Chùa Láng - cổ tự đất Thăng Long

Hanoimoi| 11/08/2022 08:40

Trải qua gần một thế kỷ với bao thăng trầm, chùa Láng vẫn tồn tại và nổi danh là chốn tâm linh Phật pháp thâm nghiêm, một tinh hoa kiến trúc tiêu biểu của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.

Chùa Láng - cổ tự đất Thăng Long
Tam quan ngoại chùa Láng.

Ngôi chùa cổ và lịch sử nghìn năm

Chùa Láng - tên chữ là Chiêu Thiền tự, là một ngôi chùa cổ của đất Thăng Long xưa. Theo các văn bia ghi lại, chùa được xây dựng thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ năm 1138 - 1175). Chùa tọa lạc ở xã Yên Lãng (tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận), sau này là làng Láng - ngôi làng cổ nằm bên sông Tô Lịch. Hiện nay, chùa nằm trên phố Chùa Láng (phường Láng Thượng, quận Đống Đa).

Bên cạnh thờ Phật, chùa Láng còn thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tông bởi gắn với truyền thuyết nhà sư đầu thai làm con trai một tông thất nhà Lý là Sùng Hiền hầu - em vua Lý Nhân Tông. Do vua Lý Nhân Tông không có con nên con trai của Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông (trị vì từ năm 1128 - 1138). Vì thế, con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của người là thiền sư Từ Đạo Hạnh. Thời Lý, Phật giáo phát triển cực thịnh, thiền sư Từ Đạo Hạnh là bậc cao tăng được triều đình và nhân dân nể trọng, được coi là Đệ tam Thánh tổ Lý triều Quốc sư.

Ngôi chùa nằm trên khuôn viên 18.000m2. Mặc dù trải qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được kiến trúc truyền thống. Ngoài cùng, giáp với đường là tam quan ngoại có kiến trúc cổ độc đáo nhất Việt Nam với bốn cột vuông và ba mái cong gắn vào sườn cột; mái giữa cao hơn hai mái bên, dưới có tấm hoành phi lớn đề “Thiền Thiên Khải Thánh”. Qua một khoảng sân là đến một nghi môn có kiến trúc tường hồi bít đốc, hai tầng mái. Bên trong là một khoảng sân rộng rợp bóng cây, lối đi giữa lát gạch dẫn tới tam quan nội, phía trong là sân chùa. Giữa sân chùa có phương đình với mặt bằng hình bát giác, hai tầng mái, là nơi đặt tượng thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Qua phương đình tới các hạng mục chính của chùa, có kiến trúc liên hoàn theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng... Tiền đường gồm 9 gian nối liền với dãy hành lang Thập điện Diêm vương. Phía sau chùa có vườn tháp mộ của các sư tăng trụ trì. Đây là một trong những ngôi chùa có nhiều tượng nhất Hà Nội và Việt Nam với 198 pho. Ngoài tượng ở thượng điện, trong hậu cung còn có tượng nhà sư Từ Đạo Hạnh làm bằng mây đan phủ sơn và tượng vua Lý Thần Tông làm bằng gỗ mít cùng 39 bức hoành phi, 31 câu đối, 15 bia đá... Trong đó, tấm bia cổ nhất được dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) nhà Hậu Lê do tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc soạn.

Lễ hội chùa Láng tổ chức chính hội vào ngày 7 tháng Ba âm lịch, xưa kéo dài 10 ngày, nay chỉ còn 3 ngày. Trong lễ hội có nghi thức rước kiệu Từ Đạo Hạnh đến chùa Hoa Lăng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) - nơi thờ song thân của ngài. Hội cũng có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc đậm tính truyền thống Bắc Bộ như thi thổi cơm, đấu cờ người, bịt mắt đập niêu, ô ăn quan...

Chùa Láng được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc quốc gia năm 1962. Năm 2019, Lễ hội chùa Láng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khoảng lặng trong lòng phố

Mặc dù là một trong những ngôi chùa cổ nhất đất Thăng Long, trải qua nhiều đợt trùng tu, chùa Láng cơ bản vẫn giữ được kiến trúc bề thế, cân xứng, hài hòa với không gian xung quanh. Khi xưa, chùa được mệnh danh là “Đệ nhất tùng lâm” bởi nơi đây có rừng tùng đẹp nhất phía tây kinh thành Thăng Long.

Nằm trên con phố cùng tên luôn đông đúc, nhộn nhịp, chùa Láng hiện diện như một khoảng lặng trong lòng phố với diện tích rộng lớn, không gian mát mẻ, yên tĩnh, nhiều cây xanh, đặc biệt là hàng muỗm cổ thụ giữa nghi môn và tam quan trong, được cho là đã gần nghìn năm tuổi. Nhiều người tới đây cúng lễ, vãng cảnh, tìm sự bình yên; các sinh viên coi nơi đây là “thư viện ngoài trời” lý tưởng để học tập.

Bà Lê Thị Hiền, một người dân phường Láng Thượng (quận Đống Đa) cho biết: “Tôi thường đến chùa lễ vào mồng một, ngày rằm để cầu an. Tôi tới chùa để gặp bạn đạo tràng chuyện trò”. Còn bạn Bùi Thu Trang, sinh viên Trường Đại học Ngoại thương chia sẻ: “Tôi cùng bạn bè thường tới đây để học hay ôn thi vì nơi đây rất yên tĩnh, thoáng mát. Mặc dù không hiểu nhiều về Phật pháp nhưng mỗi lần tới chùa tôi luôn có cảm giác bình an, tĩnh tại”.

Trải qua gần một nghìn năm lịch sử, chùa Láng là một di sản Phật giáo và di sản kiến trúc quan trọng, góp phần tạo nên nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Kinh kỳ. Đây cũng là điểm du lịch hấp dẫn với du khách muốn tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, văn hóa Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Chùa Láng - cổ tự đất Thăng Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO