Câu chuyện bức ảnh “Hai người lính” - Kỳ I: Khát vọng hòa bình

Chu Chí Thành| 26/04/2018 08:46

Cánh chim hòa bình đậu trên nòng súng đã đưa những người lĩnh trở về với bản thể của mình, lòng họ dịu lại, hận thù chìm xuống, tình người dâng lên. Điều đó đã xuất hiện vào những ngày hòa bình đầu tiên trên đất lửa Quảng Trị.

Kiểu ảnh hiếm trên tuyến giáp ranh

Cách đây 45 năm, sau 12 ngày đêm chiến thắng B52, và cái Tết đầu vắng tiếng bom ở Hà Nội, tôi - phóng viên ảnh và Trần Mai Hưởng - phóng viên tin Thông tấn xã Việt Nam được cử vào Quảng Trị công tác. Hai chúng tôi sử dụng một xe com-măng-ca chạy một mạch từ Hà Nội tới Đông Hà. Trần Mai Hưởng vừa mới có chuyến công tác dài ngày theo chiến dịch giải phóng Quảng Trị năm 1972. Lái xe cho chúng tôi là anh Phí Văn Sỉu, một tay lái trẻ nhưng đã nhiều lần lăn lộn cùng phóng viên dưới làn bom, đạn, nên tôi rất yên tâm. Chuyến đi có hai nhiệm vụ chính: 1 - Trao trả tù binh trên sông Thạch Hãn;  2 - Thi hành Hiệp định Paris về ngừng chiến ở Việt Nam tại Quảng Trị. Trong khi chờ đợi giữa hai đợt trao trả tù binh, chúng tôi tranh thủ ra tuyến giáp ranh. Nơi chúng tôi tìm đến là mảnh đất Long Quang - chốt tiền tiêu của Quân đội Sài Gòn và Quân Giải phóng. Một ngày đẹp trời vào khoảng cuối tháng hai năm 1973, tôi thấy các chiến sĩ Giải Phóng vẫy tay gọi anh em lính Sài Gòn sang chơi. Cảnh tượng đó khiến tôi rất ngạc nhiên, “Địch với ta gì mà lại hữu hảo như vậy”. Khi một tốp lính Sài Gòn bước vào “Vùng của ta”, tôi thấy hai o du kích và mấy chiến sĩ bước ra đón họ. Một người lính Sài Gòn trong bộ quần áo rằn ri thủy quân lục chiến chìa tay, bắt tay o du kích. Anh ta nở một nụ cười rất tươi, dáng dấp thoải mái, anh được một chiến sĩ Giải phóng bá vai. Thế là tôi liền đưa máy ảnh lên ngắm và bấm máy. Ngay sau đó, người lính Sài Gòn này vui vẻ đề nghị:

- Anh nhà báo, anh chụp cho em với anh Giải Phóng một kiểu ảnh.

Câu chuyện bức ảnh “Hai người lính” - Kỳ I: Khát vọng hòa bình
Tác phẩm Hai người lính. Ảnh: Chu Chí Thành
Hai người ấy tách khỏi đám đông, bá vai nhau thân thiết như hai người bạn. Không chần chừ gì nữa, tôi bấm ngay kiểu ảnh đó, và nó cũng là kiểu ảnh duy nhất. Tôi thầm vui, và cũng chưa hết ngạc nhiên. Không ngờ những con người này trước đó ít ngày thôi, họ còn săn đuổi nhau, bắn nhau dữ dội, giành giật với nhau từng thước đất từ Cửa Việt đến Long Quang. Vậy mà giờ đây lại tay bắt, mặt mừng! Hòa bình, hòa bình! Phải chăng hòa bình đã làm thay đổi tất cả, từ đối địch trở thành bạn hữu, từ hận thù về lại yêu thương? Sau cuộc “giao lưu” ngắn ngủi ấy ít phút, những người lính Sài Gòn lại trở về phía bên kia. Bóng họ chập chờn trên cồn cát trắng. Tôi nhìn mãi theo họ, tầm nhìn bỗng dừng lại bởi bốt gác có những bao cát chất cao thành ụ chiến đấu và trải dài theo chiến hào phòng ngự. Còn bên ta cũng có giao thông hào kéo dài đối diện với phía Sài Gòn. Phía sau chiến hào có hàng loạt đầu đạn DKB sáng loáng phơi mình trên cát chĩa thẳng sang phía đối phương như công khai răn đe.

Rời tuyến giáp ranh, về tới Phân xã Thông tấn xã Giải Phóng tỉnh Quảng Trị bên bờ sông Hiếu, tôi liền xuống hầm làm việc của Phân xã tráng phim. Thấy mấy kiểu phim ở tuyến giáp ranh rất đẹp, tôi phơi phim cho khô, rồi viết chú thích gửi ra Hà Nội. Sau ba tháng công tác ở Quảng Trị, chúng tôi về tới Thủ đô đúng vào trưa 1/5/1973. Hôm ấy cả Hà Nội treo cờ mừng ngày Quốc tế Lao động đầu tiên trong hòa bình. Vợ tôi trên gác, thấy xe com-măng-ca đỗ trước nhà, và dáng tôi bước ra cửa xe, liền reo lên chạy ào xuống đón.

Câu chuyện bức ảnh “Hai người lính” - Kỳ I: Khát vọng hòa bình
Tác phẩm Tay bắt mặt mừng. Ảnh: Chu Chí Thành
Mấy hôm sau đến cơ quan, xem lại maket ảnh của mình do Phòng địa phương dựng, tôi thấy bức ảnh “Hai người lính” được Ban biên tập duyệt bỏ, không lưu, không phát. Tiếc quá, tôi tần ngần đứng lặng bên bàn làm việc, định gặp anh Lê Châu, Phó chủ nhiệm Phân xã Nhiếp ảnh để hỏi, vì sao loại bỏ tấm ảnh này. Tôi đã có lý lẽ trong đầu, chủ trương hòa hợp của Đảng và Nhà nước có rồi, Bác Hồ cũng đã nói từ lâu “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Bức ảnh ấy nói được tinh thần đoàn kết của Bác. Bỏ nó đi là làm trái với tâm huyết của Người. Nhưng một ý nghĩ lóe trong đầu tôi: Vấn đề là tấm phim còn không? Tôi liền xuống Phòng Tư liệu phim hỏi và tìm. Tiếc thay tấm phim ấy đã bị hủy! Phim không còn nữa, cãi lý với thủ trưởng cũng bằng thừa. Tôi đành ngậm ngùi trong luyến tiếc. Nhưng may sao tấm phim “Tay bắt mặt mừng” lại còn nguyên. Tôi xin mấy chị tư liệu đoạn phim ấy và nói khéo rằng đấy là ảnh lưu niệm. Vậy là tôi bóc tấm ảnh mẫu “Hai người lính” cỡ 3x4 cm ra để vào sổ tay cùng với đoạn phim vừa xin đươc giữ đến bây giờ. Làm thế nào mà tấm ảnh nhỏ chưa bằng hai ngón tay ấy mà đến nay phóng to, hình ảnh vẫn nét, vẫn mịn? Quả thực máy ảnh, phim, giấy ảnh Cộng hòa Dân chủ Đức, máy phóng ảnh Tiệp Khắc, giấy ảnh Hungari thuở ấy rất tốt. Ngày nay nhờ kỹ thuât số ảnh nhỏ từ năm ấy được quét với mật độ cao thì khi phóng ảnh chất lượng vẫn tốt. Đây là một may mắn về kỹ thuật mà bức ảnh “Hai người lính” được thừa hưởng. 

Cuộc hành trình tìm “Hai người lính”

Tháng 12/2007, tôi mở triển lãm ảnh cá nhân về đề tài chống Mỹ cứu nước với tiêu đề: “Những thời khắc không thể quên” tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Hà Nội), và “Ký ức chiến tranh” tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Thành phố Hồ Chí Minh). Bức ảnh “Hai người lính” và “Tay bắt mặt mừng” lần đầu tiên được ra mắt công chúng. Triển lãm được nhiều người quan tâm, đặc biệt các đồng nghiệp nhiếp ảnh của Sài Gòn cũ và người xem ở phía Nam rất thích hai tấm ảnh này. Khi xem ảnh mẫu trước ngày làm triển lãm, bà Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh động viên khéo tôi: Anh không công bố tập ảnh này là “có tội” với đất nước, với những người trong ảnh đấy! Năm 2010, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Thành phố Hồ Chí Minh đã đứng tên cùng tôi xuất bản cuốn sách ảnh với tiêu đề: “Ký ức chiến tranh” (Memories of the war) bằng hai ngôn ngữ Việt - Anh. Sách bán chạy, được bạn đọc trong và ngoài nước ưa thích. Lúc đó Bộ Ngoại giao ta cử người đến Thông tấn xã Việt Nam đặt ảnh, Bộ muốn có tấm ảnh này đưa sang Mỹ, nói với các bạn Mỹ và bà con Việt Kiều rằng, tinh thần hòa hợp dân tộc của người Việt Nam chúng ta đã có từ lâu. Ngay khi đất nước chưa thống nhất, nó đã là khát vọng của những thanh niên cầm súng ở cả hai phía. Có thể nói, lúc đó tôi rất vui và đã làm ảnh cho Bộ Ngoại giao. Đến năm 2015 sách được tái bản. Câu chuyện “Hai người lính” trong ảnh được nhiều đài báo ở trong nước và nước ngoài nói tới. Lúc đó ý tưởng tìm lại “Hai người lính” càng thôi thúc, không nhớ từ bao giờ tôi đã coi họ như hai đứa em của mình. Tôi nhờ một số bạn bè tìm hộ qua nhiều mối quan hệ, kể cả báo chí và đường internet. Gần đến ngày 30/4/2015, phóng viên báo Tuổi trẻ, anh Quốc Nam từ Quảng Trị ra Hà Nội gặp tôi hỏi chuyện về “Hai người lính” trong ảnh. Dịp đó một số cựu chiến binh ở Hà Nội thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 B về thăm Long Quang cho rằng, anh Giải phóng trong ảnh là Dương Minh Sắc, quê ở Kim Quan, Thạch Thất, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Nhà báo Quốc Nam rất cẩn thận, tìm đến tận nhà vợ anh Sắc ở Huế để xác minh. Chị nói, chưa nhìn thấy bức ảnh này bao giờ, nhưng người trong ảnh có nét hao hao giống chồng mình. Vậy là Quốc Nam viết lại các ý kiến trên, cho rằng đấy là Dương Minh Sắc đã mất cách đó mấy năm! Còn anh lính Cộng hòa chưa tìm ra, nghe đâu có ông chú sống ở Vũng Tàu, nếu liên hệ được sẽ lần ra manh mối.

Câu chuyện bức ảnh “Hai người lính” - Kỳ I: Khát vọng hòa bình
Cái bắt tay sau 45 năm, ông Bùi Trọng Nghĩa (bên trái) đón ông Nguyễn Huy Tạo tại ga Đông Hà. Ảnh: Chu Chí Thành
Biết câu chuyện này qua báo Tuổi trẻ, nhà báo Hoàng Lân, phóng viên của TV Phố Bolsa ở Mỹ đã phỏng vấn tôi ngay tại Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp 30/4/2015. Bên cạnh tôi có cả Nick Út, tác giả bức ảnh “Em bé Napalm”, chụp ở Trảng Bàng năm 1972. Bức ảnh của Nick Út làm rung chuyển nước Mỹ, hàng vạn người xuống đường đòi chính quyền Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Còn chuyện hòa hợp của “Hai người lính” là câu chuyện âm thầm của mỗi người người Việt Nam trong mấy thập kỷ qua. Hòa hợp, bao dung, đoàn kết dân tộc, là cần thiết, và tất yếu, nhưng bắt đầu từ đâu, và cách thức như thế nào? Đó là cả một sự trăn trở lớn của nhiều người. Chắc vì vậy mà Việt kiều ở Mỹ và nhiều độc giả trong nước lần lượt vào mạng theo dõi câu chuyện này.

Vào một buổi chiều đầu tháng 5/2015, một người lạ gọi điện thoại tới, và muốn gặp tôi nói chuyện. Đúng hẹn, anh đến nhà tôi với một niềm vui cởi mở, anh nói: 

 - Chắc anh không nhận ra em, nhưng em vẫn nhớ anh dáng cao cao, đội mũ tai bèo, vai đeo máy ảnh trong bộ quần áo Quân Giải phóng.

Tôi hơi ngờ ngợ, chỉ đáp lại trong do dự:

-  Anh trước là bộ đội Giải phóng phải không?

- Vâng, em đã gặp anh ở tuyến giáp ranh Quảng Trị, cũng đã xem triển lãm ảnh chiến tranh của anh vào năm 2007 tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, thấy ảnh “Hai người lính”...

- Thế sao khi ấy cậu không điện cho tôi? - Tôi chen ngang hỏi.

- Vâng, lúc ấy em còn trong quân ngũ, ngại, chưa muốn gặp anh. Giờ thì có thể nói với anh, em chính là người trong ảnh. Người lính ấy không chết. Dù là ai, còn sống hay đã chết cũng không quan trọng, cũng không thay đổi được sự thật lúc đó. Nó là bức ảnh lịch sử rồi.

Mấy câu của người sĩ quan này vừa nói ra, khiến tôi chợt nghĩ tới các liệt sĩ vô danh, họ làm nên lịch sử, nhưng không để lại tên tuổi. Tinh thần ấy của những người lính từng sống chết với Quảng Trị xem ra có lý.

Thế là chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện. Anh cho tôi xem chứng minh thư quân nhân, tên là Nguyễn Huy Tạo. Anh ở chốt Long Quang tới tháng 4/1974 thì được điều ra Bắc vào học tại Học viện Hậu cần, tiếp tục làm việc trong quân ngũ đến lúc về hưu với cấp bậc Thượng tá.

Tôi mừng quá, sau đó gọi điện cho Quốc Nam, báo Tuổi trẻ để anh viết tiếp câu chuyện còn dang dở. Nhưng không hiểu do bận vào đề tài khác, hay vì lý do gì mà anh không theo đuổi câu chuyện này nữa. 

Thấy nữ nhà báo Dương Phương Vinh, Trưởng ban Văn nghệ báo Tiền phong quan tâm tới nhiếp ảnh, tôi kể lại câu chuyện này, cô có vẻ thích thú và vui vẻ xin số điện thoại, tìm hiểu nhân vật để viết. Trước hết cô gặp Nguyễn Huy Tạo, anh lính Giải phóng năm xưa. Và rất nhanh, ngay sau đó có bài “Những tình tiết mới quanh bức ảnh Hai người lính”, số Xuân Bính Thân, 2016. Tại đây Nguyễn Huy Tạo kể rằng, một buổi tối sau ngày tôi chụp ảnh, có Văn công Quân khu 5 biểu diễn ca múa nhạc, lính Cộng hòa sang xem khá đông. Khi tốp ca nữ hát bài “Tiếng đàn Ta lư” của Huy Thục đến đoạn: Kia trông 1,2,3,4,5,6,7... tên lính thủy đánh bộ Mỹ kia nó bị bắt trên rừng, Bộ đội Giải phóng ơi, các anh đánh hay hu, hu... thì phía Sài Gòn có báo động, tất cả họ phải bỏ cuộc vui chạy về. Nghe nói không may có một người vấp phải lựu đạn gài của họ đã thiệt mạng. Từ bấy trở đi, phía Sài Gòn căng giây thép gai, lính tráng không được sang bên Giải phóng nữa. Tạo có hỏi thăm vọng qua hàng rào, thì bên kia trả lời, người chụp ảnh với anh đã chết trong vụ vướng lựu đạn! Nhà báo Dương Phương Vinh vẫn phân vân, hoài nghi về cái chết của người lính Sài Gòn. Bởi “nghe nói”, “qua hàng rào” thì khó xác thực. Dịp 30/4/2017, cô thao thức đọc trên mạng thấy nhiều người bình luận về câu chuyện “Hai người lính”. Rất may cô tìm thấy địa chỉ của cậu con trai ông Nghĩa trên Facebook, tên là Bùi Trọng Nhân. Cậu đăng ảnh bố mình và cả chứng minh thư của bố, và giải thích rằng, người lính Sài Gòn trong ảnh “Hai người lính” là bố mình. Liên lạc được với Nhân, lập tức cô Vinh lấy vé bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ đồng nghiệp báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh lần ra địa chỉ nhà ông Nghĩa. Thế là người lính thứ hai trong ảnh xuất hiện liền trong 4 số báo Tiền phong đầu tháng 5/2017. Bạn đọc đồng cảm với hoàn cảnh ông Bùi Trọng Nghĩa bước vào tuổi già xuống sức, không có việc làm, vợ thì yếu đau mất sức lao động từ sau khi sinh cậu con trai. Con trai đã 24, 25 tuổi nhưng chưa có chỗ làm ổn định...

Vì vậy Dương Phương Vinh và tòa soạn đã vận động các độc giả và một số doanh nhân ủng hộ, giúp đỡ gia đình ông Nghĩa. Nhân ngày truyền thống báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Tổng Biên tập báo Tiền phong, ông Lê Xuân Sơn đã tổ chức buổi gặp mặt với ông Bùi Trọng Nghĩa tại Văn phòng đại diện ở Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 22/6/2017. Thay mặt tòa soạn và độc giả, Tổng Biên tập Lê Xuân Sơn đã trao cho Bùi Trọng Nghĩa 90 triệu đồng, và Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam tặng gia đình ông Nghĩa chiếc ti vi màn hình phẳng 40 inch và 5 triệu đồng. Với số tiền ấy ông Nghĩa đã sửa được căn nhà lụp xụp thành phòng ốc sáng sủa, cao ráo. Và cậu con trai đã có việc làm ổn định, tuy phải đi làm xa, vất vả, nhưng đã giúp được bố mẹ chút đỉnh.

Đón đọc kỳ cuối: Về với dòng sông xưa
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Hơn 2.000 cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Ba Đình năm 2024
    31 đơn vị, doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động quận Ba Đình năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động 2.140 chỉ tiêu (trong đó có 2.040 chỉ tiêu tuyển dụng, xuất khẩu lao động và 100 chỉ tiêu tuyển sinh).
  • Công bố giá vé, khát vọng “Rạng rỡ ngàn sau” với Tuần lễ Festival Huế 2024
    Ban tổ Festival Huế 2024 công bố giá vé các chương trình tại Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện bức ảnh “Hai người lính” - Kỳ I: Khát vọng hòa bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO