Chiêu Ứng Hộ Quốc Đại vương và Bạch Ngọc Công chúa

Trọng Bình (sưu tầm) | 03/07/2020 11:19

Chiêu Ứng Hộ Quốc Đại vương và Bạch Ngọc Công chúa
Tấm bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia được treo tại đình Linh Chiểu, xã Sen Chiểu
(ảnh: kinhtedothi.vn)
Xã Liên Chiểu (nay còn gọi là xã Sen Chiểu) xưa thuộc tổng Phù Sa, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây, nay là xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội. Nơi đây có đền miếu thờ phụng Chiêu Ứng Hộ Quốc Đại vương Thánh mẫu Bạch Ngọc Công chúa. Theo Ngọc phả, sự tích của nhị vị Thành hoàng làng Sen Chiểu được ghi chép như sau:

Bấy giờ, có bộ chủ bộ Hưng Hóa (hậu duệ của Hùng Vương) họ Hùng, húy là Cốt vốn tính cương trực, có lòng nhân đức, chỉ lấy việc nuôi dân làm gốc, thường dạo chơi săn bắn, thích du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp của đất nước. Một hôm, ngài dạo bước đến trang Thiên Lộc, huyện Phúc Lộc (tức Sen Chiểu ngày nay). Bấy giờ, ở xã Liên Chiểu có gia đình danh gia vọng tộc họ Lê, húy là Hòa, vợ là Bùi, húy là Kiều, người trang Phương Độ, xã Liên Chiểu. Vợ chồng ông đức hạnh có tiếng, chỉ hiềm nỗi muộn đường con cái. Một hôm bà sửa soạn lễ chay mang vào chùa cầu tự, trên đường trở về, đến bãi chùa (tức xứ Bến Chùa) bà xuống tắm gội. Bỗng nhiên, thấy giao long quấn lấy mình, khiến tâm thần bất định. Bà sợ hãi trở về nhà mà người vẫn nức mùi thơm. Từ đó, bà mang thai, sau 12 tháng, vào ngày 15 tháng 8 năm Canh Thìn, bà sinh hạ được một cô con gái vô cùng xinh đẹp. Cha mẹ rất mực yêu quý nên đặt tên là Bạch Nương. Lớn lên nàng được cha mẹ cho theo học kinh sách. Được vài năm, thư kinh chư sử nàng đều nhập tâm, văn chương kỳ tài, công dung ngôn hạnh, tứ đức đủ cả, hiếu lễ trung tín thật chẳng ai bằng. Tuy là phận nữ, song nàng tinh thông văn võ, vượt cả những bậc anh hùng hào kiệt.

Năm 21 tuổi, tiếng tăm nàng đã lừng lẫy khắp nơi. Bộ chủ liền cất xa giá đến tận nơi để thử tài nàng. Qua nhiều lần đối đáp, bộ chủ cảm phục nên đã hỏi cưới Bạch Nương làm vợ. Lễ cưới xong xuôi, bộ chủ đưa nàng về phủ, lập làm á phu nhân. Một hôm, nhân khi nhàn nhã, phu nhân bỗng thiếp đi, rồi thấy mãnh hổ màu trắng đi thẳng vào trong trướng, nơi phu nhân đang nằm. Sợ hãi, tỉnh dậy, biết đó chỉ là giấc mộng, nàng đem kể hết cho bộ chủ nghe. Bộ chủ nói:

- Nhà ta phúc lớn nên được trời báo sinh quý tử chăng?

Sau đó, phu nhân có mang. Sau 14 tháng, đến ngày mùng 8 tháng Giêng năm Đinh Tỵ, phu nhân hạ sinh được một người con trai, thần khí lẫm liệt, tướng mạo đàng hoàng, hơn hẳn người thường, cha mẹ đặt tên là Chiêu Công. 

Được bốn, năm tháng sau, một hôm phu nhân cùng mấy thị nữ bộ hành đến ghềnh ven sông (tức Ghềnh Nam). Phu nhân xuống ghềnh rửa mặt, bỗng nhiên thấy đôi cá chép vảy đỏ nổi lên mặt nước. Phu nhân với tay định bắt thì bỗng nhiên ngã xuống dòng nước mà hóa. Nhận được tin, bộ chủ liền đến ngay trang ấp, sai người lập đền thờ phụng bà ở đó (tức Bến Chùa) và ban cho dân một trăm thỏi vàng để lo việc đèn hương. Từ đó, nhân dân cầu đảo, đèn nhang không dứt, phu nhân hiển ứng vô cùng. Bà được phong là Bạch Nương phu nhân công chúa, hai trang Đông Doanh và Phương Độ xã Liên Chiểu đều thờ cúng bà.

Sau đó, bộ chủ đem Chiêu Công về phủ trị Hưng Hóa để nuôi dưỡng. Năm 18 tuổi, cậu xứng bậc anh hùng dũng lược, đức độ hơn người. Bấy giờ, Duệ Vương mở trường thi tuyển người hiền lương phương chính, người văn võ toàn tài. Chiêu Công trúng tuyển và được vua cho làm Thái bộc Nghi lĩnh hầu. Lúc bấy giờ trong thiên hạ thường có bọn cướp hoành hành, vua sai Chiêu Công tuần tra phủ dụ. Mới được 6 ngày thì bọn cướp vùng đó đều hàng phục, dân chúng yên ổn làm ăn, Chiêu Công dùng nhân đức mà trộm cướp tự cảm hóa, hoàn lương. 

Năm đó, bộ chủ Hưng Hóa tạ thế (ngày mùng 4 tháng 5), Chiêu Công xin trở về quê an táng phụ thân. Vua thuận tình lại ban cho vàng bạc, lụa là gấm vóc, sai đình thần đưa tiễn. Sau đó lại cho Chiêu Công cai quản đất Hưng Hóa. Lúc này, cơ đồ họ Hùng đã đến hồi suy vi, thế nước ngả nghiêng, quân Thục lại đem quân xâm lấn đất nước. Duệ Vương vô cùng lo lắng, bèn triệu Tản Viên Sơn Thánh và Chiêu Công Ngư Lĩnh hầu cùng chư thần bàn bạc. Tuân lệnh vua, Tản Viên Sơn Thánh và Chiêu Công lĩnh ba vạn quân tiến đánh quân Thục.

Lại nói, quân Thục đã tiến đến Quỳnh Nhai, Sơn Thánh tiến quân đến Mộc Châu, Chiêu Công tiến quân đến Mai Châu, người bày trận đóng quân, người dàn quân dựa vào địa thế núi non để mai phục, ứng chiến. Quân Thục đại loạn, tan rã. Sơn Thánh trở về tâu với vua. Vua mừng rỡ, mở tiệc chúc mừng, ban thưởng úy lạo ba quân, phong cho công thần lớn nhỏ, lại phong cho Tản Viên Sơn Thánh làm Nhạc Phù kiêm Thượng Đẳng, phong cho Chiêu Công làm Hộ Quốc Đại Vương. Sau đó Chiêu Công trở về phủ trị ở Hưng Hóa. Thế rồi, hai trang Phương Độ và Đông Doanh bỗng nhiên có bệnh dịch. Người và vật bị thiệt hại nhiều. Nhân dân lập đàn cầu đảo trời đất không có kết quả. Hương chức liền đến phủ trị thưa với Chiêu Công mong ngài trở về thôn ấp để cứu nguy cho muôn dân. Chiêu Công nghe xong trao cho người đó cờ lệnh và bảo rằng: “Ngươi hãy về trước, lập tức đem cờ cắm giữa thôn ấp, sau đó ta sẽ trở về”. Dân làng bái tạ lĩnh mệnh đem cờ của Chiêu Công cắm giữa thôn. Cờ vừa dựng lên, muôn dân được yên, bệnh dịch tan biến. Khi Chiêu Công về, nhân dân vui mừng làm lễ đón và xin được làm thần tử của ngài. Chiêu Công thuận tình. Bỗng có sứ giả của vua đến triệu hồi Chiêu Công về thảo phạt giặc Ai Lao. Nhân dân thấy ngài phụng mệnh đi dẹp giặc thì lo lắng yêu tà lại nổi dậy bèn xin cho lập sinh từ. Ngài ưng thuận cho lập sinh từ tại xã Liên Chiểu cùng với đền thờ thân mẫu của ngài, rồi trở về triều. 

Lại nói, sau thất bại lần đầu, vua Thục lại cất quân phục thù. Quân của Sơn Thánh và Nghi Lĩnh Hầu ngày đêm vượt hơn 50 dặm tiến thẳng đến đám quân Thục, chia binh tập kích, thủy bộ giáp công đại phá một trận bắt sống hết, quân chủ lực các ngả khác đều rút lui, quân địch bị giết vô số. Sơn Thánh và Nghi Lĩnh Hầu cùng chư tướng khải hoàn trở về. Vào ngày 12 tháng 9, khi ngài về đến bến sông Xuân Mãn, huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang thì bỗng thấy ba tiếng sấm vang trời, gió mưa ập đến, mây mù bao phủ, trên sông sóng cao vạn thước, trời tối đen, ngài tự hóa trên thuyền. Vua nghe tin vô cùng thương xót, bèn lệnh cho đình thần đến tận nơi ngài hóa, truyền nhân dân lập đền thờ cúng ngài. Về sau, vua khen thưởng công thần, ban phong mỹ tự cho ngài, muôn thủa được hưởng thờ cúng, lại báo cho dân các ấp thang mộc đến kinh thành phụng đón sắc chỉ về thờ cúng. 

Phong ngài là Chiêu ứng Hộ Quốc Dân Đại vương (phu nhân ngài cũng được phong tặng). 

Phong thân mẫu của ngài là Bạch Ngọc Thánh Mẫu Công chúa.

Hai trang Phương Độ, Đông Doanh xã Liên Chiểu được lấy làm nơi đặt sinh từ chính và là quê của thân mẫu, xuân thu nhị kỳ sai quan đến tế. Cho phép 14 xã còn lại cũng được phép thờ tự.

- Lệ ngày sinh của Đại vương vào ngày mùng 8 tháng Giêng. Dùng lợn đen, trâu đen tuyền, rượu ngon, xôi, ca hát, tế lễ.

- Lệ hóa của Đại vương vào ngày 12 tháng 9: Lợn đen, rượu, xôi, cơm, bánh trôi, bánh chưng.

- Lệ ngày sinh thân mẫu của Đại vương vào ngày 15 tháng 8: Lợn, xôi, ba mâm cỗ chay, bánh ngũ sắc, ba kiện cây vông, dây thừng. 

- Lệ ngày hóa thân mẫu của Đại vương vào ngày mùng 3 tháng 11: Lợn, xôi, cơm, bánh trôi, đánh cá. 
Cấm ba chữ tên húy là: Chiêu, Bạch, Cốt.

Cấm dùng các sắc phục tơ màu trắng, các màu xanh và tím. Cấm dùng lễ vật là gà trắng, chó trắng.
Hiện đình làng còn lưu giữ được tám đạo sắc phong, cổ nhất là niên hiệu Vĩnh Khánh đời Lê. Với những giá trị văn hóa lịch sử, đình Sen Chiểu đã được Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch xếp hạng năm 1990.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Chiêu Ứng Hộ Quốc Đại vương và Bạch Ngọc Công chúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO