Trải qua 31 lần hiến máu tình nguyện, đào tạo được hơn 10.000 tình nguyện viên, cùng với những sáng kiến, nỗ lực không ngừng nghỉ vì cộng đồng, năm 2020, anh Trịnh Xuân Thuỷ, 29 tuổi, Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, đã xuất sắc được vinh danh là một trong 10 gương mặt nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.
Bén duyên với hoạt động hiến máu từ lúc chỉ là cậu sinh viên Học viện Ngoại giao, anh thường được bạn bè ưu ái gọi là “Thuỷ máu”. Tưởng chừng chỉ đơn giản là lấy cái tên gắn với công việc nhưng khi được ngồi lại, nghe về những chia sẻ chân tình trong suốt 1 thập kỷ theo đuổi nghề của chàng trai xứ Thanh thì mới thấy tên gọi ấy ẩn chứa cả một thanh xuân máu lửa, đầy hoài bão và luôn mang nhiệt huyết nhân rộng tinh thần “sống là cho đi” đến với cộng đồng.
Như ngọn lửa cháy mãi…
PV: Rất hân hạnh được trò chuyện với anh, anh có thể chia sẻ về cuộc hành trình của mình từ lúc “bén duyên” với công tác vận động hiến máu đến khi trở thành Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội?
Anh Trịnh Xuân Thủy: Năm 2011 khi ra Hà Nội học tập, lần đầu tôi biết đến hoạt động hiến máu tình nguyện là ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, nơi tôi làm tình nguyện. Đến năm 2012, thấy rằng cuộc đời sinh viên của mình cần có một dấu ấn, tôi đã quyết định gắn bó với hành trình tình nguyện.
Một lần tình cờ đi hiến máu tại buýt của Học viện Thanh thiếu niên, nhận được sự chăm sóc chu đáo, tận tình của các bạn tình nguyện viên, tôi tự hỏi: “Tại sao mình không là một trong số các bạn?’’ nên tôi đã đăng ký trở thành tình nguyện viên của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Tháng 10/2012, tôi chính thức trở thành hội viên.
Sau khi tốt nghiệp tại Học viện Ngoại giao, tôi thấy mình vẫn còn nhiều nhiệt huyết và muốn cống hiến thêm cho hoạt động này. Thật may mắn lúc đó phía Viện huyết học - Truyền máu Trung ương đã cho tôi cơ hội về học tập và công tác tại Viện. Từ đó, tôi lại tiếp tục được đồng hành, công tác vận động hiến máu với vai trò là một trong những cán bộ chủ chốt của Hội và cho đến bây giờ là người đứng đầu Hội.
PV: Động lực nào đã giúp anh gắn bó lâu dài đến vậy với một công việc không phải ai cũng làm được, là hiến máu và vận động người khác hiến máu?
Anh Trịnh Xuân Thủy: Năm 2012, tôi cùng đội máu của trường đến Viện huyết học - Truyền máu Trung ương, thăm tặng quà cho các em bệnh nhi. Hình ảnh các em nằm khắc khoải chờ máu ám ảnh mãi trong tôi. Nó tạo động lực thôi thúc mạnh mẽ cho những tình nguyện viên vận động hiến máu cứu người như tôi. Chúng ta may mắn có sức khỏe bình thường, tại sao không chia sẻ nó với những em nhỏ kém may mắn hơn. Chính sự ý nghĩa, nhân văn mà công việc mang lại giúp tôi gắn bó lâu đến vậy.
PV: Được biết khi làm tình nguyện, anh tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện nào để lại cho anh nhiều cảm xúc nhất?
Anh Trịnh Xuân Thủy: Năm 2016 - 2017, dưới sự hướng dẫn của Viện huyết học Truyền máu - Trung ương, Hội máu Hà Nội thành lập câu lạc bộ Kết nối đỏ - kết nối các bệnh nhân của Viện, bao gồm Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh), Hemophilia (bệnh máu khó đông) hay ung thư máu. Trong đó, có bạn chủ nhiệm bằng tuổi tôi, gia đình hoàn cảnh rất khó khăn nhưng lại bị ung thư máu từ năm 14 tuổi.
Khi nằm viện điều trị, bạn thấy mình không thể cứ thế chờ chết, càng không thể để bố mẹ vất vả nên hàng ngày bạn vừa chạy Grab vừa truyền máu. Đến cuối năm 2017, bạn đã qua đời và câu lạc bộ cũng không thể tiếp tục duy trì kết nối nữa. Đó là người đã truyền cho tôi nhiều cảm hứng bởi nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Các bạn ấy là bệnh nhân, còn cố gắng được thì bản thân tôi, bản thân chúng ta đều có thể cố gắng hơn nữa để giúp đỡ họ.
PV: Anh có nghĩ bản thân đã bỏ lỡ thanh xuân, được vi vu “bay nhảy” với bạn bè hay thời gian bên gia đình khi làm công việc này?
Anh Trịnh Xuân Thủy: Thật ra đối với tôi, điều gì cũng cần sự đánh đổi, không ngẫu nhiên chúng ta có mọi thứ trong cuộc sống. Để có điều này, sẽ mất điều khác, thì tình nguyện cũng như vậy. Có thể khi làm tình nguyện, ta sẽ mất đi thời gian, bạn bè và đôi lúc mất đi tiền bạc. Nhưng điều ta mất đi sẽ không bằng điều ta nhận lại được.
Chúng ta nhận lại rất nhiều thứ từ cuộc sống, như các mối quan hệ xã hội, các kỹ năng, hơn cả là sự tin yêu của cộng đồng. Dù sao mỗi cá nhân đều có cuộc sống riêng, nếu biết hài hòa giữa tình nguyện với các mối quan hệ khác, gia đình, bạn bè, công việc thì điều đó sẽ tuyệt vời hơn khi chẳng được gì cả.
Thủ lĩnh - Tự hào hay áp lực?
PV: Trong thời gian 10 năm đồng hành với Hội, chắc hẳn anh đã có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ?
Anh Trịnh Xuân Thủy: Vào tháng 7/2012, đơn vị hè tôi chỉ huy có tổ chức tiếp nhận máu tại buýt Đại học Giao thông vận tải, với mục tiêu lớn 200-300 đơn vị máu, chúng tôi phải chuẩn bị cả tháng trời. Vậy mà sau khi bày biện sẵn sàng, một cơn mưa rào bất ngờ đổ xuống khiến mọi người phải chạy ngay vào trú. Chờ miết từ 8h đến 10h30, mưa vẫn chưa tạnh, tâm trạng các bạn tình nguyện viên bắt đầu chùng xuống, nhiều bạn còn rưng rưng sắp khóc. Điều này cũng dễ hiểu bởi chúng tôi đã rất nỗ lực, tâm huyết cho buổi hôm đó nhưng cuối cùng thiên không thời cho lắm, chỉ được cái địa lợi nhân hòa thôi.
Lúc đó là một người thủ lĩnh, tôi phải đứng ra động viên các bạn để “xốc lại tinh thần”, làm sao cho tích cực, phấn chấn hơn thì mới đón tiếp được người hiến máu. Mãi tới 15h chiều, trời mới tạnh. Chúng tôi tiếp tục bày biện và chỉ tiếp nhận được hơn 10 đơn vị máu. Nhưng thực sự chúng tôi vẫn rất xúc động vì ít nhất công sức mình bỏ ra cũng gặt hái được chút gì đó.
Thế mới thấy các bạn tình nguyện viên khi đặt tâm vào hoạt động cộng đồng nào đều hết mình và đặt lợi ích chung lên trên hết. Các bạn cũng nên chuẩn bị cho mình tâm lý không phải chương trình nào cũng thành công. Chắc chắn sẽ có lúc thất bại nhưng quan trọng là chúng ta hãy khóc vì thành công, khóc vì nhận được nhiều bài học kinh nghiệm quý giá sau những thất bại ấy.
PV: Đại dịch Covid-19 cũng là một thời điểm không thể nào quên khi mà cả nước phải thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, nên không thể áp dụng cách vận động “từng nhà, từng người” như trước đây. Với vai trò là người dẫn đầu, anh và Hội đã có giải pháp gì để khắc phục?
Anh Trịnh Xuân Thủy: Khi đất nước rơi vào thế ngàn cân treo sợi tóc bởi đại dịch Covid 19, chỉ thị giãn cách xã hội buộc toàn dân phải ở nhà. Mọi hoạt động hiến máu phải tạm ngưng khiến không đủ máu để truyền cho người bệnh. Chúng tôi đã nảy ra sáng kiến vận động mọi người đặt lịch hiến máu qua app “HIEN MAU” của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương để dễ dàng phân bổ lượng người đến cũng như đảm bảo giãn cách theo đúng quy tắc 5K.
Tận dụng ưu thế của mạng xã hội, tôi và đồng nghiệp đã sử dụng các nền tảng như Facebook, Instagram, Tiktok và Youtube để góp phần lan tỏa chiến dịch, kêu gọi người dân tham gia hiến máu. Chúng tôi còn phối hợp với Viện, xin xác nhận cho mọi người ra đường thực hiện những công việc tình nguyện. Lực lượng chức năng, công an và dân phòng đều rất ủng hộ, nhờ vậy trộm vía vẫn đủ lượng máu truyền cho người bệnh trong suốt đại dịch. Thậm chí đã chuyển được 20.000 đơn vị máu vào Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam để cứu giúp lúc nguy bách.
PV: Tính đến nay, khi đã phần nào vượt qua khó khăn của đại dịch, trải qua 1 chặng đường dài suốt 10 năm như vậy, anh cảm thấy nuối tiếc điều gì?
Anh Trịnh Xuân Thủy: Điều nuối tiếc nhất với tôi, đó là tuổi trẻ của mình có vẻ hơi ngắn để được cống hiến, để được gọi là dành trọn thanh xuân cho hoạt động tình nguyện. Ai cũng chỉ có một thanh xuân nhất định và tôi cũng vậy, rồi một lúc nào đó chúng ta cũng sẽ hết thanh xuân, cũng sẽ già, cũng sẽ rời bỏ công việc tình nguyện này thôi. Nên là chừng nào còn làm tình nguyện, chừng nào còn tuổi trẻ thì chừng đó tôi và các bạn trẻ khác sẽ tiếp tục nỗ lực cố gắng hết mình.
Trước khi là người thành công, thì hãy là người tử tế
PV: Hiện nay, có khá nhiều người, đặc biệt là sinh viên, đi hiến máu chỉ vì họ cần số tiền bồi dưỡng sẽ được nhận từ đơn vị tiếp nhận máu; hoặc thậm chí để lấy số tiền nhiều hơn, việc hiến máu đã vô tình trở thành công cụ kiếm tiền. Anh nghĩ liệu nó có làm mất đi ý nghĩa nhân văn của một nghĩa cử cao đẹp?
Anh Trịnh Xuân Thủy: Nhìn về năm 1994, khi hoạt động hiến máu tình nguyện ở nước ta chưa phát triển thì 67% lượng máu sử dụng cho cấp cứu, điều trị chủ yếu từ hiến máu có nhận tiền bồi dưỡng hay còn gọi là bán máu và hiến máu người nhà. Sau gần 30 năm nỗ lực của các cấp chính quyền và đông đảo cộng đồng, tỉ lệ hiến máu tình nguyện đã lên đến 99% tổng lượng máu tiếp nhận hàng năm. Đó chính là công sức của cả đất nước chứ không chỉ riêng một bộ phận nào.
Theo Thông tư số 17/2020 của Bộ Y tế, mức chi cho người hiến máu có nhận bồi dưỡng như sau: hiến 250ml được 195.000 đồng, 350ml được 320.000 đồng và 450ml được 430.000 đồng, đây là đối với người hiến máu toàn phần. Số tiền này cũng không phải quá lớn để được coi là động cơ chính cho người dân tích cực tham gia hiến máu với một lượng đơn vị máu có mức thể tích không phải là ít.
Như vậy, về cơ bản, với con số tối thiếu 1% còn lại, nó sẽ không tác động quá nhiều vào giá trị của nghĩa cử cao đẹp này. Chúng ta không thể vì số lượng nhỏ mà đánh đồng tất cả được. Có tới 99% người tham gia hiến máu với mục đích muốn cứu giúp người khác, muốn hiến dâng giọt máu của mình làm một phần nghĩa cử cao đẹp cho cuộc sống. Vậy nên tôi mong chúng ta sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn cho hành động này và hướng tới 100% hiến máu tình nguyện trong tương lai không xa.
PV: Trước khi khép lại buổi phỏng vấn, anh có lời nhắn nhủ, khích lệ nào để khơi dậy tinh thần, lối sống vì người khác cho các bạn trẻ Việt Nam thay vì chỉ để tâm vào các thú tiêu khiển?
Anh Trịnh Xuân Thủy: Tôi hay chia sẻ với các bạn trẻ rằng: “Trước khi là người thành công, thì hãy là người tử tế”. Tức là trước khi phát triển bản thân trên mọi lĩnh vực để trở thành người thành đạt trong cuộc sống thì ta cần phải quan tâm hơn đến hoạt động cộng đồng để chắc chắn rằng trong mỗi chúng ta đều có sự tử tế. Đó cũng là cách phát huy truyền thống quý báu của dân tộc.
Các bạn trẻ bên cạnh việc tập trung vào đời sống cá nhân, các thú tiêu khiển thì hãy thử một lần chung tay vì cộng đồng, cùng góp sức giúp đỡ càng nhiều mảnh đời hơn nữa. Cuộc sống là định luật bảo toàn, cho đi rồi ta sẽ nhận lại.
Cảm ơn anh Trịnh Xuân Thuỷ đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện chân tình này!