Chuẩn bị hồ sơ đề cử Văn hóa Óc Eo là di sản thế giới

PV/vietnamhoinhap| 26/11/2019 14:22

Khu vực đề cử Văn hóa Óc Eo là di sản văn hóa thế giới với hồ sơ này sẽ gồm 3 khu vực là Khu di tích Óc Eo-Ba Thê (An Giang), Khu di tích Nền Chùa (Kiên Giang) và Khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp).

Chuẩn bị hồ sơ đề cử Văn hóa Óc Eo là di sản thế giới

Hiện vật trưng bày Văn hóa Óc Eo

Là tên một gò đất trên cánh đồng phía Đông Nam núi Ba Thê, thuộc xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Óc Eo đi vào lịch sử khảo cổ học Việt Nam như một vùng đất văn hóa khảo cổ đầy hấp dẫn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 3 địa phương gồm An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang đang rất tích cực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh di sản văn hóa thế giới đối với nền văn hóa Óc Eo.

Văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Đây là một nền văn hóa lớn trong lịch sử Việt Nam, gắn liền với đất nước, con người ở vùng đồng bằng châu thổ hạ lưu sông Mekong; đồng thời, nó còn có quan hệ mật thiết với lịch sử Đông Nam Á thời cổ.

Vùng này phân bố trên một khu vực rất rộng ở miền châu thổ sông Cửu Long, trong miền đất trũng Tây sông Hậu bao gồm nhiều vùng sinh thái khác nhau của các tỉnh An Giang (Óc Eo-Ba Thê), Kiên Giang (Đá Nổi, Nền Chùa, Tân Long), Đồng Tháp (vùng Đồng Tháp Mười), vùng ven biển Tây Nam (U Minh, Năm Căn) kéo đến vùng rừng Sác duyên hải (Cần Giờ, Giồng Am...) và vươn ra tận Biển Đông (khu vực từ cửa sông Tiền đến Cà Mau).

Ngoài ra, khảo cổ học đã phát hiện nhiều di tích, di vật thuộc văn hóa Óc Eo ở các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, một phần Long An, Bình Thuận và TPHCM.

Trong các cuộc khảo sát và khai quật đã tìm thấy ở các di chỉ thuộc văn hóa Óc Eo các loại tượng to nhỏ, nhẫn, hoa tai, hạt đá quý, mã não, hạt thủy tinh, con dấu, bùa đeo, công cụ bằng đồng và bằng đá; các loại hiện vật bằng đất nung như dọi xe sợi, bếp lò, đĩa đèn, chậu, nồi, vò…

Các sưu tập hiện vật của Óc Eo thể hiện tính phong phú và đa dạng của nền văn hóa này; tính bản địa, sự giao thoa và đan xen giữa các nền văn hóa trong khu vực cũng như với các vùng khác.

Sự ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở Óc Eo rất đậm nét, biểu hiện qua các đề tài trang trí, qua kiểu mũ hay tư thế ngồi của các pho tượng, qua con dấu với dòng chữ viết bằng các kiểu văn tự Ấn Độ…

Tính bản địa của nền văn hóa này được thể hiện qua đồ gốm, qua nồi nấu kim loại, khuôn đúc và các công cụ chế tác. Nguồn gốc xuất xứ của văn hóa Óc Eo bắt nguồn từ trong văn hóa Đồng Nai. Mối liên hệ tiếp nối văn hóa Đồng Nai-Óc Eo được minh chứng bởi sự hiện diện ở văn hóa Óc Eo hàng loạt loại hình hiện vật đã có mặt trong văn hóa Đồng Nai.

Đó là các đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng gốm, dụng cụ thủ công (bàn xoa, bàn dập, bàn mài…); đồ đồng, đồ sắt (lục lạc, mũi dùi, rìu); đồ trang sức (hạt chuỗi thủy tinh, mã não); nhà sàn trên cọc gỗ…

Văn hóa Óc Eo có những giao lưu văn hóa rộng lớn với những nền văn minh thời cổ đại như với văn minh Đông Sơn (những hoa văn trang trí và những hiện vật đồng kiểu tương tự như văn minh Đông Sơn); với Ấn Độ (những tượng thờ thuộc Ấn Độ giáo, Phật giáo, đồ trang sức, hoa văn chạm chìm, con dấu, văn tự…); với thế giới Địa Trung Hải và Trung Đông (huy chương La Mã, hoa văn trang trí, hình chạm chìm, tượng đồng, hạt chuỗi La Mã, hình tượng vua Ba Tư…); và với Trung Hoa (mảnh gương đồng, tượng phật nhỏ).

Óc Eo là một di tích rất lớn, một trung tâm văn hóa cổ của đồng bằng sông Cửu Long, một hình mẫu của sự kết hợp những yếu tố nội sinh và ngoại sinh trong sự phát triển; một vốn quý và điểm chốt quan trọng trong việc nghiên cứu những vấn đề lịch sử văn hóa của đất nước và khu vực Đông Nam Á.

Do đó, cần phải bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo - một di sản văn hóa - lịch sử quan trọng của Việt Nam nói riêng và của Đông Nam Á nói chung.

Theo GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, giá trị của nền văn hóa Óc Eo là phát triển thịnh vượng trên diện rất rộng, không gian lớn, loại hình di tích rất đa dạng và phong phú, bao gồm nơi cư trú, mộ táng, đô thị cổ, một trung tâm thương mại hàng đầu của Đông Nam Á.

Các hiện vật khai quật đã cho thấy có sự giao thương rộng với nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, hồ sơ vinh danh Văn hóa Óc Eo cần làm rõ các tiêu chí về giao thoa văn hóa của di sản cũng như những nét độc đáo, đặc biệt về truyền thống văn hóa, giá trị nổi bật về hình thức lưu trú truyền thống đang bị tổn thương do những tác động theo thời gian, làm rõ tính bản địa về sự phát triển liên tục, đa dạng tiêu biểu…

Các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cũng khuyến nghị, hồ sơ tập trung vào những tiêu chí quan trọng của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Trong đó, tiêu chí 2 thể hiện sự giao thoa quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hóa của thế giới, những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật xây dựng đền tháp, quy hoạch thành phố hay thiết kế cảnh quan. Tiếp đó là tiêu chí 3 minh chứng sự khác biệt về một truyền thống văn hóa hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc diệt vong. Tiêu chí 5 là cần làm nổi bật về hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay khai thác biển cả, sự tương tác giữa con người và môi trường đặc biệt là khi nó đã trở nên dễ tổn thương…

Các chuyên gia cho rằng muốn bảo tồn di tích Văn hóa Óc Eo, việc khảo sát và khai quật nghiên cứu ở các địa điểm cần có kế hoạch toàn diện, chia thành từng giai đoạn, khai quật và bảo tồn đồng thời, tức là phải có các biện pháp kỹ thuật bảo tồn ngay từ khi khai quật.

https://vietnamhoinhap.vn/article/chuan-bi-ho-so-de-cu-van-hoa-oc-eo-la-di-san-the-gioi---n-24342

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Chuẩn bị hồ sơ đề cử Văn hóa Óc Eo là di sản thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO