- Với chức năng là cơ quan Thường trực, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự thành phố quán triệt nghiêm túc về Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, các văn bản, hướng dẫn về công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2018; kịp thời kiện toàn Hội đồng Nghĩa vụ quân sự thành phố, triển khai phân công nhiệm vụ cho từng thành viên để làm tốt công tác tuyên truyền.
Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ động phối hợp với cơ quan công an các cấp, các cơ quan chức năng thực hiện tốt khâu đăng ký, quản lý, nắm chắc nguồn công dân trong độ tuổi nhập ngũ; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nâng cao về chất lượng khám tuyển; phát lệnh nhập ngũ đến các công dân đúng thời gian quy định, có tỷ lệ dự phòng phù hợp, bảo đảm hoàn thành 100% chỉ tiêu được giao.
Cùng với đó, Bộ Tư lệnh triển khai hướng dẫn cơ quan quân sự các địa phương tổ chức lễ giao nhận quân bảo đảm trang trọng, đúng nghi lễ, thực sự là ngày hội tòng quân.
Thanh niên Thủ đô phấn khởi lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ và xây dựng tổ quốc. Ảnh: Bá Hoạt |
- Nét mới trong công tác tuyển quân năm nay là gì, thưa đồng chí?
- Công tác tuyển quân năm 2018 tiếp tục được thực hiện theo Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, song Bộ Quốc phòng có một số quy định mới. Đó là: Các địa phương giao quân và đơn vị nhận quân phối hợp thực hiện bù đổi khi phúc tra các tiêu chuẩn nhập ngũ; một số đơn vị nhận quân được phép tổ chức khung “3 gặp, 4 biết”.
Cùng với đó, TP Hà Nội cũng có một số điểm mới, như: Các địa phương phải rà soát kỹ, nắm chắc hoàn cảnh từng công dân (không thuộc diện tạm hoãn), nếu công dân trúng tuyển nhưng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sẽ xem xét chưa gọi nhập ngũ năm nay nhằm bảo đảm 100% thanh niên nhập ngũ yên tâm thực hiện nhiệm vụ, không còn tình trạng xin xuất ngũ sớm.
Sở Y tế vào cuộc phúc tra công tác khám sức khỏe của các địa phương có số công dân đi khám đạt kết quả thấp nhằm tránh sai sót trong khám sức khỏe của các Hội đồng khám và phát hiện công dân sử dụng các loại thuốc làm sai lệch kết quả để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Năm nay, tỷ lệ điều khám của các địa phương không quá 3 công dân trên một chỉ tiêu; tỷ lệ dự phòng dưới 5% theo đúng quy định.
Cùng với đó là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động, như: Giao lưu thanh niên nhập ngũ với quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự; phối hợp với Hội Cựu chiến binh địa phương gặp mặt, nói chuyện truyền thống; tổ chức tham quan di tích lịch sử; liên hoan văn hóa, văn nghệ; tặng quà, động viên cho các thanh niên lên đường nhập ngũ.
- TP Hà Nội luôn được đánh giá là địa phương đi đầu về chất lượng “đầu vào” trong tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Xin Thiếu tướng cho biết năm nay Hội đồng Nghĩa vụ quân sự thành phố đã có biện pháp gì để giữ vững thành tích này?
- Thành phố đã có nhiều biện pháp đồng bộ. Năm nay, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự thành phố tập trung vào một số biện pháp chính là: Ưu tiên tuyển chọn công dân có sức khỏe loại 1, 2, trường hợp chưa đủ mới lấy loại 3; ưu tiên tuyển chọn công dân có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp chưa có việc làm ổn định. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với công an, các địa phương, đơn vị xác minh cụ thể về tiêu chuẩn chính trị của công dân; phối hợp với các đoàn thể chính trị, các tổ chức động viên công dân viết đơn tình nguyện nhập ngũ.
Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp luôn phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước ở các địa phương trong tổ chức thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, kiên quyết xử lý công dân chống, trốn; đồng thời mở rộng dân chủ, công khai trong quá trình thực hiện việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, nhất là ở cấp cơ sở, thôn, xóm, tổ dân phố. Với các biện pháp đồng bộ trên, trong số 3.455 thanh niên nhập ngũ năm nay, có hơn 50% thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; 1.436 thanh niên viết đơn tình nguyện, đạt 34,6%.
- Thưa Thiếu tướng, Bộ Tư lệnh Thủ đô có biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai công tác tuyển quân tại các địa phương?
- TP Hà Nội cũng như các địa phương khác gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là công dân trong độ tuổi nhập ngũ luôn di biến động lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đăng ký, quản lý nguồn và thực hiện các quy trình trong công tác tuyển quân. Có 74,1% công dân trong độ tuổi nhập ngũ thuộc đối tượng miễn, hoãn nhập ngũ; công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự mắc tật khúc xạ về mắt (từ trên 1,5 đi ốp) chiếm 23,9%.
Để tháo gỡ khó khăn trên, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự, trách nhiệm của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp, cơ quan thường trực và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp cơ sở.
Bên cạnh đó, các địa phương phải làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ; triển khai thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ, đúng luật; tăng cường biện pháp quản lý, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, trốn tránh, không thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự đồng thời làm tốt công tác tổng kết, rút kinh nghiệm.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!