“Nhiếp ảnh là tấm gương trung thực phản ánh thời đại, tức là nói tới khả năng phản ánh hiện thực của loại hình nghệ thuật này” - Điều này vừa đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng đối với nhiếp ảnh. Với nghĩa đen, chiếc máy ảnh đúng là tấm gương thu hình của hiện thực khách quan, hiện thực diễn ra như thế nào thì hình ảnh thu được là thế ấy, không sai một ly. Nhưng cái hiện thực ấy có đúng bản chất sự việc hay không, có điển hình hay không, có tầm khái quát cao hay không lại thuộc vào tài năng nhà nhiếp ảnh. Và ở
1 - Lửa vây máy bay Mỹ: Ảnh cho thấy trận địa pháo cao xạ 100 ly đang nhả đạn vào máy bay phản lực Mỹ trên bầu trời tỉnh Hải Dương ngày 4/7/1967. Sự dữ dội của trận đánh thể hiện đậm nét ở đầu nòng pháo, lửa đạn sáng rực bung ra từng cụm khói khổng lồ vừa trắng, vừa đen. Đây là khẩu đội 2, phân đội 174 pháo cao xạ Hải Dương. Phía sau khẩu đội này là cả trận địa đồng loạt nổ súng, những quầng lửa, những đụn khói cuồn cuộn dâng cao. Rất hay là bên phải ảnh hiện lên một pháo thủ đội mũ sắt quấn nùn rơm và sau lưng đeo áo giáp rơm tránh mảnh bom đạn, nét đặc biệt sáng tạo của người lính Việt Nam sống chết gắn liền với cây lúa. Tất cả quyết tâm, tất cả sức mạnh của các chiến sĩ đều trút vào nòng súng. Hôm đó đơn vị hạ được 2 máy bay phản lực Mỹ.
ĐÁNH CHIẾM CỨ ĐIỂM 365 - Chiều 30/3/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn Sơn Mỹ, Quân Giải phóng Quảng Trị tiến công đánh chiếm điểm cao 365. Sau 30 phút tiến công, vào lúc 17h30’ cứ điểm 365 đã bị tiêu diệt, mở màn chiến dịch giải phóng Quảng Trị.Nhớ lại những ngày đầu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, ảnh trên báo quá “hiền lành”, lính tráng, súng đạn đều nhẵn nhụi, sạch sẽ! Độc giả, rồi Ban tuyên huấn Trung ương đặt câu hỏi: Ảnh chiến đấu sao lại lạnh tanh thế? Thông tấn xã và các báo vào trận, dường như mở ra một cuộc thi đua chụp cho bằng được họng súng đang khạc đạn, tóe lửa, rồi săn lùng máy bay bốc cháy trên bầu trời, tìm kiếm máy bay rơi, và bắt sống giặc lái… Hàng chục các nhà nhiếp ảnh ở Hà Nội, Hải Phòng trực chiến tại các trận địa cao xạ, họ chụp được khá nhiều ảnh lửa khói hào hùng. Nhưng thành công nhất là Vũ Tạo và Nghĩa Dũng. Năm 1966, Vũ Tạo chụp được bức ảnh bất hủ các chiến sĩ pháo cao xạ 37 ly đội mũ sắt đeo nùn rơm bình tĩnh nổ súng bắn máy bay Mỹ, trong lúc hai quả bom nổ sát trận địa, bùn đất, khói bom bị bung lên, bốc cao ngùn ngụt như uy hiếp mọi người. Trận đánh diễn ra tại Phủ Lạng Thương, Bắc Giang. Từ hình ảnh các chiến sĩ gan dạ, sừng sững trước bom đạn ấy, Vũ Tạo đặt cho bức ảnh của mình cái tên ngắn gọn: Hiên ngang. Bức ảnh này đã được giải A Hội Nhà báo Việt Nam năm 1967, và được Giải thưởng Nhà nước năm 2007 cùng với tác phẩm Đấu pháo ở Cồn Tiên của Lương Nghĩa Dũng. Nhưng “đặc tả” pháo 100 ly đánh máy bay Mỹ thì chỉ có ảnh Lương Nghĩa Dũng là đầu bảng. Bức ảnh Lửa vây máy bay Mỹ được chụp từ độ cao của đài quan trắc rada. Tại điểm cao này rất nguy hiểm, dễ “ăn” tên lửa Mỹ, vì từ xa máy bay Mỹ đã phát hiện ra sóng rada của ta, lập tức chúng phóng tên lửa. Do ham góc đẹp gần như duy nhất này tại các trận địa cao xạ ở đồng bằng, nên Nghĩa Dũng đã nhiều lần bị tên lửa, hoặc bom hất xuống đất tới ngất xỉu.
XỐC TỚI - Các chiến sĩ Đại đội 11 (Sư đoàn 324) truy kích địch tại mặt trận Đường 9
2 - Nữ pháo binh Ngư Thủy: Bức ảnh này ra đời trong chuyến công tác dài ngày thứ hai của Lương Nghĩa Dũng tại tuyến lửa Khu Bốn vào đầu mùa hè năm 1968, trong bối cảnh Mỹ thực hiện chương trình ném bom hạn chế, tập trung thả bom vùng trọng điểm từ Nghệ An trở vào. Lần này tôi được đi cùng ông và được ông kèm cặp. Ông hơn tôi 9 tuổi, nhưng tuổi nghề chỉ trước có một năm. Vậy mà tôi cứ ngỡ ông đã vào nghề từ thuở thiếu thời bởi ông tác nghiệp thành thạo và xử lý tình huống chuẩn xác, lại có nhiều ảnh đăng báo rồi. Trong chuyến đi, đối với tôi, ông thân thiết như một người anh, một người hướng đạo.
Hôm ấy, vào buổi trưa, cả Đại đội nữ pháo binh đang nghỉ, ông Dũng và tôi mắc võng nằm trong nhà công sự rộng chừng 40 - 50m2, sâu dưới bờ cát khoảng 1,4m - 1,5m. Bỗng hồi kẻng báo động vang lên. Các cô gái từ trong hầm kèo lao ra ụ pháo, nhiều cô không kịp đội mũ sắt cũng nhảy vào nạp đạn. Tình hình gấp gáp, tầu chiến địch đã câu pháo vào đất liền, chúng vào gần, đã tới đúng tầm bắn của ta. Lệnh Đại đội trưởng Nguyễn Thị The dõng dạc: Chuẩn bị… bắn! Thế là các khẩu đội rầm rầm nhả đạn. Khi các nữ pháo binh khai hỏa, thì máy bay do thám của đối phương phát hiện ra trận địa, bắn pháo khói xuống đánh dấu mục tiêu để pháo hạm ngoài biển bắn vào, và máy bay phản lực lao tới dội bom. Thật không tưởng tượng nổi chúng tôi lại gặp một trận đánh kép ác liệt như vậy. Chúng nó muốn tiêu diệt chúng tôi. Mặc! Càng ác liệt chụp ảnh càng đã. Tôi chụp một khẩu đội, ông Dũng một khẩu đội, không ai vướng chân ai. Tôi nhăm nhăm đầu nòng pháo lóe lửa thì bấm máy, như đã từng chụp pháo cao xạ, nhưng ảnh bị rung, nhòa do bom nổ gần dữ quá. Còn Nghĩa Dũng đặc tả các nữ pháo thủ trong lúc khẩu pháo chồm lên, khói đạn phụt ngược ổ nạp đạn ra phía sau. Kết quả là ảnh do Nghĩa Dũng chụp đẹp bất ngờ. Tôi quá phục! Người xem thấy rõ hai nữ pháo binh trẻ khỏe với chiếc cặp ba lá trên mái tóc búi gọn đang nạp đạn, giật khóa súng, dáng vẻ họ đầy bình tĩnh tự tin. Một vẻ đẹp khỏe khoắn của những cô gái vùng biển, giữ làng, giữ nước mà trước đó và sau đó không ai chụp được. Lần trước (ngày 7/2/1967) tại trận địa này, ông may mắn chụp được tàu chiến Mỹ bị các cô gái bắn cháy, nhưng không chụp được khí thế chiến đấu của các cô, chắc là trận đầu cũng lớ ngớ như tôi hôm ấy. Rút kinh nghiêm trận trước, lần này (ngày 7/2/1968) ông đã thành công. Hết trận đánh chúng tôi quay về nhà công sự thì thấy đầu võng của Nghĩa Dũng bị mảnh bom phạt đứt một miếng to. Ông Dũng cười ha hả khoái chí: Mẹ kiếp, mình còn ở trong hầm thì toi rồi Thành ạ!

NỮ PHÁO BINH NGƯ THỦY - Nữ dân quân pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình) bắn cháy tàu chiến Mỹ trong trận đánh ngày 7/2/1968
3 - Đưa xe tăng vào trận địa: Những năm chiến tranh, đêm đêm có các chuyến tàu quân sự chở xe tăng bọc vải bạt rời ga Hàng Cỏ chạy dọc đường Nam Bộ ầm ầm lao qua Công viên Thống Nhất Hà Nội vào Nam. Nói là vào Nam, nhưng đường tàu chỉ đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, hoặc Nghệ An là hết, còn sau đó xe tăng bò vào Quảng Trị bằng đường nào lại là chuyện bí mật. Ảnh “Đưa xe tăng vào trận địa” của Nghĩa Dũng, chụp năm 1971 đã hé lộ một phần bí mật đó. Khe Sanh, Quảng Trị - mặt trận hiểm hóc, ác liệt, muốn đè bẹp đối phương phải có tăng thiết giáp. Ém tăng ở bìa rừng, bí mật xuất hiện bất ngờ, sẽ cầm chắc chiến thắng. Ảnh cho thấy hai chiếc xe tăng gặp đoạn đường lầy phía Đông Trường Sơn. Bộ đội, dân quân phải gấp rút khênh vác gỗ đến ứng cứu. Nổi bật phía trước nòng pháo là hai chiến sĩ khênh một cây gỗ to dài trên vai, chân lội bùn ngập tới đầu gối, bước đi vội vã. Hút sâu giữa ảnh là một chiến sĩ xe tăng đang dấn bó gỗ cành xuống bùn trước bánh xích, bên cạnh đó có một nữ dân quân vác bó gỗ cành đến hỗ trợ. Từ trong xe chiến sĩ lái xe tăng ló ra, mặt lộ vẻ bồn chồn… Tăng không thể rẽ ngang tùy tiện, mà phải đi theo đường công binh chỉ dẫn. Nếu chệch đường là vấp mìn. Bởi vậy đường lầy cũng phải khắc phục vượt qua. Không có địch rình mò trên trời, thì lại có địch lẩn khuất dưới đất. Nhìn qua tưởng là bình yên, mà thực sự đầy cam go, nguy hiểm bất ngờ. Đây cũng là một bức ảnh đẹp hiếm thấy về binh chủng tăng thiết giáp.
LỬA VÂY MÁY BAY MỸ - Trận đánh ngày 4/7/1967, khẩu đội 2, phân đội 174, pháo cao xạ Hải Dương bắn rơi tại chỗ 2 máy bay Mỹ.
4 - Xốc tới: Nổi bật trong ảnh là hai chiến sĩ Giải phóng đội mũ tai bèo đang truy kích địch tại mặt trận Đường 9. Con đường mòn dưới chân họ còn ngổn ngang dấu tích của một trạm gác bị trúng đạn và xác lính đối phương. Hai chiến sĩ chân đi giầy sải dài đang lao về phía trước. Một người ôm súng AK, một người ôm khẩu B40, quanh thân họ được nai nịt lựu đạn, bi đông nước, dụng cụ cá nhân… Sự đối lập hình ảnh giữa một bên là bước chân quân Giải phóng và một bên là xác địch bất động chắn ngang đã tạo nên sự tương phản mạnh về một tình huống chiến tranh. Tại Đường 9, Lương Nghĩa Dũng đã nhiều ngày đi cùng và chụp ảnh các trận đánh của Đại đội Lê Mã Lương, đơn vị mũi nhọn của mặt trận. Tình cờ, năm 2015, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Quân sự Việt Nam được mời vào Ban biên soạn cuốn sách ảnh Việt Nam - Cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước (1930 - 1975), do Bộ VHTT & DL chủ trì. Khi soạn đến ảnh của Lương Nghĩa Dũng, tôi được nghe lời tâm sự của người anh hùng này - nhân vật đã được Nghĩa Dũng chụp ảnh trên chiến hào năm xưa: Anh Lương Nghĩa Dũng ở mặt trận kiên cường như những chiến sĩ dũng cảm nhất, có nhiều ảnh tại trận sống động lắm, anh rất xứng đáng với danh hiệu anh hùng.
5 - Đánh chiếm cứ điểm 365: Chiều 30/3/1972, mở màn cho chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Đai đội 1, Tiểu đoàn Sơn Mỹ quân Giải phóng Quảng Trị tiến đánh cứ điểm 365, được pháo binh yểm trợ, sau 30 phút tấn công, vào 17 giờ 30 phút, cứ điểm này đã bị tiêu diệt. Trận mở màn phải thắng, đấy là quyết tâm của bộ đội. Trận mở màn phải có ảnh, đấy là tâm nguyện của Lương Nghĩa Dũng, trước khi vào chiến dịch, nhà nhiếp ảnh đã đinh ninh như vậy. Do đó ông đề nghị với lãnh đạo chiến dịch cho mình bám sát mũi tấn công. Bởi vậy, khi 3 chiến sĩ lao lên cửa lô cốt trong khói đạn mù mịt là ông đã lấy được khuôn hình chuẩn xác và bấm máy liền. Đây là thời điểm gay cấn nhất, nguy hiểm nhất, trong bắn ra, ngoài bắn vào, mà thường ở ngoài trời, trống hoác dễ ăn đạn hơn. Nó là thời điểm bất lợi nhất cho các chiến sĩ công đồn, cũng là thời điểm tính mạng treo sợi tóc đối với phóng viên chụp ảnh. Bức ảnh thể hiện rõ nét sự dũng cảm tuyệt vời của người lính xung kích, đồng thời cũng nói lên sự quả cảm hết mình của người chụp ảnh. Nguy hiểm là vậy, mà Lương Nghĩa Dũng vẫn ngon lành theo sát bộ đội đến ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị. Ông vẫn kịp gửi về Hà Nội những cuộn phim đánh chiếm thị xã Quảng Trị. Nhưng không hiểu, có chăng định mệnh khắc nghiệt, mà sau trận mở màn chiến dịch Quảng Trị, sau bức ảnh này tròn 2 tháng, thì nhà nhiếp ảnh xông xáo của chúng ta phải buông tay máy tại phía Nam huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị khi đi cùng đơn vị xe tăng truy kích địch!