Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng các đại biểu dâng hương tưởng nhớ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. |
Cũng trong dịp này, đoàn thủ từ tại Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ) đã về dâng hương Đức Quốc Tổ, xin rước chân nhang ở hương án Đệ Nhất đền Nội Bình Đà về thờ tại Đền Hùng. Đây là hoạt động đã thành truyền thống, với ý nghĩa cung kính đón Đức Quốc Tổ về dự hội Đền Hùng vào ngày 10 tháng Ba âm lịch, khẳng định sợi dây lịch sử kết nối giữa hai di tích.
Sau các nghi thức phần lễ, làng Bình Đà chính thức vào hội với rất nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Biểu diễn văn nghệ, thực hành trò chơi dân gian, thi đấu cờ tướng, thể thao…
Trong dịp này, huyện Thanh Oai tổ chức 22 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề tiêu biểu của các xã, thị trấn trong và ngoài huyện.
Là một trong những ngôi đền cổ nhất ở nước ta, tương truyền đền Nội Bình Đà là nơi hóa thân của Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, người anh hùng cái thế “diệt quái, trừ tinh”, chống giặc ngoại bang, giữ bình yên cho bách tính, được nhân dân suy tôn là Tổ dân Bách Việt.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, di tích vẫn lưu giữ được nét cổ kính từ thuở khởi dựng với nhiều hiện vật quý, như bức đại tự khắc 4 chữ “Vi Bách Việt Tổ”; các hiến sắc suy tôn Lạc Long Quân là “Khai quốc thần”; các tấm bia thời Lý, thời Lê Trung Hưng; nhiều sắc phong, thần phả, đồ tế tự… Đặc biệt, tại hậu cung của đền vẫn còn lưu giữ bức phù điêu hơn nghìn năm tuổi “độc nhất, vô nhị” trên cả nước. Bức phù điêu chạm nổi sinh động hình ảnh Quốc Tổ Lạc Long Quân và các chư hầu, lạc tướng cùng cảnh sinh hoạt trù phú dưới thời đại Hùng Vương.
Năm 1990, đền Nội Bình Đà được xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia; năm 2014, lễ hội Bình Đà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và năm 2016 bức phù điêu Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền Nội Bình Đà đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Lê Thị Hà cho biết, cùng với lễ hội Bình Đà, huyện Thanh Oai còn sở hữu nhiều tiềm năng du lịch phong phú với 266 di tích, trong đó có 68 di tích cấp quốc gia; 51 làng nghề truyền thống, tiêu biểu như: Nón làng Chuông, giò chả Tân Ước, miến Cự Đà; nhiều sản vật nông nghiệp có thương hiệu như: Nếp cái hoa vàng Tam Hưng, gạo Bồ Nâu - Thanh Văn; cam đường Kim An...
Những thế mạnh này là cơ hội để địa phương quảng bá văn hóa, du lịch đến bạn bè trong và ngoài nước, từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của huyện. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thanh Oai quyết tâm phát huy truyền thống “Con lạc, cháu hồng”, tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững.