Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam

Sơn Dương| 14/01/2021 16:14

Sáng ngày 14/1, tại Khách sạn La Thành (Hà Nội), Đại hội Đại biểu Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Uỷ viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội đến dự và chỉ đạo Đại hội.

Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Thành công tốt đẹp
Quang cảnh Đại hội

Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Thành công tốt đẹp
Các đại biểu tham dự làm lễ Chào cờ 

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các lãnh đạo các cơ quan, ban, bộ, ngành ở Trung ương và 261 đại biểu chính thức là cán bộ chủ chốt của 10 hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, 63 hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố cùng các văn nghệ sĩ tiêu biểu, đại diện cho hơn 40.000 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành văn học, nghệ thuật...

Với tinh thần dân chủ, thống nhất cao, tại phiên họp thứ Nhất, Đại hội đã biểu quyết thông qua danh sách đoàn Chủ tịch và Ban Thư kí Đại hội.

Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Thành công tốt đẹp
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa IX phát biểu báo cáo tại Đại hội


Phát biểu khai mạc và báo cáo Tổng kết công tác nhiệm kỳ IX, phương hướng công tác nhiệm kỳ X, Nhà thơ Hữu Thỉnh – Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam khóa IX cho biết: Sau 35 năm đổi mới, nhận thức và cách nhìn của văn, nghệ sĩ đã được nâng lên, bắt kịp với tình hình mới, khuynh hướng phủ nhận sạch trơn thay thế ca ngợi một chiều bằng phê phán một chiều đã được khắc phục, hàng loạt vấn đề như mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển, dân tộc và hiện đại, văn nghệ và hiện thực ...vv đã được nhìn nhận sâu sắc thêm, quan niệm về đổi mới trong VHNT điềm tĩnh, biện chứng hơn. Đó là một quá trình chuyển biến về chất mang tính kế thừa. Trong đó, những vấn đề mới, tích cực, tốt đẹp, phù hợp với quy luật phát triển là những nhân tố quyết định diện mạo và bản chất cuộc sống ngày hôm nay.


Đồng thời, Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh: nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam cần tiếp tục giữ vai trò là trung tâm đoàn kết tập hợp văn nghệ sĩ; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt sâu sắc tới hội viên quan điểm của Đảng về VHNT trong tình hình mới. Xây dựng chiến lược phát triển Hội, trong đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm công tác VHNT, có giải pháp, bước đi cụ thể; đổi mới công tác xuất bản đảm bảo phong phú, đa dạng về nội dung đề tài, tăng nhanh về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT ngày càng cao của nhân dân. Đồng thời làm tốt 3 khâu sáng tác - công bố tác phẩm - phát hành; quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ và nâng cao chất lượng các giải thưởng VHNT.

Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Thành công tốt đẹp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ X

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, trong 5 năm qua, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các mặt hoạt động. Thông qua việc tổ chức những chuyến đi thực tế sáng tác, các cuộc triển lãm, liên hoan văn nghệ quốc gia, quốc tế và khu vực, các cuộc thi, giải thưởng, hội thảo, tọa đàm. Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam đã tạo mở những không gian sáng tạo, khơi dậy tiềm năng của đội ngũ văn nghệ sĩ. Công tác phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn học, nghệ thuật được chú trọng, tạo nên sinh khí mới cho đời sống văn học, nghệ thuật.

Bên cạnh đó, lĩnh vực sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số, văn nghệ dân gian cũng được Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam quan tâm có bước tiến mới với những công trình, dự án dài hơi, bài bản. Công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã có những nỗ lực đáng ghi nhận, bám sát thực tiễn, góp phần xác lập, khẳng định những giá trị đích thực, đồng thời, cũng kịp thời phê phán những khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống văn nghệ. Hoạt động giao lưu, hội nhập, quảng bá, giới thiệu văn học, nghệ thuật Việt Nam ra thế giới có sự khởi sắc với một số hình thức sáng tạo, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật xuất hiện nhiều điểm sáng tích cực. Phong trào văn nghệ quần chúng tại các địa phương có bước phát triển mới, từng bước đáp ứng nhu cầu thưởng thức, bảo tồn, phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật cổ truyền của dân tộc…


Với những thành tích đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, đặc biệt là nhiệm kỳ 2020-2025, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam cần tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Đồng thời, phải vừa bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình, vừa đổi mới mạnh mẽ về tổ chức, phương thức hoạt động cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước nói chung, của đời sống văn học, nghệ thuật nói riêng.


Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam phải thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh, đoàn kết, thống nhất, dân chủ, là mái nhà chung ấm áp, thân tình của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước; tổ chức Hội phải là nơi để mỗi văn nghệ sĩ gửi gắm tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, đóng góp tài năng và sức lao động của mình, để tăng thêm cảm hứng và xung lực sáng tạo.


