(Thành hoàng làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội)
Nơi thờ Đức thánh Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân tại Đền Đa Hòa. Ảnh: khoaichau.hungyen.gov.vn
Về đời Hùng Vương thứ 3, vua có một người con gái tên là Tiên Dung, nhan sắc đẹp tuyệt trần, đến mười tám tuổi nhưng không có ý định lấy chồng, chỉ thích du ngoạn đến những nơi có cảnh đẹp. Lúc bấy giờ ở làng Chử Xá (trước thuộc tổng Đại Quan Châu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; nay thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội) có chàng trai là Chử Đồng Tử, mẹ mất sớm, nhà nghèo, hai cha con chỉ có một cái khố vải. Vì thế ai đi khỏi nhà mới dùng khố. Ngày nọ, người cha ốm nặng, dặn con: “Khi nào cha chết con cứ chôn mình trần, giữ khố lại mà mặc”. Lúc cha mất, Chử Đồng Tử vẫn quấn khố cho cha tử tế, còn mình đành chịu rét. Một hôm đang ngâm mình mò cá dưới sông, chàng nghe vang tiếng trống, chiêng, tiếng đàn sáo, rồi một thuyền lớn đầy kẻ hầu người hạ tiến tới. Đó là thuyền của công chúa Tiên Dung. Chử Đồng Tử hoảng hốt bèn chạy tới khóm lau thưa trên bãi bới cát thành hố, nằm xuống rồi phủ cát lên mình. Thấy cảnh đẹp, Tiên Dung ra lệnh cắm thuyền dạo chơi trên bãi cát, rồi cho vây màn ở khóm lau mà tắm. Nước dội làm trôi cát, để lộ thân hình chàng trai cường tráng. Cả hai đều ở tư thế tự nhiên như lúc lọt lòng mẹ. Sau cơn bàng hoàng, công chúa hỏi: “Người nhà ai, sao lại ở chốn này?” Chử Đồng Tử kể lại hoàn cảnh của mình.
Nghe xong công chúa cảm động mà rằng: “Ta đã nguyện không lấy chồng, nhưng nay gặp cơ sự thế này có lẽ do trời xui khiến”, bèn sai người lấy quần áo cho Chử Đồng Tử rồi mời chàng lên thuyền, mở tiệc ăn mừng cuộc giai ngộ chưa từng có.
Tin này truyền tới kinh đô, làm vua cha nổi cơn thịnh nộ. Hay tin, Tiên Dung lo sợ, không dám về, cùng chồng mở hiệu buôn bán, rồi Chử Đồng Tử theo một nhà buôn đi tới các vùng biển xa xôi, được một nhà sư truyền đạo. Khi về chàng được tặng một cây trượng và một chiếc nón.
Chử Đồng Tử bàn với Tiên Dung, bỏ cơ nghiệp để tìm thầy học đạo. Trên đường viễn hành, trời tối xa làng xóm, hai người bèn cắm gậy che nón trú tạm ở giữa đường, đến canh ba bỗng thấy xuất hiện thành quách lâu đài, có đủ tướng sĩ, thị vệ, văn võ bá quan như một triều đình thực thụ.
Hùng Vương nghe tin, cho rằng con gái làm loạn, bèn sai quân đến dẹp. Nhưng nửa đêm, có một cơn gió nổi lên chỉ trong khoảnh khắc, cả thành quách cùng người, vật bay hết lên trời, đất chỗ đó chỉ còn là một bãi cát và một đầm lầy lớn. Người đời sau gọi bãi cát đó là bãi cát Tự Nhiên (nay thuộc huyện Thường Tín), và đầm Nhất Dạ (nay thuộc huyện Khoái Châu).
Bản thần tích do Nguyễn Bính soạn đầu thế kỷ XVI còn kể thêm: Trên đường chu du, hai người đã gặp một thanh nữ xưng là Tiên nữ Tây cung, sau đó nàng bằng lòng làm thiếp của Chử Đồng Tử theo ý muốn của Tiên Dung. Tiên nữ Tây cung còn gọi là Tây Sa - giỏi nghề thuốc được phong là Mẫu y thiên hạ. Với cây gậy thần, cùng tài năng, vợ chồng Chử Đồng Tử đã cứu hàng trăm dân làng bị bệnh dịch và dạy dân cấy lúa, nuôi tằm dệt vải. Về sau cả ba cùng bay lên trời.
Hơn hai thiên niên kỷ đã qua, thiên tình sử giữa chàng trai nghèo hiếu nghĩa Chử Đồng Tử và nàng công chúa Tiên Dung xinh đẹp vẫn được các thế hệ người Việt tôn vinh và thờ phụng.
Tại nơi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân bay về trời, dân địa phương cũng lập đền thờ trên đầm Nhất Dạ. Đền Dạ Trạch có ngai thờ thân phụ và thân mẫu Chử Đồng Tử ngai thờ Triệu Quang Phục; gian chính là ba pho tượng đức thánh Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung và tiên nữ Tây Sa.
Đền thờ Chử Đồng Tử ở quê hương Chử Xá nằm giữa vùng yên ả, sông nước hữu tình. Đền ba dãy, mỗi dãy năm gian. Trong đền còn giữ được nhiều hoành phi, câu đối, khám thờ, long ngai và bài vị của thánh. Hằng năm, hội làng Chử Xá diễn ra vào ngày 17, 18 và 19 tháng Giêng. Trong ngày 18 (chính hội) có rước kiệu thánh từ đền đến lăng Chử Cù Vân (cách đền 800m) với ý nghĩa con đến chào bố mẹ. Hội Chử Xá có tục dâng cúng bánh dày.
Tương truyền, sau khi về trời, Chử Đồng Tử nhiều lần hiển linh. Thế kỷ VI, Triệu Quang Phục đến vùng đầm lầy Nhất Dạ lập căn cứ chống quân Lương, Chử Đồng Tử đã hiển linh giao cho Triệu Quang Phục móng rồng gắn vào chóp mũ, từ đó Triệu Quang Phục có thêm sức mạnh, đánh bại đối thủ; khi quân sang xâm lược, Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn đã đến đền Đa Hòa cầu khấn và được thần báo mộng là Lê Lợi ở Lam Sơn đã ra tay cứu nước và sẽ lên làm vua, nhờ thế hai người đã tìm gặp và phò giúp Lê Lợi làm nên nghiệp lớn.
Trải qua các triều đại, thánh Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung Công chúa và Tiên nữ Tây Sa được ban tặng nhiều sắc phong.
Đình thờ ngài ở Chử Xá đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.