Trong năm 2020, Hà Nội đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Trong đó, đã đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn phát triển, trở thành thành phố xanh, văn minh, hiện đại, tăng sức cạnh tranh từ trong nước ra khu vực và quốc tế, đặc biệt là trở thành thành phố văn minh, hiện đại, kết nối toàn cầu, có khả năng cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ vào năm 2045. Với tinh thần của Nghị quyết được thông qua tại Đại hội, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác để tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm cho giai đoạn tới, trong đó, ngoài các vấn đề kinh tế, thương mại, còn chú trọng chỉnh trang, phát triển đô thị, kết nối quốc tế như yêu cầu mục tiêu đặt ra. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định sự song hành hỗ trợ của IFC là hết sức quan trọng.
Tại buổi tiếp, đánh giá cao những đóng góp của IFC đối với Việt Nam kể từ ngày đầu hợp tác với 150 dự án trị giá khoảng 8,5 tỷ USD, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đề cao vai trò và đóng góp của IFC đối với nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế, cải thiện hiệu quả đầu tư nước ngoài của Việt Nam. Chủ tịch UBND thành phố cũng đánh giá cao các đề xuất vừa qua của IFC, đặc biệt là xây dựng và triển khai chiến lược vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thế hệ mới và tiềm năng đa dạng hóa nguồn vốn tài chính phục vụ phát triển đô thị, cho rằng hai nội dung này đã cụ thể hóa tinh thần bản ghi nhớ (MOU) ký kết tại Hội nghị "Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” năm 2020.
Ông Kyle F. Kelhofer cho biết, IFC đã đầu tư 600 triệu USD cho dài hạn và 400 triệu USD cho ngắn hạn tại Việt Nam trong năm 2020 - đưa Việt Nam lên vị trí thứ 10 trong số các nước được IFC đầu tư nhiều nhất, đồng thời bày tỏ kỳ vọng Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 5 trong thời gian tới. Ông Kelhofer cũng nhất trí về việc Hà Nội và IFC sẽ hợp tác thúc đẩy triển khai các nội dung trong bản ghi nhớ hồi năm ngoái, đặc biệt là triển khai thu hút FDI thế hệ mới và triển khai các phương thức tài chính mới, xanh, qua đó cho phép thành phố đa dạng hóa nguồn tài chính nhằm phục vụ phát triển bền vững.
Đề cập tới hai sáng kiến cụ thể là quỹ tiếp cận tài chính dành cho tăng trưởng sạch, phát thải carbon thấp và công cụ tài chính xanh, trong đó có phát hành thí điểm trái phiếu đô thị xanh, ông Kelhofer nhấn mạnh, đây là những sáng kiến có thể tạo ra nguồn vốn dành cho các dự án như năng lượng sạch, giao thông công cộng..., rất phù hợp với lộ trình phát triển, và Hà Nội có thể áp dụng.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đánh giá cao và nhất trí với các đề xuất từ phía IFC, đồng thời khẳng định, Hà Nội đón nhận tích cực và sẽ phối hợp với IFC để triển khai các nội dung hợp tác, trong đó, trước mắt tập trung tổ chức các tọa đàm để tham vấn ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các chuyên gia, các thành phố khác nhằm phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô. Hà Nội cũng sẽ thành lập các tổ công tác chuyên trách để cập nhật, trao đổi thông tin hai chiều, tăng cường hợp tác hiệu quả với IFC.