“Tương lai của nền văn học, nghệ thuật nước nhà đặt trên vai của các thế hệ văn nghệ sĩ, trong đó có thế hệ trẻ. Thực tiễn cũng đã cho thấy, khi các tổ chức hội có sự quan tâm thích đáng đến thế hệ trẻ, có hạt nhân dẫn dắt sẽ có được những tài năng giàu triển vọng. Do đó, trong nhiệm kỳ tới, đề nghị Liên hiệp xác định việc phát hiện, tập hợp, bồi dưỡng, giúp đỡ các tài năng trẻ làm khâu đột phá. Để làm được điều này, Liên hiệp cần có một kế hoạch cụ thể, khả thi và hiệu quả, tạo điều kiện để các tài năng trẻ được phát huy, thực sự vững vàng tiếp nối các thế hệ đi trước” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng mong muốn Đảng đoàn, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, lãnh đạo các hội VHNT chuyên ngành ở T.W và địa phương tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò là cầu nối thông suốt và tin cậy giữa đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước với cấp ủy, chính quyền các cấp. Đảng, Nhà nước luôn sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, các chủ trương, đường lối của Đảng về văn học, nghệ thuật đã được kịp thời thể chế hoá thành hệ thống pháp luật, chính sách, tạo hành lang pháp lý cho nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực văn học, nghệ thuật như: Luật Điện ảnh; Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, Luật Xuất bản.


Đảng, Nhà nước cũng mong muốn và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những phản biện, đóng góp xác đáng của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, Liên hiệp cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, ý kiến phản biện, đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ; xác lập các diễn đàn, cơ chế hiệu quả để kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình đất nước, cùng những chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, của các cấp ủy, chính quyền địa phương.


Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ T.W đến địa phương tiếp tục quan tâm thường xuyên, thiết thực và hiệu quả hơn nữa, hỗ trợ tối đa về điều kiện sáng tạo cho đội ngũ văn nghệ sĩ. Trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế, con đường hiệu quả nhất để thúc đẩy sự phát triển của văn học, nghệ thuật chính là cần tạo ra một cơ chế phù hợp.


Vì vậy, các cơ quan hữu quan cần tăng cường phối hợp với Liên hiệp và các tổ chức thành viên rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách hiện hành, kịp thời đề nghị điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Đội ngũ cán bộ quản lý VHNT cũng cần ý thức rõ trách nhiệm và tình cảm, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, về tính chất đặc thù của lĩnh vực này, để từ đó không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các tổ chức Hội của Liên hiệp, tích cực hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị đến với công chúng.


“Nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới là vô cùng nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tôi luôn tin tưởng, với truyền thống vẻ vang của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, với bản lĩnh, tài năng, tâm huyết và khát vọng chung của giới văn nghệ sĩ cả nước, chắc chắn nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ và to lớn hơn nữa, có những vụ mùa bội thu với các tác phẩm lớn, có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc, đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân kỳ vọng.

Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Thành công tốt đẹp
Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Đại hội Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam - Võ Văn Thưởng chúc mừng các đại biểu tại Đại hội

Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Thành công tốt đẹp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Đoàn Chủ tịch mới ra mắt đại hội

Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam Thành công tốt đẹp
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau Đại hội

Cũng tại Đại hội, các đại biểu cũng đã thông qua Báo cáo tổng kết công tác khoá IX và phương hướng khoá X của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Thông qua Điều lệ (sửa đổi) của Liên hiệp các Hội VHNT khoá X. Đặc biệt, thông qua kết quả hiệp thương Đại hội đã bầu ra 27 vị vào Đoàn Chủ tịch khoá X (nhiệm kỳ 2020 – 2025), trong đó có 5 Phó Chủ tịch. Cụ thể, 2 Phó Chủ tịch chuyên trách là Vương Duy Biên và Đoàn Thanh Nô; 3 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm là Nông Quốc Bình, Trần Quốc Chiêm và Đỗ Hồng Quân.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Nón lá làng Chuông: Lưu giữ hồn Việt giữa lòng Thủ đô
    "Muốn ăn cơm trắng cá trê, muốn đội nón tốt thì về làng Chuông"... Câu ca này đã được truyền tụng từ bao đời không còn ai nhớ nữa, chỉ biết rằng nó là minh chứng cho sự tồn tại và nổi tiếng của một làng nghề đã có hơn 300 năm tuổi - nghề làm nón lá ở làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội).
  • Thêm nhiều đầu sách mùa Trung thu cho thiếu nhi
    Nhân dịp Tết Trung thu, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm với nội dung, thông điệp ý nghĩa dành cho thiếu nhi.
  • [Video] Nồng ấm tình người Hà Nội trong bão lũ
    Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ gần đây, nhiều địa phương của Thành phố Hà Nội bị ngập lụt, đời sống người dân bị ảnh hưởng. Nhưng trong những lúc khó khăn, đầy thử thách này, hình ảnh về người Hà Nội thanh lịch văn minh, nghĩa tình, nồng ấm yêu thương, tinh thần tương thân tương ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam lại tỏa hương sắc...
  • Huế: Kiểm tra, đánh giá độ an toàn 3 cây cầu bắc qua sông Hương trước mùa mưa bão
    Khu Quản lý Đường bộ II phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, đánh giá tổng thể các cầu Phú Xuân, Trường Tiền và Phú Lưu (TP Huế) để đảm bảo an toàn giao thông trước mùa mưa bão.
  • Rút báo động lũ trên sông Đuống
    Căn cứ vào mực nước sông Đuống tại Trạm Thủy văn Thượng Cát, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội đã ban hành Lệnh rút báo động lũ trên sông Đuống vào sáng 13/9/2024.
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội dự Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO