Đại biểu Quốc hội đề xuất tăng thời gian tạm trú, mở rộng diện miễn thị thực
Đại biểu Quốc hội đề nghị cần tăng thời gian tạm trú cũng như tăng các nước được miễn thị thực để thu hút khách nước ngoài đến du lịch, công tác tại Việt Nam.
Chiều 2-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cơ bản thống nhất với bố cục dự thảo Luật, Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Dẫn chứng về chính sách thị thực trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á, đại biểu cho biết hiện trong số 11 quốc gia khu vực, chỉ còn Việt Nam và Myanmar yêu cầu xin thị thực trước khi đến đối với đa phần khách du lịch quốc tế nhập cảnh từ 30 ngày trở xuống.
Đối chiếu với các điều khoản sửa đổi về thị thực trong dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị ban soạn thảo cân nhắc thêm về nội dung này và cần tăng miễn thị thực, gia hạn thời gian tạm trú đối với người nước ngoài trong dự thảo Luật sửa đổi,.
Trình bày quan điểm về nội dung dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Đoàn Thành phố Hà Nội) đánh giá: Việt Nam là quốc gia đi trước về sau trong thu hút du khách quốc tế so với các nước trong khu vực ASEAN hậu đại dịch Covid - 19 vì những bất cập trong chính sách thị thực du lịch. Nếu chúng ta thực hiện cởi mở hơn, sẽ góp phần thu hút du khách quốc tế và đầu tư nước ngoài.
Riêng với quy định về nâng thời hạn cấp thị thực tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực là từ 15 đến 45 ngày, theo đại biểu Vũ Tiến Lộc như vậy vẫn chưa đủ. Đại biểu đề xuất nâng lên tối thiểu là 15 đến 60 ngày và đề nghị mở rộng diện đơn phương miễn thị thực trong đợt này, bởi có nhiều đối tác đầu tư lớn của Việt Nam chưa được hưởng chính sách này.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) cho biết, dự luật đã có nhiều điểm mới nhằm tạo điều kiện để người nước ngoài đến du lịch, công tác tại Việt Nam.
Đại biểu Phương cho rằng, chúng ta đang tạo điều kiện rất thuận lợi cho người nước ngoài đến Việt Nam khi quy định thị thực điện tử có giá trị nhiều lần thay vì chỉ có giá trị một lần như trước đây; nâng thời hạn thị thực điện tử từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng.
“Quy định này phù hợp đáp ứng với nhu cầu du lịch dài ngày của khách du lịch nước ngoài, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nghiên cứu để tìm hiểu, xúc tiến đầu tư. Dự thảo Luật cũng đề cập việc nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày đến 45 ngày”, đại biểu Phương nói.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cũng đưa ra đề nghị nâng thời gian tạm trú lên 60 ngày: “Đây là thời gian phù hợp đối với khách du lịch có nhu cầu nghỉ dưỡng đủ dài, đồng thời phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp du lịch của Việt Nam và quốc tế. Vì vậy, nên xem xét thời gian tạm trú lên 60 ngày để chính sách Việt Nam tương đồng với các nước như Thái Lan hay Singapore”, đại biểu Phương nêu quan điểm.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) quan tâm đến các nội dung trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó có việc cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử.
“Điều 2 khoản 6 của dự thảo Luật hiện quy định hộ chiếu gắn chíp chỉ cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, quy định này không còn phù hợp khi dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vừa được Bộ Công an trình Quốc hội tại kỳ họp này, trong đó đề xuất cấp căn cước công dân cho công dân chưa đủ 14 tuổi. Vì thế, tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật để đồng bộ hóa các luật, tạo thuận lợi cho công dân” – đại biểu nêu quan điểm.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Bộ Công an sẽ tiếp thu tất cả ý kiến của các đại biểu, báo cáo Chính phủ, phối hợp với các cơ quan liên quan để tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội.