Cụ thể, đối với những vướng mắc của nhóm vấn đề thanh toán kinh phí đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích trên địa bàn thành phố Hà Nội từ ngày 1-1-2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (có hiệu lực từ ngày 1-6-2019 và áp dụng từ năm ngân sách 2019), Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: "Chính phủ thống nhất đề nghị của UBND thành phố Hà Nội cho phép thực hiện phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước đối với phần khối lượng đã được các đơn vị cung ứng sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện từ ngày 1-1-2020 đến thời điểm có kết quả đấu thầu".
Về phương thức thực hiện, Nghị quyết hướng dẫn: UBND thành phố Hà Nội thanh toán theo mức giá không cao hơn giá đã thực hiện đặt hàng theo hợp đồng năm 2019 và giá trúng thầu năm 2020 để làm cơ sở thanh, quyết toán kinh phí thực hiện.
Trước đó, ngày 26-11-2020, Báo Hànộimới đã có bài "Gỡ "điểm nghẽn" trong thanh toán dịch vụ công", nội dung: Thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP, từ ngày 1-1-2020, nhiều dịch vụ công ích thiết yếu tại Hà Nội như: Duy tu, duy trì vệ sinh môi trường, thoát nước, chăm sóc cây xanh, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt... chuyển từ hình thức đặt hàng sang thực hiện đấu thầu. Trong quá trình tổ chức thực hiện, một số lĩnh vực chưa hoàn thành công tác đấu thầu trước ngày 31-12-2019. Thậm chí, một số lĩnh vực đến gần cuối quý I-2020 mới có kết quả đấu thầu.
Tuy nhiên, do vẫn phải bảo đảm duy trì hoạt động dịch vụ, bảo đảm đời sống dân sinh, các doanh nghiệp công ích đã phải "ứng" tiền tỷ duy trì hoạt động, trả lương cho công nhân. Đến nay, khoản kinh phí này vẫn chưa được thanh toán khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.
Ngày 24-11-2020, UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 5477/UBND-KT gửi Chính phủ đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.