Nhiều công trình, tuyến phố được cải tạo
Tháng 3/2021, TP Hà Nội công bố 6 đồ án quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Trong đó, có đến 3 đồ án phân khu quy hoạch thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm gồm: Quy hoạch phân khu phố cổ (H1-1A); khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận (H1-1B) và khu phố cũ (H1-1C). Trong đó, khu vực phố cổ, di tích cấp quốc gia được quy hoạch là khu đô thị cổ, có giá trị về lịch sử và văn hóa. Các chức năng chủ yếu là thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư.
Khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, di tích cấp quốc gia đặc biệt là vùng thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Các chức năng chủ yếu là trung tâm văn hóa, hành chính, thương mại, dịch vụ, du lịch kết hợp với nhà ở, các công trình công cộng phục vụ cho cộng đồng dân cư, di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Còn với khu phố cũ có tính chất là khu đô thị cũ với nhiều công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Các chức năng chính là di tích lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở, cơ quan, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa, y tế và các chức năng công cộng khác.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, sau hơn một năm các đồ án quy hoạch phân khu đô thị được TP phê duyệt, nhằm khẩn trương triển khai theo định hướng quy hoạch vào thực tiễn, quận đã phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập thiết kế đô thị các tuyến phố Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư; Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng và thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ, lập đề án bảo tồn, phát huy giá trị khu phố cũ.
Riêng khu phố cổ, quận đã đánh giá lại các dự án đang triển khai, kiểm đếm những công trình có giá trị kiến trúc, nghệ thuật. Đồng thời dành nguồn lực giải phóng mặt bằng, tu bổ di tích, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang mặt đứng các tuyến phố. Việc hạ ngầm toàn bộ hệ thống đường dây trên 76 tuyến phố đã hoàn thành trong năm 2021. Ngoài ra, quận khuyến khích phục dựng công trình theo kiến trúc đặc trưng tiêu biểu khu phố cổ; xây dựng hình ảnh tuyến phố đi bộ với các cửa hàng buôn bán sản phẩm truyền thống, phục vụ du lịch; tăng mật độ cây xanh bằng “vườn thẳng đứng”...
Tháng 12/2021, quận hoàn thành tu bổ đền Bạch Mã tại 76 Hàng Buồm và trung tâm văn hóa tại 22 Hàng Buồm; dự kiến tháng 7/2022 hoàn thành dự án tu bổ đình cổ Vũ Đông và tới tháng 4/2023 sẽ hoàn thành việc tu bổ đình Hà Vỹ tại 11 Hàng Hòm. Bên cạnh đó, trong hai năm 2021 - 2022, quận đã trồng bổ sung 388 cây xanh đô thị, nghiên cứu các tuyến phố trồng bổ sung cây xanh trên mặt đứng công trình. Đồng thời, quận tiếp tục nghiên cứu mở rộng không gian đi bộ trong thời gian tới.
Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ trọng tâm quận đang tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án giãn dân phố cổ. Hiện, UBND quận Hoàn Kiếm đã rà soát xong toàn bộ đề án, gồm 2 dự án thành phần là dự án đầu đi và đầu đến. Quận đang xin ý kiến các sở, ngành TP để báo cáo UBND TP nhiệm vụ sẽ triển khai trong thời gian tới.
Khó khăn trong bảo tồn di sản
Theo ông Phạm Tuấn Long, việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị di sản và tái thiết đô thị nâng cao điều kiện sống của người dân trong trên địa bàn quận theo định hướng của quy hoạch có những khó khăn nhất định. Đó là quỹ đất của quận hẹp, mật độ dân cư cao, chất lượng nhà ở xuống cấp, nhà cổ, cũ, lâu không được cải tạo, sửa chữa, quản lý và sở hữu rất phức tạp. Đặc biệt, những công trình xuống cấp thường là phức tạp về sở hữu nên rất khó khăn trong công tác tu bổ, cải tạo.
Cùng với đó, thêm yếu tố khách quan là trong hai năm 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cửa hàng dừng hoạt động khá nhiều đã làm chậm tiến độ chỉnh trang các tuyến phố. Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố thuận lợi mà quận đang được thừa hưởng là các văn bản pháp lý đã đầy đủ, nhận thức của cộng đồng về bảo tồn di sản đô thị đã tốt hơn trước.
Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, quan trọng nhất vẫn cần có sự đồng lòng chung tay, chung sức của người dân trong việc nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ gìn giữ phát huy giá trị di sản của Thủ đô. Do đó, thời gian tới quận sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng để cùng tham gia bảo tồn di sản đô thị, tái thiết đô thị; chấp hành các quy hoạch phân khu.
Cùng với đó, quận sẽ tập trung triển khai nhanh, gọn, hiệu quả về các đồ án quy hoạch chi tiết trong quy hoạch phân khu. Lập kế hoạch triển khai đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tiễn, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội và nguồn lực hiện có chặt chẽ, hiệu quả.
Dưới góc dộ chuyên gia, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm phân tích, hiện tại, quận Hoàn Kiếm đã được triển khai và hoàn thành các đề án quy hoạch phân khu đô thị, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để vừa bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, vừa thực hiện mục tiêu xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Vấn đề là TP, bộ, ngành, cần quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo thuận lợi để giải quyết những vấn đề quy hoạch phức tạp hiện nay như việc giãn dân phố cổ. Đồng thời, để quy hoạch đi vào cuộc sống và được thực hiện một cách đồng bộ, thúc đẩy việc tái thiết, phát triển đô thị kiểu mẫu xứng với vị thế là quận trung tâm nội đô lịch sử.
Các đồ án quy hoạch phân khu nội đô trên địa bàn được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để quận Hoàn Kiếm bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, cải tạo chung cư cũ, giãn dân trên địa bàn, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trở thành quận trung tâm của Thủ đô Hà Nội.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long