Chế Lan Viên

Chế Lan Viên| 12/10/2019 09:38

Tên thật: Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23/10/1920, quê Quảng Trị. Làm thơ từ năm 12, 13 tuổi ở huyện lị An Nhơn, kí những bút danh mang tên đất của Quảng Trị: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Ông nói: Khi ấy chưa ý thức đó là thơ. Xuống Bình Định, gặp Yến Lan, mới hiểu ý nghĩa của việc làm thơ, kí bút danh Lan Viên (vườn Lan, không biết có do tên Yến Lan gợi nên không). Xuống Quy Nhơn, thành người làm thơ thực sự trước bút danh Lan Viên có thêm họ Chế: Chế Lan Viên.

Chế Lan Viên


Cái sọ người
Này chiếc sọ người kia, mi hỡi!
Dưới làn xương mỏng mảnh của đầu mi
Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối?
Mi trông mong ao ước những điều chi?
Mi nhớ đến cảnh pháp trường ghê rợn
Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi?
Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn
Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi?
Có tìm chăng, những chiều không tiếng gió,
Của người mi thi thể rữa tan rồi?
Có tưởng lại mảnh hồn mi đau khổ
Đang lạc loài trong Cõi Chết xa xôi?
Hỡi chiếc sọ, ta vô cùng rồ dại
Muốn riết mi trong sức mạnh tay ta!
Để những giọt máu đào còn đọng lại
Theo hồn ta, tuôn chảy những lời thơ
Ta muốn cắn mi ra từng mảnh nhỏ!
Muốn điên cuồng nuốt cả khối xương khô!
Để nếm lại cả một thời xưa cũ
Cả một dòng năm tháng đã trôi xa!
Lặng im thì mới nghe
Lặng im
Lặng im thì mới nghe
Nhựa đong đầy các nhánh
Như hồn anh đầy em
Lặng im
Lặng im thì mới tỏ
Nhánh đang hút từ sâu
Cái làm nên nụ đỏ.
Nghe, mùa xuân, nghe nghe
Lặng im mà mọi chỗ
Cái im giữa lòng ta
Cũng là mùa xuân đó
Nếu lòng ta thiếu nó
Thì bao giờ ta nghe
Cầm tay em vuốt ve
Hồn im cho tay nghe. 

Trưa đơn giản
Trưa quanh vườn. Và võng gió an lành
Ngang phòng trưa, ru hồn nhẹ cây xanh.
Trưa quanh gốc. Và mộng hiền của bóng
Bỗng run theo… Lá run theo nhịp võng…
Trưa lên trời. Và xanh thẳm bầu trời
Bỗng mê ly, nằm thấy trắng mây trôi…
Trưa! Một ít trưa lạc vào lăng tẩm
Nhập làm hồn những tượng xưa u thảm.
Trưa, theo tàu bước xuống những sân ga
Dựng buồn lên xa gửi đến Muôn Xa.
Đây trưa hiện hình trong căn trường nhỏ
Đưa tay lên thoa những hàng kính vỡ.
Trưa gọi kêu, nâng ngực gió lên trời,
Bên vú trái tròn, lá bỗng run môi.
Tiếng ca vươn buồn theo song cửa sổ:
- Nâng không gian trưa đặt giữa lòng người.
Xuân về
Pháo đã nổ đưa xuân về vang động
Vườn đầy hoa ríu rít tiếng chim trong
Cỏ non biếc, giãi mình chờ nắng rụng
Bên lau già, theo gió uốn lưng cong
Đôi bướm lượn, cánh vương làn sương mỏng
Chập chờn bay đem phấn điểm muôn hoa.
Cất tiếng hát ngây thơ trên cỏ rộng,
Đàn chim khuyên đua nhặt ánh dương sa.
Hàng dừa cao say sưa ôm bóng ngủ
Vài quả xanh khảm bạc hớ hênh phô,
Xoan vươn cành khều mặt trời rực rỡ,
Bên bóng râm lơi lả nhẹ nhàng đu.
Đây tà áo chuối non bay phấp phới
Phơi màu xanh lấp loáng dưới sương mai
Đây, pháo đỏ lập lòe trong nắng chói
Đây hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi.
Nhưng lòng ơi sao không lên tiếng hát
Nhớ làm chi cảnh cũ những nghìn xưa
Lòng hỡi lòng! Kìa trời xuân bát ngát
Muôn sắc màu rạng rỡ dưới hương đưa
Hãy bảo ta: cành hoa đào mơn mởn
Không phải là khối máu của dân Chàm
Cành cây thắm nghiêng mình trong nắng sớm
Không phải là hài cốt vạn quân Chiêm!
Quả dừa xanh không phải đầu chiến sĩ
Xác pháo rơi không phải thịt muôn người
Hãy bảo ta: trời xuân luôn vui vẻ
Và bảo ta: muôn vật đợi ta cười
Ta những muốn vui cười, ta những muốn
Dẹp sầu tư, ca hát đón xuân tươi
Nhưng, than ôi, xuân về trong nắng sớm
Mà lòng ta, đóng lạnh giá băng thôi!
Vòng cườm trên cổ chim cu
Con cu cườm vẫn đeo vòng cườm muôn thuở
Triệu tấn bom không thể nào làm xổ
Một hạt cườm trên cổ chim tơ
Mùa xuân thật bất ngờ
Tiếng chim sau pháo cụm pháo bầy cấp tập
Rừng cháy đen vẫn cành ra lộc
Chỗ cành xanh là chỗ chim gù.
Hồn đất nước bâng khuâng theo tiếng chim dân dã
Như chửa nghe bao giờ. Mà như đã
Nghe rồi. Tự đâu thời xa xửa xa xưa
Tự sông Thương đôi dòng. Vọng phu hóa đá
Tiếng chim như tự buổi bình Ngô, tự thuở Hai Bà
Tiếng chim như tình ái, như thơ
Ở xứ nghìn năm chiến tranh, vạn ngày trận mạc
Để yên lòng người thì con chim hát
Cho kẻ ra đi, cho kẻ đợi chờ
Bom đạn ngất trời thì đã sao đâu?
Trăm hạt cườm trên cổ chim không thiếu hạt cườm nào.
Chim cu gáy sự vật tuần hoàn theo quy luật,
Chim cu gáy thì xanh rờn cỏ mọc
Đỏ trái chín cành cao cành thấp
Thì anh lại yêu em như buổi ban đầu.
Ngày thắng trận trở về vẫn chim cu ấy gáy
Vòng cườm qua nghìn cơn lửa cháy
Tiếng gáy tưởng chừng như đã, như chưa
Như của năm nao, như của bây giờ.
Nhớ Việt Bắc 
Thôi nhớ hoa xong lại nhớ người
Chiến khu phương ấy trắng mây trời
Chửa về Tuyên Thái thăm tre trúc
Hãy đến sông Hồng ngóng nứa xuôi.
Đêm hò từ tạ
Ta vào chiến tranh còn dại dột ngây thơ
Chiều trận bom, đêm ấy vẫn hò
Biết sáng trời là phi cơ giặc đến
Vẫn chong đèn cất giọng “hò dô...”
Ở ngoài khơi tàu đổ bộ rập rình
Còn phút này em ở bên anh
Lấy tiếng hát câu hò từ tạ
Gửi trời cao bể rộng mông mênh
Từ tạ nhánh lá bẻ ngồi
Từ tạ lưới đôi lưới dã
Từ tạ rừng dương nghiêng nón ta cười
Từ tạ bến mỗi chiều về chia cá
Tiếng hò lên vời vợi giữa sao khuya
Xa nhau rồi tiếng ấy có còn nghe?
Anh cúi mặt bên đèn khêu lại bấc
Nước mắt nhỏ sau câu hò, em lấy tay che
Hò nữa đi em, mai chiến trận rồi!
Hò một đêm, nghe suốt một đời
Từ tạ con bướm bên đĩa dầu kia nữa chứ!
Từ tạ chung xóm làng, dám từ tạ riêng ai!
Mơ hồ hơi của bể, hơi thời gian
Hơi những gì đã biến đã tan
Dẫu đến chết chẳng bao giờ từ tạ
Ðất quê mẹ sim, mua và vạt áo vá quàng...
Trận địa bên ngoài chừng đẫm hơi sương
Chốn ở nơi ăn mai hóa chiến trường
Ðêm từ tạ ngỡ sao trời rụng gấp
Ôi, càng hò càng đứt ruột càng thương!
Chiến thắng. Ðoàn viên. Xóm cũ tôi về
Bao nhiêu điều quên đi sao vẫn nhớ
Ðêm từ tạ cùng cất cao tiếng “hố...”
Ðêm giã từ cùng gõ nhịp thanh tre.
Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh
Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu
Đánh trận giặc cờ lau.
Thế mà không đâu
Gặp Thập Nhị sứ quân đầu rừng cuối quận
Thành ra người dẹp loạn
Rồi làm tướng làm vua
Lắm chuyện nhức đầu
Cho tôi về với cành lau
Vàng vọ
Về với con trâu nghé ngọ
Có cặp sừng bỡ ngỡ
Chiều buồn không biết cọ vào đâu?
Đã lâu không nghe hồn lau nữa
Xa tiếng gió xạc xào
Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ…
Chỉ nghe danh vọng ầm ào
Vinh quang xí xố
Hoa Lư ở đâu?
Hoa lau ở đâu?
Hồn lau ở đâu?
Hồn ta ở đâu?
Sông sử thi và sông tình ca
Dòng sông ấy khi hóa tình yêu, khi hóa sử
Sáng nay Bạch Đằng tạm quên mình làm sử để làm sông.
Không ai đến cắm cọc sông, sông cứ xuôi dòng
Chỉ có tình nhân soi mặt vào sông 
và ném những cành hoa lãng tử
Và người ta vẫn gọi nó là Bạch Đằng như cũ.
Vui không?
...............................................................................
Thơ tuyển rút từ tập Chế Lan Viên toàn tập (Tập 1 & Tập 2), 
NXB Văn Học 2002
(0) Bình luận
  • Chùm thơ của tác giả Minh Huế
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Minh Huế.
  • Chùm thơ của tác giả Lê Minh Tý
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Lê Minh Tý.
  • Trước mùa thu tới
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Trước mùa thu tới của tác giả Nguyễn Thị Hồng Ngát nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Đăng Độ
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Đăng Độ.
  • Chùm thơ của tác giả Nguyễn Văn Mạnh
    Tạp chí Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu chùm thơ hai bài của tác giả Nguyễn Văn Mạnh.
  • Dưới trăng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Dưới trăng của tác giả Dương Văn Lượng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội: phối hợp giữa Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Trung tâm Phục vụ hành chính công trong triển khai Đề án 06
    Với quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu của Đề án 06, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện và bền vững, sự phối hợp này đánh dấu một bước tiến mới trong nỗ lực hợp tác liên ngành, góp phần thúc đẩy hiệu quả cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin - chuyển đổi số.
  • Học sinh quận Ba Đình tỏa sáng tại Kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp quận năm học 2024-2025
    Ngày 21/11/2024, để tổng kết, đánh giá và động viên, ghi nhận các học sinh đạt thành tích cao trong Kỳ thi, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình (TP. Hà Nội) tổ chức chương trình Tổng kết và Trao giải Kỳ thi Học sinh Giỏi (HSG ) các môn văn hóa lớp 9 cấp quận năm học 2024-2025 tại trường THCS Thành Công.
Đừng bỏ lỡ
Chế Lan Viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO