Ngoài việc sửa đổi Nghị định 64/2008 về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì vấn đề xây dựng văn hóa từ thiện cũng rất quan trọng.
Trong đợt mưa lụt miền Trung vừa qua, tôi với vai trò Tổng giám đốc đường sắt vừa tham gia vận động tại đơn vị mình vừa tổ chức chuyên chở (miễn phí) hàng cứu trợ. Gia đình tôi ở Quảng Bình nên lại là đối tượng được cứu trợ, nên tôi thấu hiểu nhiều vấn đề nổi cộm.
Tôi vừa ở rốn lũ Quảng Bình trở ra. Cả gia đình nội và ngoại bên tôi đều ở Lệ Thủy (Quảng Bình), nơi mà nước còn dâng cao hơn đỉnh lũ năm 1979 khoảng 1m nên hơn ai hết người dân đều thấm 3 nguyên tắc cơ bản mà những người tham gia cứu trợ và hoạt động từ thiện, nhân đạo nếu tuân thủ sẽ rất hiệu quả.
Tình cờ đọc được thảo luận về vấn đề này trên Báo Kinh tế & Đô thị, tôi thấy cần mạnh dạn trao đổi sâu thêm. Trước hết, tôi thấy cần phải nhắc lại và ủng hộ 3 nguyên tắc cơ bản khi tham gia hoạt động từ thiện, đó cũng là văn hóa từ thiện mà chúng ta cần hướng đến.
Nguyên tắc thứ nhất, không phân biệt đối xử giữa những người ở những vùng xảy ra thảm hoạ. Thứ hai, không tạo áp lực cho những người tại đó, kể cả nạn nhân, kể cả chính quyền và các lực lượng để họ không bị áp lực thêm những công việc khác nữa. Thứ ba, giúp những gì họ cần, thay vì mình giúp những gì mình có.
Hiện nay công tác từ thiện của chúng ta đang trong quá trình tiến đến chuyên nghiệp, nên còn có quá nhiều bất cập. Nếu người đi làm công tác từ thiện ngại khó, ngại khổ không dấn thân vào được các địa chỉ khó khăn nhất chỉ phát tiền, quà ở những nhà mặt đường, thuận lợi giao thông thì vô tình lòng tốt, tình thương vẫn chưa gõ đúng địa chỉ.
Một điều thực tế ở quê tôi, những ông bà già, nhà neo người không có thuyền để đi lại thì việc đi đến các địa điểm để nhận hàng hóa của bà con ủng hộ rất khó khăn. Thực tế, loa đài, điện đóm không có, người dân kẹt lũ xa trung tâm không hề có thông tin. Vẫn biết là khó có thể có sự công bằng tuyệt đối, nhưng bằng cái tâm của những người cán bộ địa phương, cùng với tấm lòng của đồng bào trong cả nước thì mới giúp Lệ Thủy nói riêng và Quảng Bình nói chung vượt qua khó khăn mà vẫn giữ được tình làng, nghĩa xóm. Nói thật, lũ đã trôi đi rất nhiều rồi, giờ ai cho bà con cái gì cũng quý, nhưng đúng là trong cách cho-tặng quà vẫn cần sự công bằng, công khai, minh bạch tối đa có thể.
Câu chuyện tổ chức cấp phát tiền, hàng cứu trợ như thế nào cũng là cả một vấn đề lớn. Trong Nghị định 64/2008 thì khâu phân phối đang có nhiều bất cập nhất, chưa đáp ứng được tình hình thực tế đang diễn ra muôn hình, muôn vẻ tại cơ sở. Ngay cậu em trai tôi, cũng 2 lần bị lật thuyền khi đưa đoàn đi cứu trợ, may mà bơi lội giỏi nếu không cũng bị nguy hiểm. Rõ ràng phải phân biệt cứu trợ, cứu đói cho người dân bị mắc kẹt khi nước nâng cao với công tác từ thiện, nhân đạo để tránh cho địa phương bị phân tán người vào các thời điểm quan trọng, cần phải bảo đảm tính mạng người dân.
Các đoàn từ thiện cũng phải tính toán thời điểm thích hợp để có mặt tại các địa phương tránh làm vướng chân cho công tác cứu nạn. Với áp lực dòng chảy như vừa rồi thì phải đến khi người dân biển Ngư Thủy vác thuyền băng qua cát mới có thể đến được với các hộ dân bị kẹt lũ, nên các đoàn từ thiện đi vào sâu rất nguy hiểm.
Tôi rất thích ý thứ ba của công tác từ thiện, đó là hãy giúp những gì người dân cần, thay vì mình giúp những gì mình có. Ban đầu, khi bị chia cắt có thể hàng cứu trợ là mì tôm, bánh chưng để cứu đói, nhưng khi nước rút thì bà con cần tiền để sửa sang lại nhà cửa, mua sắm đồ dùng trong gia đình. “Bản đồ vùng lũ” như đề xuất của Kinh tế & Đô thị là một ý kiến hay, hiện nhiều các quốc gia trên thế giới trên quá trình hướng tới chuyên nghiệp hoá công tác từ thiện đã và đang thực hiện điều này thông qua các app phần mềm công nghệ thông tin.
Lâu dài nữa là phải tính cách giúp người dân làm thế nào để mưu sinh, kiếm sống qua ngày. Nếu như sử dụng nguồn kinh phí này xây dựng các cổng chào, các công trình công cộng thiếu tính toán sẽ vô cùng lãng phí. Như cha mẹ tôi tính, những người dân nghèo quê tôi phải 5-7 năm sau, thậm chí còn lâu hơn may ra mới trở lại cuộc sống bình thường như hiện nay. Vậy nếu như được cộng đồng hỗ trợ con bò hay ít giống, cây trồng thì tốt hơn nhiều quần áo cũ hoặc những vật dụng không cần thiết.