Đối với người dân địa phương, những khu phố, xóm làng với tuyến đường sắt chạy ngang vốn đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống thường ngày. Những góc phố bình thường đó không chỉ là nơi ngày đêm người ta quen tai với tiếng đoàn tàu xình xịch đi qua, mà còn trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết khi chẳng bao giờ thấy vắng bóng khách du lịch tìm đến.
Ở châu Á, nhắc tới "xóm đường tàu", người ta sẽ nghĩ ngay đến 3 cái tên vô cùng nổi tiếng từng xuất hiện trên khắp mặt báo quốc tế. Đây đều là những nơi mang lại cho du khách trải nghiệm vừa "đau tim", hồi hộp nhưng không kém phần thú vị.
Cà phê xóm đường tàu Phùng Hưng (Hà Nội, Việt Nam)
Câu chuyện về xóm đường tàu Hà Nội này từng xuất hiện dày đặc trên nhiều mặt báo nước ngoài. Vào tháng 4/2014, tờ Dailymail của Anh đã đăng tải loạt ảnh ấn tượng về những tuyến tàu hỏa chạy ngang khu dân cư đông đúc tại Hà Nội. Hay mới đây hơn, trang Natgeo Travel nổi tiếng không ngần ngại gợi ý cho du khách trải nghiệm "thưởng thức một tách cà phê trứng, trò chuyện cùng những người bạn và cảm nhận "rõ mồn một" tiếng ồn ào những lúc chuyến tàu đi qua xóm nhỏ".
Được nhận định là "một trong những tuyến đường sắt nguy hiểm nhất thế giới", thế nhưng có vẻ như càng nguy hiểm, địa điểm này lại càng nổi tiếng. Con xóm nhỏ độc đáo nằm ven dải đường sắt từ đoạn đường Điện Biên Phủ đến phố Phùng Hưng trải dài tầm 2km, giờ đã góp mặt trong danh sách những điểm đến hot nhất khách du lịch không thể bỏ lỡ khi ghé thăm thủ đô Hà Nội.
Cũng chính vì sự nổi tiếng đó, hàng loạt các quán cà phê được mọc lên san sát dọc tuyến đường, biến nơi đây trở thành "cà phê đường tàu" độc nhất vô nhị ở châu Á. Du khách đến để uống cà phê là một phần, tuy nhiên lý do chính nhất vẫn là muốn tận mắt chứng kiến cảnh đoàn tàu đi qua trước mắt mình và chỉ cách tầm 40cm.
Mỗi ngày, có khoảng 10 chuyến tàu "ghé" qua con xóm nhỏ Phùng Hưng, thường là vào lúc sáng sớm và sau 21h đêm. Mỗi khi có đoàn tàu sắp chạy qua (thường là trước 15 phút), các chủ quán cà phê sẽ hớt hải "chạy đôn chạy đáo" thu dọn bàn ghế, nhắc nhở khách sẵn sàng tinh thần để "né" tàu. Đây cũng chính là lúc người ta cảm thấy thích thú nhất!
Chợ đường ray Maeklong (Samut Songkhram, Thái Lan)
Maeklong là một khu chợ đường ray nổi tiếng tọa lạc tại tỉnh Samut Songkhram, Thái Lan, cách thủ đô Bangkok khoảng 58 km. Nơi đây còn được biết đến với tên gọi Siang Tai, nghĩa là "cuộc sống mạo hiểm" trong tiếng Thái. Khu chợ trời này trải dài khoảng 100m, nằm ngay gần ga tàu Maeklong, vốn đã tồn tại từ rất lâu trước khi đường ray được hoàn thành vào năm 1904.
Maeklong là một trong những tuyến đường sắt chậm nhất thế giới với tốc độ trung bình của tàu chỉ khoảng 30 km/h, chậm hơn cả tàu đi qua phố Phùng Hưng. Chính vì vậy, người dân địa phương có thể thoải mái họp chợ ngay sát đường ray. Hình ảnh quen thuộc khi ghé thăm Maeklong là những sạp hàng đủ loại với nào là ô dù, vải che chắn nằm la liệt hai bên đường ray.
Chợ mở cửa hàng ngày từ 6h – 18h, trung bình mỗi ngày sẽ có khoảng 8 đoàn tàu đi qua khu vực. Khi bắt đầu nghe thấy tiếng còi tàu hỏa từ xa, những chủ sạp "nhanh như chớp" hạ dù xuống, dọn dẹp và che các mặt hàng lại để tránh đường cho tàu chạy. Khi tàu khuất hẳn, các chủ sạp lại bày hàng ra và tiếp tục bán. Chính điều đặc biệt này là điểm thu hút rất đông du khách tìm đến tham quan, chụp hình sống ảo ở Maeklong.
Làng cổ Thập Phần (Đài Bắc, Đài Loan)
Nếu những ai từng xem bộ phim "Cô gái năm ấy chúng ta cùng theo đuổi" thì chắc chắn không khỏi xao xuyến khi nhớ về khung cảnh hai nhân vật chính cùng nhau thả đèn trời ở làng cổ Thập Phần (Shifen). Nằm ở quận Pingxi cách thành phố Đài Bắc khoảng 32km, nơi đây là một thị trấn cổ nổi tiếng với những chiếc đèn lồng rực rỡ và thác nước thiên nhiên quyến rũ.
Phố cổ Thập Phần có một tuyến đường sắt dài khoảng 12,9km chạy từ Ruifang đến quận Pingxi, được hoàn thành vào năm 1921 và dùng để vận chuyển than. Hiện tại, người dân tận dụng khu vực hai bên đường ray để mở các gian hàng bán đồ lưu niệm và ẩm thực đường phố. Đường ray này đến nay vẫn còn hoạt động. Thỉnh thoảng, du khách sẽ có cơ hội chứng kiến tận mắt cảnh đoàn tàu đi qua.
@jldndef
Đến Thập Phần, bên cạnh việc cảm nhận nét cổ xưa của những ngôi nhà hay các con hẻm nhỏ. Du khách không thể bỏ lỡ trải nghiệm thả đèn hoa đăng lên trời vốn đã trở thành một nét văn hóa của người dân. Ngoài ra, men theo tuyến đường sắt ở đây, du khách còn có thể dạo quanh thị trấn, vòng qua những sườn núi để ngắm cảnh đẹp thiên nhiên.
Đến với những tuyến đường tàu nổi tiếng này, mọi người có thể tha hồ tham quan, chụp hình sống ảo, mua sắm, ăn uống và đặc biệt là chờ đợi khoảnh khắc tàu chạy qua. Một điểm lưu ý nhỏ là mọi người nên chọn cho mình một vị trí an toàn để chứng kiến cảnh tượng thú vị này, tránh đứng quá gần để xảy ra những sự cố đáng tiếc.