Cam kết sản phẩm đầu ra để đo lường hiệu quả chính sách
Theo dự thảo, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có tổng quy mô 291 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với tổng số tiền là 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022, khoảng 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm. Đồng thời, chấp thuận việc ngân sách nhà nước có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm hoặc các nguồn khác…
Mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, mục tiêu cốt yếu của chương trình là chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để sau một thời gian nhất định sẽ thu được chi phí lớn hơn. “Vấn đề hiệu quả thực tế chương trình phải đạt được là trả lời câu hỏi: Với mức chi lớn, chúng ta sẽ thu lại kết quả gì? Và với mục tiêu như vậy, chương trình cần quy định rõ hiệu quả nguồn lực, hiệu quả đầu ra. Tuy nhiên, đối chiếu với nội dung nghị quyết, vấn đề này chưa được cụ thể hóa. Nếu không có cam kết về kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nhấn mạnh.
Đại biểu Đoàn thành phố Hà Nội cũng kiến nghị cần bổ sung căn cứ nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để phân bổ đầu tư nguồn lực tương ứng với từng gói chính sách. Về danh mục dự án, đại biểu đề nghị tập trung vào 2 lĩnh vực cụ thể, gồm những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất do đại dịch và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất. “Chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cũng cần có những bước đi thực sự vững chắc, cốt lõi chúng ta cần đạt được là hiệu quả thực chất”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói thêm.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) nêu 5 vấn đề cụ thể về thị trường lao động, trong đó tình trạng mất việc, giảm, giãn việc làm trong 4 đợt dịch vừa qua đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn tới người lao động. Chỉ tính riêng quý III-2021, cả nước có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Trong đó, hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giảm, giãn giờ làm việc. Đại biểu cũng nhận định, thị trường lao động bị đẩy vào trạng thái cả cung lao động và cầu lao động bị thu hẹp; xuất hiện những nhóm lao động bị tổn thương; tính bền vững của quan hệ lao động đang có nguy cơ bị xâm phạm và qua đại dịch đã bộc lộ những hạn chế trong quản lý thị trường lao động thời công nghệ.
Nhấn mạnh để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là lao động, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đưa ra 3 kiến nghị, gồm: Tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng với cả lao động chính thức và phi chính thức; dành khoản kinh phí thỏa đáng để xây dựng nhà ở cho công nhân và dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.
Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) mong muốn cơ quan soạn thảo thay đổi tên dự thảo Nghị quyết thành Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong đại dịch Covid-19. “Chỉ thêm chữ “trong đại dịch Covid-19” đó nhưng hết sức quan trọng vì đủ ý hơn. Như vậy sẽ nhắc nhở mọi người dịch vẫn chưa kết thúc nên phải quan tâm, đồng sức, đồng lòng. Đặt tên như vậy cũng cho thấy tầm nhìn, tinh thần, trách nhiệm, sự vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ để phục hồi kinh tế từ sớm, từ xa”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung vào nội hàm phòng, chống dịch Covid-19 rõ ràng, cụ thể hơn, mục tiêu là thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả rồi mới đến phục hồi, phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.
Tránh trục lợi chính sách hỗ trợ
Đồng tình với phương án huy động vốn thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị phương án huy động vốn cần xác định rõ hơn số vốn vay trong nước và số vốn vay nước ngoài. Trong đó, nên tập trung ưu tiên huy động vốn trong nước là chủ yếu, vốn vay nước ngoài cũng quan trọng nhưng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về thời gian vay, ân hạn trả nợ, lãi suất không phải là hấp dẫn, hơn nữa cần ràng buộc nhiều điều kiện khác. Đồng thời nhận định gói hỗ trợ gần 40 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh rất quan trọng để hỗ trợ cho các đối tượng phục hồi sản xuất, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần hỗ trợ trọng tâm trọng điểm vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
“Đề nghị các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận với chính sách, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà lại mang đi đầu tư vào tài chính, bất động sản và lĩnh vực rủi ro khác sẽ gây suy giảm nền kinh tế. Tôi đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề này”, đại biểu Mai Văn Hải nhấn mạnh.
Cho rằng hỗ trợ doanh nghiệp là trọng tâm ưu tiên, đại biểu Nguyễn Văn Huy (Đoàn Thái Bình) kiến nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp, lĩnh vực ngành nghề phù hợp, đáp ứng đúng yêu cầu tính toán khả năng sức hấp thụ vốn, phương pháp hỗ trợ đối với ngành nghề để cân đối giữa phục hồi ngắn hạn và tăng trưởng lâu dài. “Cần cung cấp cho doanh nghiệp “cần câu” chứ không phải “con cá”. Do đó chính sách tài khóa cần xác định trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải”, đại biểu nhấn mạnh, đồng thời kiến nghị có cơ chế để tránh tình trạng doanh nghiệp móc nối với ngân hàng, ngân hàng ưu tiên các doanh nghiệp “sân sau”, tuyệt đối tránh tình trạng doanh nghiệp vay vốn xong lại mang gửi ngân hàng để hưởng phần trăm chênh lệch lãi suất.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, gói hỗ trợ dự kiến dành 64.000 tỷ đồng để tiếp tục miễn giảm thuế, phí vào năm 2022 là phù hợp. Điều này góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tái hoạt động, giải quyết việc làm cho người lao động và kích thích nhu cầu phát triển, sản xuất kinh doanh. Việc này cũng giúp các doanh nghiệp có thể hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, đại biểu Đoàn Đồng Tháp đề nghị cần có quy định cụ thể về đối tượng áp dụng là doanh nghiệp nào. “Nên tập trung vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có nhiều lao động, các doanh nghiệp có sức lan tỏa rộng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp kích thích hoạt động, tăng vốn đầu tư, yên tâm sản xuất kinh doanh…”, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị.
Bên cạnh đó, để bảo đảm đạt được mục tiêu phòng, chống tham nhũng, trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) kiến nghị cần quy định cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong nội dung của chương trình.