Làng Cựu, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, cách trung tâm Hà Nội hơn 40km. Tuy xa xôi như thế nhưng có nhiều đoàn khảo cứu đã về với làng Cựu, bởi lẽ nơi đây là một làng Việt nhưng lại có nhiều ngôi nhà xây theo kiểu phương Tây có một thời gian dài bỏ hoang.
Vì sao lại có câu chuyện như thế? Trong một lần về làng Cựu cùng các biên tập viên, quay phim của Đài truyền hình Việt Nam làm chương trình về cổng làng, tôi đã phần nào tỏ tường.
Tiếp chúng tôi, cụ trưởng ban Hội Người cao tuổi của làng Cựu kể lại câu chuyện xưa của làng: Làng Cựu là một làng cổ, từ đời vua Lê Thánh Tông làng thuộc phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam. Trước cách mạng tháng Tám, làng thuộc xã Vân Hoàng, huyện Phú Xuyên. Về địa lý, phía Đông giáp làng Chản, phía Tây giáp làng Từ Thuận, phía Nam giáp khu dịch vụ của xã Vân Từ, phía Bắc giáp sông Nhuệ và xã Phú Yên.
Người lập làng là cụ Trần Ninh Thuận. Cụ làm nghề chài lưới trên sông Nhuệ, khi xuôi thuyền qua đây thấy miền đất tốt liền dừng lại khai phá. Các bạn chài họ khác cũng tập hợp lại và lập nên làng Cựu. Đầu tiên làng có tên chữ là Vân Hoàng Cựu, sau kết hợp với xã bên, gọi là Vân Từ (Vân Hoàng + Từ Điêu). Trong khoảng thời gian 1921, làng bị cháy, đời sống người dân nghèo xơ xác. Nhưng mọi nhà đã vượt lên sự khó khăn bằng cách học nghề may, lấy thương nghiệp làm giàu, vực lại đời sống quê hương. Từ đó, làng Cựu có nhiều người thợ may comple nổi tiếng, họ mở cửa hàng ở Sài Gòn, Hà Nội nhanh chóng làm cho làng giàu có. Những gia đình làm nghề may không những có cửa hàng ngay tại Hà Nội, mà đã xây nhà kiểu Âu ở quê, nhà nọ tiếp nhà kia, dần dần tạo nên cảnh “phố Âu trong làng Việt” ở quê hương. Nhưng đến 1945 nhiều biến cố xảy ra, nhiều chủ nhà làng Cựu ra đi mà không hẹn ngày về, vì thế những ngôi nhà kiểu Âu dần dần tàn tạ. Hiện nay làng có 4 xóm: Xóm Cầu, xóm Đình, xóm Chợ, xóm Đội 6. Dân trong làng không làm nghề may, mà lại quay về nghề nông.
Chiếc cổng làng mà chúng tôi ngắm nghía ghi hình thật ra chỉ là cổng hậu của làng, quay về hướng Bắc. Ngày xưa, làng có cổng Tiền ở gần đình làng, quay hướng Nam, nhưng trong kháng chiến làng đã tự phá để thông thoáng khi xe vận tải vào làng nhận lương thực.
Chúng tôi ngắm kỹ chiếc cổng còn lại. Đây là một chiếc cổng xây theo kiểu “quyển thư”. Đứng ở tâm cổng làng nhìn sang làng Chản, có cảm tưởng hai cánh cổng được mở sang hai phía, như trang sách mở rộng. Có một điều đặc biệt là những vật thể trang trí tại đây đều có sự hòa trộn giữa văn hóa Á Đông và phương Tây: Khi phía trong và phía ngoài cổng có đắp các linh vật khác nhau.
Ngoài cổng trên đầu 4 cột có đắp một đôi thiềm thừ, một đôi kỳ lân cùng phía trong cổng có 4 cột, trên đỉnh hai cột đắp phượng múa, và trên đỉnh đôi cột khác đắp 2 bình rượu. Trên các cột có vạch trang trí dây leo và hoa lá. Trên hai cột phía ngoài có đôi câu đối chữ Hán:
“Kỳ ngoại bất bế thanh bình y tạc thử giang sơn/ Nhật hậu hữu hưng cao đại tồn nghi dung mã cái” (Bên ngoài không đóng nước non vẫn thanh bình như xưa/ Ngày sau thịnh vượng vẫn vừa cho ngựa xe lui tới)
Trên hai cột phía trong có đôi câu đối
“Tả hữu du nghi vân trình đản đản/ Bắc Nam cộng hợp đại đạo bình bình” (Trái phải sửa sang đường mây rộng mở/ Bắc Nam hợp lại đạo lớn thẳng băng)
Cụ trưởng ban Hội Người cao tuổi của làng Cựu cho biết chiếc cổng này có nhiều khách nước ngoài đến thăm, chụp ảnh. Nhân dân thấy khách xa đến thăm làng, hỏi thăm nhiều câu chuyện văn hóa, bà con chúng tôi tiếp khách mà thêm quý cái cổng làng nên cũng bảo nhau gìn giữ. Hỏi về tín ngưỡng của làng, cụ cho biết: theo thần tích làng Cựu thờ 6 vị Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần Đại Vương. Các vị thần này năm xưa giúp Hùng Vương đánh giặc. Sau khi thắng trận, các ngài bay qua đây, thấy cảnh đẹp liền hạ xuống, và hóa. Từ đó dân làng tôn thờ, đời đời có sắc phong.
Tiếc rằng chương trình chủ yếu của chúng tôi khi về làng Cựu làm về chiếc cổng làng, nên nhiều nét văn hóa của làng chưa khai thác, xin khất bạn đọc một chuyến đi sau.