Văn hóa - Xã hội

Cuốn sách 'Con đường tương lai' – Khát vọng lớn của người trí thức Việt

PV 11:08 13/05/2025

Cuốn sách “Con đường tương lai” của nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Tuấn không chỉ là một công trình đồ sộ về mặt nội dung mà còn là minh chứng cho tinh thần mạnh mẽ và khát vọng bền bỉ của một trí thức Việt trong thời đại mới.

Nhà nghiên cứu, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn với cuốn sách “Con đường tương lai” - tập 1 (Nxb Thể thao và Du lịch, 2025), là sự kết hợp trải nghiệm cá nhân, lịch sử nhân loại, minh triết phương Đông và những dự phóng tương lai để vẽ nên một hành trình dài gần 1000 trang – vừa như một bản “đại thư” tổng hợp, vừa như một nhập đề suy ngẫm.

cac-dai-bieu-giao-luu-cung-tac-gia-nguyen-xuan-tuan-giua-tai-buoi-ra-mat-sach-1-.jpg
Tác giả sách, nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn chia sẻ tại sự kiện.

Cấu trúc của cuốn sách - gồm 5 phần lớn trải dài từ tâm linh, triết lý nhân sinh, lý thuyết kinh tế, vấn đề phát triển bền vững, đến mô hình quản trị quốc gia – khiến người đọc không khỏi đặt ra câu hỏi: “Liệu đây là một cuốn sách của một nhà tư tưởng đang theo đuổi một tham vọng lớn lao, hay là hoài vọng mang tính lý tưởng của một trí thức đơn độc đứng trước thời cuộc?”. Câu hỏi này không nhằm thu hẹp cuốn sách trong ranh giới của sự hoài nghi, mà để mở ra một không gian phân tích: ở đâu cuốn sách chạm đến giá trị học thuật, ở đâu nó thể hiện một nỗ lực tổng hợp tri thức xứng đáng được ghi nhận, và ở đâu thì sự mở rộng biên độ tư tưởng có nguy cơ trở thành phiến diện hoặc viễn tưởng hóa quá mức?

Phần 1 là nơi bộc lộ rõ rệt nhất hai trục song song trong toàn cuốn sách. Một mặt, đó là hoài vọng của một trí thức muốn phục hưng đạo lý phương Đông, trong một thời đại đã quá tin vào duy lý và kỹ thuật. Mặt khác, đó cũng là tham vọng tư tưởng của một người mong tái cấu trúc lại thế giới quan, gộp quá khứ - hiện tại - tương lai thành một chỉnh thể đạo đức - tinh thần - lịch sử. Dĩ nhiên, cách tiếp cận này có thể bị xem là hỗn dung, thiếu tính khoa học hoặc quá lý tưởng hóa. Nhưng nếu nhìn từ góc độ nhân văn học, thì đây là một hành động kiến tạo hệ hình tư tưởng – điều mà không nhiều trí thức Việt Nam đương đại dám thử sức.

Nếu phần I của Con đường tương lai là một bản giao hưởng vũ trụ luận, giàu màu sắc tâm linh - lịch sử - tự sự, thì phần II chính là điểm xoay chuyển quan trọng, nơi tác giả đưa những cảm thức tinh thần bước vào địa hạt chính sách và kinh tế học. Đây cũng là phần đầu tiên trong sách thể hiện nỗ lực “trở lại mặt đất”, thử thách khả năng hiện thực hóa hoài vọng bằng các mô hình cụ thể. Điểm đáng chú ý là: tác giả không tách rời phát triển kinh tế khỏi đạo lý, văn hóa và tinh thần, và anh tìm cách kết nối toàn bộ bằng một phương pháp tiếp cận có thể gọi là “tư duy hệ sinh thái tổng hợp”.

Có thể nói phần II là phần thể hiện tham vọng lớn nhất của tác giả về mặt chính sách công và phát triển quốc gia. Không muốn chỉ dừng ở mức độ phản biện hoặc mô tả, Nguyễn Xuân Tuấn tự đặt mình vào vai một “kiến trúc sư chiến lược”, người không ngại đề xuất cụ thể, hệ thống, thậm chí đụng chạm đến những cấu trúc nhạy cảm như tích tụ ruộng đất, quản trị vốn, cải cách doanh nghiệp. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ: liệu một bản thiết kế lý tưởng như vậy có thể triển khai trong thực tiễn Việt Nam đương đại hay không? Và liệu các ẩn dụ như “cây to – mây dây cuốn” có đủ mạnh để chuyển hóa thành hành động chính sách hay vẫn chỉ là một mô hình diễn ngôn? Dù còn nhiều điều phải bàn, không thể phủ nhận rằng phần II của cuốn sách là một nỗ lực hiếm có trong tư duy tích hợp: từ vũ trụ học đến phát triển bền vững, từ đạo lý đến hành động chính trị - kinh tế.

sach.jpg
Cuốn sách "Con đường tương lai" của nhà văn Nguyễn Xuân Tuấn.

Tiếp nối mạch tư duy về phát triển xã hội hài hòa, phần IV của Con đường tương lai mở rộng thảo luận sang lĩnh vực văn hóa – nơi tác giả Nguyễn Xuân Tuấn không chỉ trình bày các nguy cơ đang đe dọa nền tảng tinh thần dân tộc, mà còn đề xuất một hệ giải pháp mang tính “chữa lành” cho văn hóa Việt Nam đương đại. Anh xem văn hóa không chỉ như di sản quá khứ, mà là hạ tầng tinh thần của một quốc gia, nơi lưu giữ trí tuệ lịch sử, năng lực thích ứng và nội lực phát triển. Trong thời đại toàn cầu hóa, khi văn hóa trở thành mặt trận tranh chấp quyền lực mềm, việc bảo vệ và phát triển bản sắc văn hóa trở thành điều kiện sống còn để đảm bảo sự tự chủ của một quốc gia trong tương lai.

Phần cuối cùng của Con đường tương lai là nơi Nguyễn Xuân Tuấn quy tụ mọi tầng nấc của hệ thống lập luận xuyên suốt cuốn sách, từ nền tảng đạo lý cá nhân đến cấu trúc quản trị quốc gia. Trọng tâm của phần V nằm ở tư tưởng “Minh quân – Đại quân sư – Đại thư”, một mô hình ba trụ mang tính biểu tượng nhưng cũng gợi mở cách tổ chức hệ thống tri thức và quyền lực quốc gia. Nếu “Minh quân” là biểu tượng của người lãnh đạo có tầm nhìn, đạo đức và ý chí cải cách, thì “Đại quân sư” chính là tầng lớp trí thức, chuyên gia – những người tư vấn chính sách, hoạch định chiến lược và định hướng dư luận xã hội. “Đại thư” ở đây vừa là thư tịch, kho tri thức, vừa là nền tảng học thuật và tư tưởng cho quốc gia hành động. Tác giả ví von cần một “Đại thư điện tử” – không chỉ để tổng hợp tư liệu, mà để số hóa, cập nhật hóa, và phổ cập hóa tri thức toàn dân, hướng đến một xã hội học tập và phản biện.

Trong một thời đại mà sự chuyên môn hóa sâu thường dẫn tới sự biệt lập giữa các lĩnh vực, thì việc tác giả tìm cách kết nối và “kể lại thế giới” theo một tuyến tính thời gian – từ quá khứ, hiện tại đến tương lai - mang tính tổng hợp và gợi mở.

Tuy nhiên, từ một cách nhìn khác, có thể cho rằng “Con đường tương lai” không nhằm mục tiêu xây dựng một lý thuyết học thuật đóng khung, mà là một nỗ lực đặt vấn đề. Khơi gợi để nhìn lại cách ta đang tư duy về phát triển, khơi gợi để đặt câu hỏi về vai trò của tri thức liên ngành, và khơi gợi cả sự cần thiết của một tư duy tích hợp trong bối cảnh quốc gia đang bước vào thời kỳ chuyển hóa mạnh mẽ.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nguồn nhân lực múa: Từ chuyển động trong đào tạo đến kỳ vọng hệ sinh thái
    Trong những năm gần đây, đào tạo nghệ thuật múa tại Việt Nam đã có những chuyển biến rõ nét nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong hệ thống giáo dục nghệ thuật, cũng như thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của đời sống biểu diễn và thị trường lao động văn hóa. Nhu cầu về một thế hệ nghệ sĩ múa có tư duy sáng tạo, khả năng phản biện và hội nhập đang đặt ra yêu cầu mới cho các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp. Kỳ thi tốt nghiệp của Khoa Múa - Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội năm 2025 đã cho thấy rõ xu hướng này với nhiều tín hiệu tích cực trong đào tạo song vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ góc độ chính sách và hệ sinh thái nghề nghiệp dành cho nghệ sĩ múa trẻ.
  • Tổng Bí thư Tô Lâm: “Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải là biểu tượng của văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức và tinh thần phục vụ xã hội”
    Tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025) diễn ra trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiệt liệt chúc mừng những người làm báo cách mạng Việt Nam, đồng thời đặt ra yêu cầu với những người làm báo hiện nay: “Mỗi nhà báo, mỗi cơ quan báo chí phải là biểu tượng của văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức và tinh thần phục vụ xã hội; góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị nhân văn truyền thống, lan tỏa điều thiện, điều đẹp”.
  • “Báo chí Cách mạng Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang, tự tin, vững bước trong kỷ nguyên mới”
    Kỷ niệm 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài, đã có bài viết “Báo chí Cách mạng Việt Nam phát huy truyền thống vẻ vang, tự tin, vững bước trong kỷ nguyên mới”. Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết này tới bạn đọc.
  • Thủ tướng công nhận Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2024
    Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 22/6 chính thức công nhận thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới năm 2024.
  • Vinh quang Việt Nam năm 2025 tôn vinh 19 tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến
    Tối 22/6, chương trình "Vinh quang Việt Nam năm 2025" với chủ đề "Tự hào và khát vọng diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) đã tôn vinh 19 tập thể, cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Cuốn sách 'Con đường tương lai' – Khát vọng lớn của người trí thức Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO