Chế độ cho người trông coi di tích: Bảo đảm quyền lợi, gia tăng trách nhiệm

Hanoimoi| 13/06/2022 20:06

Việc chăm sóc, bảo vệ di tích trên địa bàn Hà Nội lâu nay có công sức không nhỏ của đội ngũ thường trực, những cụ từ, thủ nhang tại đình, đền, miếu… Song, vì nhiều nguyên nhân, chế độ đãi ngộ dành cho họ còn hạn chế.

Đã đến lúc cần có sự quan tâm thiết thực hơn đến nhóm đối tượng này, nhằm bảo đảm quyền lợi cũng như gia tăng trách nhiệm, qua đó nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Chế độ cho người trông coi di tích: Bảo đảm quyền lợi, gia tăng trách nhiệm
Các cụ thủ từ trông coi đền Nội thôn Bình Đà, xã Bình Minh (Thanh Oai) luôn nhiệt tình, tận tâm với việc làng giao phó.

Trông vào sự nhiệt tình, tận tâm cống hiến

Đảm nhận trách nhiệm trông coi cụm di tích đình, đền, miếu của làng Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, gần 10 năm qua, ông Chu Đình Chúc (67 tuổi) luôn tận tâm với phần việc được người làng, người xã giao phó. Ông thường xuyên túc trực tại di tích, lo quét dọn, đèn nhang, giúp đỡ, hướng dẫn người dân địa phương và du khách khi đến dâng hương, lễ thánh… Với trọng trách này, ông Chúc được địa phương hỗ trợ 50 nghìn đồng/tháng. Số tiền này quá ít ỏi so với công sức, trách nhiệm người trông coi di tích.

Cũng như ông Chúc, ông Nguyễn Chính Chinh đảm nhận việc trông coi di tích đền Nội (thôn Bình Đà, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) nhiều năm qua, với mức hỗ trợ 60 nghìn đồng/tháng. Ông Chinh cho hay, ông làm việc này từ năm 2017 cùng 2 hội viên Hội Người cao tuổi khác. Hằng ngày, ba người cùng chung tay chăm lo, bảo vệ khu di tích, giờ ăn cũng thay phiên nhau, bảo đảm luôn có người túc trực. “Hỗ trợ nhiều, ít không quan trọng bằng sự tín nhiệm mà bà con dành cho những người “vác tù và hàng tổng” như chúng tôi. Tôi cũng biết nhiều nơi do khó khăn, rồi cả vì thiếu quan tâm mà người trông coi, bảo vệ di tích vẫn chưa được động viên, khích lệ khi tham gia công tác này”, ông Nguyễn Chính Chinh bày tỏ.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Lê Khắc Nhu cho biết, số di tích trên địa bàn huyện có người trông coi được hỗ trợ chế độ chưa nhiều. Chưa kể, mức hỗ trợ còn khá thấp so với công sức họ bỏ ra; việc hỗ trợ vẫn phụ thuộc vào nguồn lực xã hội hóa. Lý do là bởi điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn, số di tích lại lớn (394 di tích), gây thiệt thòi cho nhóm đối tượng này.

Còn theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, ngoài khó khăn về kinh tế thì về mặt pháp lý đến giờ vẫn chưa có cơ chế, chính sách cho vấn đề này, nên địa phương không biết thực hiện thế nào. Trong khi đó, theo cán bộ phụ trách văn hóa tại nhiều huyện, thị xã, chế độ ít ỏi, nơi có nơi không, khiến địa phương không thể đòi hỏi những điều kiện cơ bản từ người trông coi di tích, như: Có sức khỏe tốt, có hiểu biết về di tích cũng như kiến thức bảo quản hiện vật..., và khi xảy ra hư hỏng, mất mát, khó ràng buộc trách nhiệm.

Nâng cao hiệu quả bảo tồn từ cơ chế đãi ngộ

Di tích là tài sản chung của cộng đồng, nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa của cha ông cũng như mang ý nghĩa bồi đắp, làm giàu đời sống tinh thần, tín ngưỡng cho nhân dân. Tuy vậy, do nhiều yếu tố, việc gìn giữ, bảo vệ, phát huy giá trị di tích còn nhiều thách thức, trong đó có những khó khăn ngay từ cơ sở.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, việc chăm lo đời sống cho nhóm đối tượng trông coi di tích, ngoài ý nghĩa tri ân, còn là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản. “Họ là những người “sát sườn” với di sản. Khi ngói đình, chùa xô dạt, họ là người cấp báo và có biện pháp khắc phục kịp thời, không để xuống cấp nặng nề hơn. Họ cũng là "lá chắn" ngăn ngừa nạn trộm cắp cổ vật. Bảo đảm quyền lợi, cùng với việc chăm lo đời sống cho nhóm đối tượng này còn là nhằm gia tăng trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ di sản”, ông Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Còn theo nhà nghiên cứu di sản văn hóa Trần Lâm Biền, bên cạnh chế độ đãi ngộ hợp lý, cần có những chương trình tập huấn, trang bị kiến thức bảo vệ, giữ gìn di sản cho lực lượng này cũng như thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản.

Liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nghiên cứu những kiến nghị từ các quận, huyện, thị xã, từ đó xác định cơ chế hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ di tích, tham mưu xây dựng chế độ đãi ngộ cho nhóm người trông coi di tích và kinh phí bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích.

“Đây là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm mà UBND thành phố giao cho ngành Văn hóa Thủ đô, nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di tích trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
    Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.
  • Phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Sáng nay 9/5, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp Phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
    Chiến thắng Điện Biên là chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu), làm rạng danh nước Việt trên thế giới “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castriest, ngày 12/5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó, Tố Hữu có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bên cạnh những tác phẩm thơ, Điện Biên còn được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn sách hồi ký, biên khảo…
  • Hội thảo Văn hóa năm 2024 khơi nguồn lực, tạo động lực phát triển thiết chế văn hóa
    Thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngày 12/5 tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
  • Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31
    Sáng 9/5, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31 – VIETNAM MEDI-PHARM 2024 đã chính thức khai mạc tại Cung Văn hoá Hữu nghị (số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đừng bỏ lỡ
Chế độ cho người trông coi di tích: Bảo đảm quyền lợi, gia tăng trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO