000; Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị số 1 - Nhị Khê thuộc khu C3-6 thuộc phân khu đô thị S5 thành phố Hà Nội; Đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 khu đô thị số 3 - Nhị Khê thuộc khu C3-4 thuộc phân khu đô thị S5 thành phố Hà Nội; Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Thường Tín đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ 1/25.000; Đồ án quy hoạch chi tiết nghĩa trang nhân dân tập trung huyện Thường Tín, tỷ lệ 1/500.