Cố đô Huế đón gần 2 triệu lượt khách, thu hơn 4.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024
Thừa Thiên Huế đón khoảng 1.950.251 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế với doanh thu đạt 4.001,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024.
Để đảm bảo phục hồi và phát triển ngành du lịch hiệu quả, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động triển khai thực hiện những nhiệm vụ trong chương trình công tác năm 2024 với việc tập trung tuyên truyền, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch, ẩm thực, sản phẩm, dịch vụ du lịch Thừa Thiên Huế đến với thị trường khách trong nước và nước ngoài thông qua website Visit Huế, các trang mạng xã hội facebook, tiktok, instagram, zalo, youtube, twitter... và website, fanpage tiếng Nhật. Tổ chức các chương trình chào đón những du khách trên chuyến bay quốc tế đầu tiên trong năm (từ Incheon - Hàn Quốc) và những du khách đầu tiên đến Huế năm 2024 bằng đường hàng không, đường hàng hải, trưng bày gian hàng quảng bá và giới thiệu sản phẩm đặc sản tại một số sự kiện trong và ngoài nước.
Hiện, tỉnh Thừa Thiên Huế có 94 đơn vị lữ hành và văn phòng, đại lý du lịch và trong đó có 69 đơn vị có chức năng kinh doanh lữ hành quốc tế, 19 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa, 6 văn phòng và đại lý du lịch. Tính đến 6 tháng năm 2024 tỉnh Thừa Thiên Huế có 893 cơ sở lưu trú với 14.229 phòng và 22.918 giường, trong đó có 205 khách sạn (chiếm 22,9%) với 8.672 phòng (chiếm 60,9%) và 14.350 giường (chiếm 62,6%), số khách sạn từ 3 - 5 sao có 22 cơ sở với 3.115 phòng (chiếm 89.2%) và 4.974 giường (chiếm 88,2%) trên tổng số 33 khách sạn có sao với 3.489 phòng và 5.638 giường.
Theo Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, trong 6 tháng đầu năm 2024 lượng khách đến Thừa Thiên Huế ước đạt 1.950.251 lượt (tăng 24,6% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế ước đạt 821.290 lượt (tăng hơn 42,6% so với cùng kỳ) và khách nội địa ước đạt 1.128.961 lượt (tăng 14,2% so với cùng kỳ). Khách lưu trú ước đạt 983.589 lượt (tăng 20,1% so với cùng kỳ), trong đó khách quốc tế lưu trú ước đạt 361.986 lượt (tăng 36% so với cùng kỳ) và doanh thu du lịch ước đạt 4.001,9 tỷ đồng (tăng 10,9 % so với cùng kỳ).
Trong buổi làm việc với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mũi nhọn mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác phát triển, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế. Để tạo đột phá trong phát triển du lịch, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch trong phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá và có giải pháp thu hút từng thị trường khách.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cần tăng cường liên kết giữa các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp trong phát triển du lịch và chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực ngành du lịch... Bên cạnh đáp ứng các nhu cầu cơ bản của khách du lịch là ăn ở, đi lại thì cần phát triển thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ đa dạng để kích thích nhu cầu chi tiêu của du khách. Rà soát lại các Đề án phát triển du lịch suối thác, du lịch gắn với làng nghề và rà soát lại các cơ chế để đón khách du lịch bằng tàu biển, hàng không, tàu hỏa.
Qua đó, cần xây dựng các sự kiện chắp nối thành một chuỗi, gắn với các hoạt động của tỉnh Thừa Thiên Huế để tạo nên chuỗi hoạt động lan tỏa đến với cộng đồng và du khách, xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, có tính ổn định cao, thu hút du khách./.