Năm 1969, tờ “Trường Sơn gang thép” đổi thành “Báo Trường Sơn” được tăng cường thêm lực lượng. Trung tá Lục Văn Thao ở báo Quân đội nhân dân vào làm Tổng biên tập cùng với nhà văn Lê Lựu, nhà thơ Phạm Tiến Duật, họa sĩ Hoàng Đình Tài… vừa sáng tác vừa kiêm nhiệm viết báo.
Ngoài việc làm báo và chụp ảnh ở chiến trường, tôi còn là cộng tác viên gửi bài và ảnh từ chiến trường ra các báo: Quân đội nhân dân, Nhân dân, Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Thống nhất, Phụ nữ Việt Nam, tạp chí Văn hóa Nghệ thuật…
Mỗi khi nhận được báo biếu và tiền nhuận bút, lòng dạ tôi xốn xang khó tả, tim tôi đập dồn dập. Có lẽ đó cũng là “chất xúc tác” giúp tôi tiếp tục viết và chụp ảnh cho đến ngày nay. Nhưng phải đến giai đoạn hai tôi mới trở thành phóng viên nhà báo thực thụ.
Nhà văn Tô Hoài
Từ tuần báo Văn nghệ, tôi chuyển về Hội Văn nghệ Hà Nội. Với nhiệm vụ “điều hành” trực tiếp Phân hội nhiếp ảnh và tham gia làm báo Người Hà Nội. Có bạn đồng nghiệp nói: “Đang ở báo Văn nghệ quốc gia lại trở về báo Văn nghệ Thủ đô, đúng là đang ở bể vào ngòi! Được thể, tôi nói luôn! “Bể” và “ngòi” ư? Ngòi nhưng cụ Tô Hoài đã từng làm chủ nhiệm báo Cứu quốc, là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, rồi Phó Tổng thư ký Hội Nhà văn Á – Phi … là bậc trưởng lão trong làng văn nghệ Việt Nam. Được làm cho cụ là vinh dự rồi!
Khi ấy tờ báo mới ra được ba số, có tính chất thử nghiệm. Đến số thứ tư, cuộc họp tòa soạn đầu tuần, dưới sự chủ trì của nhà văn Tô Hoài, người sáng lập và trực tiếp làm Tổng biên tập. Sau khi nhận xét tổng quát ba số báo vận hành thử nghiệm, tiếp đến công bố quyết định về chức năng, nhiệm vụ của từng phóng viên. Nhà văn Triệu Bôn là Trưởng Ban biên tập. Nhà thơ Tô Hà là trợ lý Tổng biên tập. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong Ban biên tập phụ trách về phần văn - thơ của báo. Tôi được giao nhiệm vụ làm Thư ký tòa soạn và kiêm nhiệm theo dõi “mảng” nghệ thuật. Sau khi công bố quyết định, cụ Tô Hoài nhấn mạnh: nhiệm vụ của Triệu Bôn – Tô Hà và Thanh Nhàn là cực kỳ quan trọng. Nếu cùng nhau hợp sức chặt chẽ, như “Ba ông thợ gia” sẽ thành một “Gia Cát Lượng”, sẽ tạo uy tín lớn cho tờ báo.
Nói về công việc của người Thư ký tòa soạn, cụ Tô Hoài nhấn mạnh: “Công việc của Thư ký tòa soạn như một anh bếp trưởng ở một cửa hàng ăn đặc sản. Dù có nhiều thực phẩm quý nhưng người đầu bếp kém không biết chế tác thành phẩm, nấu ăn kém thì cũng chẳng cho ra một bữa cỗ ngon được. Tờ báo có “ngon” và đẹp tạo được sự hấp dẫn đối với người đọc, đòi hỏi phải có anh đầu bếp giỏi. Anh Đáng không phải là nhà văn nhưng là người có kiến thức tổng hợp, đã từng phụ trách phòng Mỹ thuật tổng hợp của báo Văn nghệ nhiều năm, ít nhiều tích lũy được kinh nghiệm, cộng với đức tính cẩn thận trong công việc, tôi tin là Đáng làm được. Tờ báo tuy mới chỉ vận hành được ba số mang tính thử nghiệm nhưng bước đầu đã ổn định, hình thành các chuyên mục, anh Đáng cần nghĩ thêm và xác định vị trí các chuyên mục mang tính cố định để bạn đọc tiện theo dõi”
Nhà văn Tô Hoài gặp gỡ bạn văn (Ảnh: Nguyễn Đình Toán)
Trong một buổi làm việc riêng với thư ký tòa soạn, tôi lần lượt giải trình:
- Thưa anh, em quan niệm tờ văn nghệ Người Hà Nội (Văn và Nghệ) là một cửa hàng chuyên “bán” những sản phẩm cao cấp của Văn học – Nghệ thuật. Về trình bày, trang 1 và trang 16 là hai trang bìa. Trang 1 phải dành 2/3 diện tích cho tác phẩm xuất sắc. Khi thì truyện ngắn hay bút ký, khi thì tùy bút hay phóng sự điều tra, khi là một bài thơ độc đáo, khi là một bức tranh hay bức ảnh có giá trị nghệ thuật, có tính thẩm mỹ cao để “hút” bạn đọc! Một phần ba trang còn lại dành cho thông tin hoạt động văn học nghệ thuật mang tính thời sự và “tít” của một số bài quan trọng để hướng bạn đọc tìm đến. Trang 8 và trang 9 ở giữa số báo là hai trang mầu nền dành cho diễn đàn nghệ thuật như: sân khấu, điện ảnh, hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, múa, văn nghệ dân gian, kiến trúc,… nhưng tuyệt nhiên không thể một lúc “đồng hiện” cả tám, chín ngành nghệ thuật. Trang 16 dành cho chuyên mục “Vấn đề các đô thị”. Chuyên mục này làm cho tờ báo “vượt ngưỡng”, mang tầm quốc gia và quốc tế. Đọc Người Hà Nội, bạn đọc am hiểu về đô thị các nước trên thế giới. Chuyên mục này sẽ có tuổi thọ cao và mời gọi bạn đọc đến với “Người Hà Nội”.
Tôi ngừng lời. Cụ Tô Hoài nhìn tôi và “phán”: Chuẩn y! Được lắm. Cứ thế mà làm nhưng chưa phải đã hết nhiệm vụ đâu nhé! Cậu phải cùng Tô Hà đi nhà in để cùng nhau giải quyết công việc “bếp núc”. Khi báo ra, cậu phải là người đọc đầu tiên, phát hiện sự cố và viết điểm báo gửi cho buổi phát thanh văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam hàng tuần.
Với nhà văn Tô Hoài, mặc dù đã có trong tay một đội ngũ trợ thủ khá tin cậy nhưng ông vẫn trực tiếp “kiểm duyệt” toàn bộ, ký duyệt các bài, kể cả mẩu tin ngắn. Sau khi làm xong những việc đó, ông thường chuyện trò vui vẻ với chúng tôi về kinh nghiệm làm báo, đọc báo bạn, công việc bếp núc trong tòa soạn, thái độ ứng xử với cộng tác viên. Ông thường tâm sự: “Làm báo là “làm dâu trăm họ”, bận như con mọn nhưng kể cũng vui, rồi dặn dò: “Có những cộng tác viên háo danh, tưởng mình “lớn” lắm. Chỉ viết một cái tin mà cũng đòi ký tên ở trên, kèm chức danh, học hàm học vị cho oai! Để nguyên yêu cầu của họ tưởng là trang trọng nhưng không nên vì như vậy là hạ thấp vị trí của tờ báo. Ngược lại, có những tác giả lớn thực sự, họ viết rất hay nhưng lại quên để tên mình, trường hợp này lại phải “bổ sung” tên và chức danh của họ. Có những bức tranh có tên tác giả hoặc có những ảnh chụp về Bác Hồ rất nổi tiếng nhưng lại đề là: tranh hoặc ảnh “tư liệu”. Mục đích là tránh phải trả nhuận bút, điều đó cũng không nên”.
Nhờ bản lĩnh nghề nghiệp và sự chèo lái của cụ Tô Hoài, báo Người Hà Nội đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của độc giả cả nước. Tia - ra của báo tăng lên vùn vụt. Có số báo Tết, tờ báo Văn nghệ đàn anh chỉ dám in 5,5 vạn tờ, Người Hà Nội in tới 5,7 vạn tờ nhưng trước Tết đã không còn báo bán nữa.
Bước vào thời kỳ đổi mới của đất nước, báo chí cũng bắt đầu “cựa mình”. Chuyên mục “Phóng sự thành phố” đã một thời vang bóng, thu hút được nhiều bạn đọc theo dõi. Lúc ấy báo Văn nghệ có loạt bài “Câu chuyện Ông vua lốp” của Trần Huy Quang và “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc khiến độc giả đổ xô tìm đọc.
Nhân một hôm, “thủ lĩnh” vừa ký duyệt bài xong, Thanh Nhàn “vào đề”: “Bạn đọc cả nước đang hướng về báo Văn nghệ với những bút ký, phóng sự gây chấn động dư luận, đề nghị anh phải “ra tay”, phải “vào cuộc” để bạn đọc trở lại với báo mình!”. Nhà thơ Tô Hà cười sảng khoái vẻ đồng tình với Thanh Nhàn. Tôi thì im lặng chờ đợi. Cụ Tô Hoài cười rất hiền. Đôi mắt ông cũng cười theo và bằng một giọng rất hóm hỉnh: “Làm báo hay không khó nhưng giữ được bạn đọc mới là quan trọng và chỉ cần trong tay có một “ê - kíp” làm được việc như các bạn là mình yên tâm và giữ được một đội ngũ cộng tác viên đông đảo, đủ các thế hệ yêu mến báo là đủ. Hiện tại, các cây bút cự phách như Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Hoàng Ngọc Hiến, Thái Bá Vân,… vẫn cộng tác thường xuyên đó sao. Cần phải hết sức bình tĩnh, từ từ và từ từ rồi cũng đến đích. Nổi tiếng ư? Nổi tiếng kiểu ấy sẽ không “thọ” đâu. Hãy đợi đấy!”.
Trong khi bọn tôi đều “ngứa ngáy” chân tay, muốn “vào cuộc” thì ông bình thản giải thích và không cho phép chúng tôi làm theo kiểu ấy: “… Các bạn nên nhớ rằng: Làm báo thời điểm này, rất khó phải như người làm xiếc, lúc nào cũng đi trên cái dây cheo leo giữa xung quanh dư luận. Làm sao để mình chỉ đung đưa thôi mà không bao giờ bị ngã xuống. Điều quan trọng là phải tránh không gây ra những lỗi chính trị. Cái này thì khó lắm, tôi có đứng ra “giờ đầu chịu báng” cũng chẳng ăn thua gì. Mà chính trị thì có khi chỉ một câu, một chữ do mình vô ý khi duyệt bài, mà tác giả họ “gài”, lại có ý khác, là chết đấy!”.
Nói thì dễ nhưng cụ Tô Hoài thừa biết khó tránh khỏi. Đã có những sự cố như trong mục “Sổ tay phóng viên” đề cập đến “Quán cà phê xanh”, in truyện ngắn “Xem lụt” hoặc phóng sự “Thỉnh một tiếng chuông” hay phóng sự “Pháo pháo”! khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị cấm sản xuất và đốt pháo… Các sự cố như vậy đều do “thuộc hạ” của ông non tay gây ra nhưng ông bảo: Các lỗi ấy sơ ý gây ra mà bị “rung chuông” thì cứ đổ lỗi cho tôi, vì tôi là người chịu trách nhiệm cuối cùng mà! Chẳng hạn như tranh bìa của một số báo Tết do họa sĩ Thành Chương vẽ chỉ hai màu đen – trắng, khá đẹp. Khi in ra, tòa soạn nhận được cú điện thoại của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Hoàn lệnh thu hồi! Tô Hà và tôi xanh mắt bèn đạp xe và mang tờ báo vào bệnh viện “Việt – Xô” để ông xem. Xem xong, ông cười: có vấn đề gì đâu, vẫn là một tờ báo có trang bìa đẹp! Để mình điện thoại trực tiếp. Báo cứ phát hành! Bìa báo ấy cũng không phải ông ký duyệt vì ông đang nằm viện.
Nghiệm lại, tôi muốn hiểu vì sao cụ “kiểm duyệt” tờ báo lại kỹ thế. Ký tất cả các bài, kể cả những mẩu tin ngắn để nắm toàn cục. Khi có sự cố, tự thân người ký sẽ bật ra những lập luận “thấu tình đạt lý” nhằm bảo vệ nó một cách rất bình tĩnh, ít khi để người khác cãi lại. Cụ Tô Hoài là người như thế đấy!
Cụ Tô Hoài dạy tôi, dạy cả thế hệ chúng tôi làm báo. Cụ không những là cây đại thụ trong văn học Việt Nam mà còn là cây đại thụ trong “làng” báo Việt Nam.