Từ trước đến nay, nhiều tác giả đã có những trang viết đầy ắp nâng niu, trân quý và giàu trải nghiệm, thể hiện xúc cảm bản thân khi được thưởng thức những thức quà ngon theo thời, theo tiết trong năm, giữa đời sống nhịp nhàng văn hóa, nối tiếp những tập quán, phong tục người Hà thành. Các tác phẩm đều để lại ấn tượng cho bạn đọc khi thì về nét đặc sắc món ngon, lúc lại là cái tinh tế của người thưởng thức, có dấu ấn con người, văn hóa, có khi lại vọng chiếu thăng trầm lịch sử qua một vài món ăn.
Cuốn sách “Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời” của Tiến sĩ Vũ Thế Long được Công ty cổ phần Văn hóa Chi (ChiBooks) và Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ChiBooks ấn hành, nằm trong mạch chảy của tình yêu với món ngon Hà Nội, niềm trân trọng văn hóa ẩm thực của đất và người Thủ đô.
Một mặt, tác giả gần như chạm vào những điểm kể xung quanh một món ăn, thức uống. Mặt khác, tác giả lấy chính những kỷ niệm bản thân, những câu chuyện chân thật, những chi tiết sinh động mà mình là người trong cuộc để kể về ẩm thực. Những bài viết về chuyện ăn, chuyện uống của Tiến sĩ Vũ Thế Long, một nhà nghiên cứu ngành khảo cổ, một người khảo cứu và hoạt động giao lưu văn hóa về ẩm thực, nhờ thế có sự sinh động, chân thành qua văn phong mạch lạc, ngôn từ giản dị.
Mở cuốn sách để đọc từ bất kỳ bài viết nào, những món ăn, thức uống tưởng chừng đã quen, đã biết với nhiều người, kể cả những người Hà Nội từng trải, vẫn có thể tìm được cái mới thú vị, có khi hóm hỉnh, ẩn trong đó là cái nhìn thiên về lạc quan, tươi sáng trước cuộc đời. Và thế là món nước vối, kể cả nước lọc, trà mạn, trà tàu, ly cà phê, mấy loại chuối tiêu, chuối tây, chuối lá và bánh chuối rán, chiếc bánh ga tô, ít kem qua mấy thời kỳ ở Hà Nội…, hiện ra trước mắt người đọc với những chuyện đời lướt qua, đôi chuyện nhà dung dị, thấm thía, cùng những thông tin tư liệu làm rõ thêm về sự phát triển món ăn qua thời gian.
Tác giả kể chuyện người bà đun nước trà bán lấy vui lúc tuổi già, từng công đoạn thật cẩn thận, chu đáo để giữ cho mọi thứ sạch sẽ; chuyện bà của Giáo sư Tô Ngọc Thanh trữ nụ vối vào từng cái chum nút kín, có ghi ngày tháng để sau nhiều năm lấy ra đun lần lượt vì nụ vối càng để lâu uống càng ngon. Món trứng tráng, món đậu phụ chế biến ra mấy kiểu của mẹ những năm thiếu đói. Rồi nét độc đáo của những cốc bia thủy tinh xanh đục lờ mờ có bọt khí mà một nhà nghiên cứu nước ngoài có thú sưu tầm cốc chén rất thích, phải tìm cách mua và được bà chủ quán bia hơi Hà Nội tặng cho hai chiếc. Lại đến chiếc bánh ga tô vốn từ Pháp sang thì qua dẫn giải của tác giả, nghĩa gốc của tên bánh này cũng chính là “bánh”, nên nói bánh ga tô cũng có nghĩa là… “bánh bánh”, nhưng người mình quen nói thế rồi. Hoặc, rất thú vị khi nhiều loại thực phẩm của ta vốn đã vô cùng quen thuộc trong mâm cơm, mâm cỗ thì lại có gốc từ những phương trời xa, như ngô từ châu Mỹ; su hào, súp lơ, khoai tây từ châu Âu; miến đậu xanh gốc từ Trung Quốc…
Một chút gợi để phác ra vài nét cuốn hút của một cuốn sách về ẩm thực nhưng không câu nệ vào chuyện ăn uống, cách chế biến, mà đã đan cài cùng chuyện nhà, chuyện trải nghiệm đời sống, cuộc đời, nghề nghiệp. Để từ đó, cuốn sách mở ra câu chuyện văn hóa, đạo đức, phong cách sống, ứng xử của con người. Và những đúc rút phong phú ấy lại giúp người đọc quay trở lại để biết nhìn ngắm, biết mến quý và nâng niu hơn từng món ăn cụ thể trong nhà, nơi họ hàng, bằng hữu và cuộc sống muôn màu sắc quanh mình.