Chỉ đạo của Giáo hội là rất quan trọng
Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) vừa ban hành Thông tư số 223/TT-HĐTS về việc tổ chức Đại lễ Vu lan Báo hiếu PL.2563 - DL.2019 trang nghiêm và ý nghĩa, phục vụ nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho đồng bào Phật tử và nhân dân.
Thông tư do Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký, gửi tới Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, gồm 4 điểm.
Thứ nhất, về thời gian tổ chức, từ ngày mùng 1 đến ngày Rằm tháng 7 Âm lịch (có thể kéo dài trong tháng 7 Âm lịch).
Thứ hai, về địa điểm tổ chức, tại các cơ sở thờ tự của GHPGVN, các nơi công cộng (khi được sự chấp thuận của các cấp chính quyền), tư gia...
Thông tư cũng lưu ý việc tổ chức Đại lễ không làm ảnh hưởng tới giao thông, sinh hoạt chung của cộng đồng.
Thứ ba, thông tư hướng dẫn các nội dung tổ chức Đại lễ, trong đó, GHPGVN đề nghị không đốt, cúng vàng mã, thay vào đó nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người nghèo khổ để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ.
Đặc biệt, GHPGVN yêu cầu các cơ sở thờ tự "không tổ chức cúng lễ thu tiền mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp chính pháp, với nghi lễ truyền thống".
Tôi cho rằng, đây là chỉ đạo rất quan trọng, định hướng cho Giáo hội các cấp, trụ trì các chùa tổ chức lễ Vu Lan trang nghiêm, văn minh, không đốt vàng mã, không cúng lễ thu tiền, theo đúng với tinh thần Phật giáo.
Lan tỏa tinh thần hiếu đạo
Cũng theo Thượng tọa, lễ Vu Lan nếu theo đúng nghi thức Phật giáo thì phải đến những nơi có tăng ni tu hành để thiết đàn lễ trai tăng cúng dàng Tam bảo, từ đấy hồi hướng cho vong linh gia tiên tiền tổ.
Ở nơi tổ chức lễ Vu Lan có tăng ni, không chỉ cúng lễ mà còn thuyết giảng, giải thích ý nghĩa của lễ Vu Lan cho mọi người, từ đó lan tỏa tinh thần hiếu đạo. Người dân đến chùa thì giữ được nét truyền thống của Phật giáo. Còn nếu không, mọi người vẫn có thể tổ chức ở gia đình để bảo lưu truyền thống văn hóa dân tộc, dạy cho con cháu về lòng hiếu thảo.
Các gia đình Việt Nam thờ Phật thì ngày rằm tháng 7 chúng ta vẫn có thể thiết lễ dâng cúng Vu Lan tại nhà. Vật phẩm nhiều không nói lên ý nghĩa của lễ Vu Lan. Cúng lễ theo truyền thống văn hóa Việt Nam cũng đơn sơ thôi, không nên mâm cao cỗ đầy bởi ý nghĩa của lễ ấy là dạy cho con người lòng hiếu thảo, chủ yếu là tâm thành cầu nguyện gia tiên an lạc.
Lễ Vu Lan bắt nguồn từ kinh Vu Lan. Khởi nguồn của việc ấy là từ một vị đệ tử lớn thời đức Phật còn tại thế là Mục Kiền Liên. Khi ngài Mục Kiền Liên tu hành đắc đạo rồi, ngài rất đau khổ khi thấy mẹ mình bị đọa đầy ở địa ngục. Ngài dâng các lễ vật cho mẹ mình ăn thì bà không sử dụng được. Thương mẹ quá, Mục Kiền Liên về bạch với Đức Phật Thích Ca, muốn cứu mẹ khỏi cõi đó thì làm thế nào.
Đức Phật dạy, nhân lễ Vu Lan rằm tháng 7, vào lễ tự tứ kết thúc 3 tháng an cư của các vị sư tăng, thỉnh thập phương tam chúng tụng kinh, chú nguyện, hồi hướng cho những vong linh rơi vào cõi đau khổ của địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nhờ thần lực ấy, các vong linh được vãng sinh miền lạc cảnh hay đến miền an vui hơn.
Sau này, Phật giáo tiếp tục duy trì truyền thống ấy, đó là nguồn gốc, ý nghĩa của lễ Vu Lan, Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết.
Cũng trong kinh Phật dạy, dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, đi khắp thế gian này cũng chưa báo đáp được ân sâu cha mẹ. Hạnh phúc cho những ai mà cha mẹ vẫn còn trong cuộc đời này.
Theo quan điểm của Phật giáo, phụ mẫu tại đường như Phật tại thế. Cha mẹ còn sống trong nhà giống như đức Phật còn ở với đời. Cho nên, không chỉ sắp lễ cúng vong linh tiền tổ mà chúng ta phải có trách nhiệm kính trọng, báo ân, báo hiếu, phụng dưỡng cha mẹ cả 365 ngày trong năm.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho biết thêm, Phật giáo cũng đề cao tứ trọng ân nên nhân dịp này lập những đàn tràng cầu an, cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ... Không những cứu tế chúng sinh mà Phật giáo cũng làm rất nhiều việc với tinh thần nhân đạo để giúp đời, giúp người như hiến máu, đăng ký hiến mô tạng, ủng hộ từ thiện, xây nhà cho người nghèo...