Bắc qua sông bằng sắt thép già nua
Chiếc cầu ấy biết bao lần giặc phá
Không thanh sắt nào không vết đạn bom…
Cầu Long Biên từ lâu đã đi vào ký ức của người Hà Nội với dáng vẻ oai hùng và cổ kính, nó giống như một viện bảo tàng sống động ngoài trời, chứa đựng những dữ liệu lịch sử, những giá trị văn hóa không gì thay thế được. Đã hơn 120 năm làm nhiệm vụ nối liền nhịp sống đôi bờ, những vết hằn của quá khứ, những chứng tích của lịch sử dường như đã in sâu vào mỗi nhịp của cây cầu Long Biên.
Cầu Long Biên mang vẻ đẹp cổ kính - một vẻ đẹp rất đặc trưng Hà Nội.
Bởi đã từng trải qua “mưa bom bão đạn”, đã gánh tải hàng ngàn chuyến tàu cùng phương các tiện qua lại, cộng thêm sự khắc nghiệt của thời gian, cây cầu lịch sử này hiện đã trở nên già yếu, đang ngày ngày chờ đợi những giải pháp thực thụ.
Câu chuyện nên ứng xử như thế nào với cầu Long Biên đã được đưa ra bàn luận rất lâu nhưng chưa thể đi đến hồi kết và có được một tiếng nói chung cũng bởi nhiều nguyên nhân và nhiều lý lẽ. Câu chuyện này đang bị thắt lại bởi những nút thắt của văn hóa, những nút thắt của lịch sử và cả những nút thắt của kinh tế…
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam là người đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu về cầu Long Biên qua góc độ văn hóa lịch sử, phóng viên Arttimes.vn đã có dịp gặp gỡ ông để lắng nghe những chia sẻ của ông về vấn đề này.
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Bảo vệ cầu Long Biên đồng thời phát triển khu bãi giữa sông Hồng
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, chúng ta phải ứng xử với cây cầu ấy như là ứng xử với một di sản chứ không phải chỉ là việc làm cho nó vững hơn, không phải chỉ vá lại những chỗ xuống cấp, hư hỏng. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải làm sao giữ được hình dáng nguyên vẹn của nó, những nét cổ kính xa xưa đó chính là vẻ đẹp của lịch sử, vẻ đẹp của thời gian.
Cảnh hoàng hôn yên bình trên cầu Long Biên
Đây cũng là một di sản về kiến trúc, một công trình kiến trúc rất đặc biệt, nhưng trong quá trình sử dụng chúng ta chưa có ý thức về việc giữ gìn và bảo tồn nó. Ví dụ những nhịp cầu rõ ràng lưu giữ được thì chúng rất đẹp, đẹp theo cách cổ kính, đó sẽ là bộ phận của một bảo tàng ngoài trời nhưng buồn thay một số giờ đã thành sắt vụn. Và đến hiện tại, với những gì còn sót lại chúng ta nên cố gắng giữ lấy nó, tuy nhiên việc bảo tồn bao giờ cũng tốn kém nhưng đó là việc phải làm. Đừng đánh mất một di sản đáng quý như cầu Long Biên.
Hiện tại, với tầm vóc và chiến lược phát triển của Hà Nội thì nhu cầu nối kết giữa hai bờ của sông Hồng là rất cần thiết. Chúng ta đã có rất nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng và sẽ còn có thêm nhiều cây cầu nữa được xây dựng. Việc xây dựng như thế nào, ở đâu thì phải nằm trong kế hoạch chung, phải được cân nhắc kỹ lưỡng.
Đề xuất việc ứng xử như thế nào với cầu Long Biên, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng nên đưa ra những dự án, hay là những cuộc thi để chọn ra được những phương án tốt nhất. Trước đây đã có nhiều dự án đã được đưa ra khá thiết thực ví dụ như biến nó thành dự án của những không gian bảo tàng, không gian tổ chức lễ hội,…
Cầu Long Biên nên tiếp tục thực hiện cái công năng của nó, để bảo đảm an toàn thì rõ ràng phải củng cố lại nó, bảo tồn nó một cách phù hợp. Điều đó hãy chờ các nhà sáng tạo họ đưa ra những phương án, tính toán, cân nhắc để có được hướng giải quyết phù hợp nhất. Hãy vẫn để cầu Long Biên thực hiện chức năng nối kết đôi bờ, đặc biệt Ông Dương Trung Quốc rất quan tâm đến việc xây dựng vùng bãi giữa.
Ông Dương Trung Quốc đề xuất giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của cầu Long Biên.
Ông nhấn mạnh: “Phải bảo tồn cầu Long Biên như là một di sản nhưng phải phát huy được giá trị của nó trong bối cảnh Hà Nội hiện nay. Thì không gian mà gắn kết gần nhất với nó, là dư địa để chúng ta phát triển cho tốt thì đó chính là bãi giữa. Hiện nay, bãi giữa đang bị khai thác lộn xộn, nên tránh đô thị hóa không gian này mà phải công viên hóa, xanh hóa cho nó”.
Bãi giữa sông Hồng hiện nay vẫn là một không gian chứa đựng rất nhiều tiềm năng phát triển. Bãi giữa nên giành cho cây xanh, phục vụ nghỉ dưỡng, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tuyệt đối không làm gì liên quan đến bất động sản ở đó.
Khu vực bãi giữa sông Hồng với nhiều tiềm năng phát triển.
Hà Nội đang rất cần một dải cây xanh, rất cần những nơi nghỉ dưỡng và đây là một cái không gian dự trữ rất đáng quý vì nó có thể kết nối hoàn hảo với cầu Long Biên. Hãy xây dựng bãi giữa thành một không gian mang tính văn hóa, để làm tăng thêm giá trị lịch sử cho cầu Long Biên.
Cây cầu bắc qua 3 thế kỷ
Cầu Long Biên hiện nay mà chúng ta đang có là một di sản được bắc qua 3 thế kỷ, được triển khai xây dựng từ cuối thế kỷ 19, khánh thành đầu thế kỷ 20 và đến bây giờ nó đã hơn 120 tuổi. Rõ ràng đối với người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung cầu Long Biên là một hình ảnh quá đỗi thân thuộc, nó là hiện thân của văn hóa, của lịch sử.
Cầu Long Biên năm 1939. Góc phải bên dưới là một chợ cóc họp dưới gầm cầu. Ảnh tư liệu.
Từ khi được khởi công xây dựng cầu Long Biên đã là đỉnh cao của khoa học kỹ thuật đương thời. Ở thời điểm khánh thành nó được biết đến là cây cầu dài thứ hai trên thế giới chỉ sau cầu Brooklyn ở Mỹ.
Về công năng, Cầu Long Biên rõ ràng là một trong những trục đường quan trọng, mà người Pháp đã chủ trương xây dựng từ Hải Phòng nối đến Hà Nội và ngược lên Vân Nam, Trung Quốc, đấy là một đường lối chiến lược của người Pháp lúc đó, không những chỉ là để khai thác thuộc địa Việt Nam mà còn để tiếp cận về phía tây nam của Trung Quốc. Cầu Long Biên ban đầu được khai thác chủ yếu nhằm phục vụ đường sắt sau đó được mở rộng phục vụ đường bộ.
Cầu Long Biên còn là một nhân chứng lịch sử của chủ nghĩa thực dân từ khi người Pháp xâm lược nước ta, nó cũng chứa đựng cả sự giao thoa văn hóa khi mà nền văn minh phương Tây đến với Việt Nam.
Sau này nó còn là một chứng tích của các cuộc chiến tranh, nó đã đồng hành cùng người dân Thủ đô trải qua các cuộc chiến từ chống Pháp cho đến chống Mỹ. Trong chiến tranh cầu Long Biên là một trọng điểm vận chuyển, nó từng bị nghiêng vì những dòng chiến xa của thực dân Pháp, là nơi đón những đoàn quân chiến thắng của ta về giải phóng Thủ đô năm 1954 và cũng là địa điểm đoàn quân viễn chinh Pháp rút khỏi Hà Nội.
Một cây cầu mang đầy vết tích của chiến tranh (Ảnh tư liệu).
Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc, Mỹ đã nhiều lần ném bom khiến cầu bị hư hại nặng, công nhân đường sắt sau đó lại bắt tay ngay vào sửa chữa, vì vậy cầu Long Biên còn là biểu tượng cho sự kiên cường, hiên ngang của Thủ đô trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Rõ ràng cầu Long Biên chứa đựng rất nhiều hàm lượng lịch sử trong mình. Tất cả những điều ấy thúc đẩy thành cái mong muốn, cái nhiệm vụ phải giữ gìn và bảo vệ nó. Vì thế mà câu chuyện bảo tồn cầu Long Biên không chỉ là câu chuyện của lịch sử văn hóa, đó còn là câu chuyện của Hà Nội và của cả Việt Nam.
Thế nên có thể nói đây là một công trình rất có ý nghĩa và trên thực tế nó vẫn phát huy những giá trị của mình cho đến tận ngày hôm nay, dù nó đã già nua, cũ kỹ, thậm chí là xuống cấp mà Việt Nam chúng ta chưa có điều kiện để trình tu.
Những di sản thì nên được trao truyền
Có một thế hệ sinh ra và lớn lên gắn bó với cầu Long Biên, cầu Long Biên thân thuộc đã trở thành một ký ức không thể phai mờ trong trái tim của mỗi người Hà Nội:
Hà Nội có cầu Long Biên,
Vừa dài vừa rộng bắc ngang sông Hồng.
Tàu xe đi lại thong dong,
Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi.
Nếu một ngày Hà Nội không còn cầu Long Biên nữa…thì sẽ có rất nhiều giá trị bị đánh mất.
Cầu Long Biên một thời bình yên, tranh sơn dầu của Phạm Kim Bình
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Những di sản thì nên được trao truyền”. Việc chúng ta có trách nhiệm bảo tồn và ứng xử một cách văn hóa với cầu Long Biên chính là hướng về thế hệ sau này, để những con người của tương lai, họ có thể không được tận mắt chứng kiến cầu Long Biên từng hiên ngang và nổi tiếng như thế nào thì họ vẫn yêu cây cầu ấy, vẫn học hỏi được những giá trị văn hóa từ nó và tiếp tục bảo tồn, lưu giữ nó.
Sau này dù chúng ta đã có thêm những cây cầu mới có quy mô rất lớn với nhiều tính năng hiện đại nhưng nên giữ lại cây cầu Long Biên vì ít nhất chúng ta có thể tự hào mà nói rằng cách đây hơn 120 năm Hà Nội đã từng có một cây cầu thép thuộc tầm cỡ thế giới.
Và hơn hết, cây cầu ấy lưu giữ những ký ức lịch sử của Thủ đô, là một không gian văn hóa rất đặc trưng Hà Nội. Vì thế, hãy giữ cầu Long Biên cho Hà Nội, để nó tiếp tục lưu giữ những giá trị quý báu của Thủ đô, tiếp tục hòa vào dòng chảy của thời đại mới.