Phiên thảo luận tại tổ chiều 8-11 về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội. |
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng vấn đề liên quan đến sách giáo khoa thời gian qua gây nóng dư luận xã hội. "Về nguyên tắc chung, sách giáo khoa nên có một bộ chuẩn dùng cho cả nước, do Hội đồng thẩm định quốc gia đề xuất và Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Bộ sách này được sử dụng trong nhiều năm, hằng năm có bổ sung và vài ba năm chỉnh sửa một lần. Về sách tham khảo cũng nên có quy định một lượng nhất định. Việc xã hội hóa sách giáo khoa chỉ nên ở khâu in ấn chứ không nên ở khâu biên soạn" - Đại biểu nêu.
Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) |
Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) bày tỏ quan điểm: Chương trình, sách giáo khoa ngoài đảm bảo kết quả thì phải tinh gọn, hiện đại. “Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến cho rằng các cháu học sinh tiểu học, trung học cơ sở đang phải học hành hết sức vất vả để có thể theo được chương trình”, đại biểu cho biết. Đại biểu cho rằng đối với các chương trình thử nghiệm cần phải viết kỹ hơn, rõ ràng hơn trong dự án Luật.
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, đổi mới chương trình, sách giáo khoa không cứ nhất thiết là mới hoàn toàn. Việc quay lại những cái cũ nhưng hợp lý cũng là đổi mới. Đặc biệt, đại biểu nhận định, chương trình học phổ thông chúng ta có kiến thức hàn lâm nhiều, nội dung kiến thức trong sách giáo khoa nặng.
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) |
"Các em học ít nhưng học thế nào để học hiểu chứ học thuộc lòng nhiều quá đâu có tốt. Các em học sinh bây giờ không hạnh phúc vì bắt tất cả các em đều giỏi. Trong khi đó, có em giỏi văn, có em giỏi toán, năng khiếu. Bố mẹ, thầy cô, nhà trường yêu cầu cao quá đối với học sinh phổ thông là điều vô lý" - Đại biểu chia sẻ.
Trong khi đó, đại biểuNguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) lo ngại về vấn đề biên soạn sách giáo khoa. “Trong dự thảo Luật, vai trò quản lý nhà nước chưa thể hiện. Việc ổn định trong công tác giảng dạy rất khó đảm bảo vì không được quy định rõ trong Luật. Nếu có chuyện vụ lợi thì không kiểm soát được”- ông Sinh băn khoăn.
Đại biểu nêu quan điểm cụ thể - sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại, dù có nhiều ưu điểm tích cực nhưng phải có quyết định rõ ràng về việc có đi theo hướng này không, sau đó phải có quy trình chuẩn, xác định ai được quyền quyết định triển khai việc giảng dạy theo sách công nghệ giáo dục chứ không thể để cho hiệu trưởng mỗi trường tự quyết.
“Qua chuyện sách vuông vuông, tròn tròn này thì thấy chỉ việc sử dụng sách giáo khoa đã tranh cãi phức tạp như vậy rồi. Ngành Giáo dục cần chú ý quan tâm tới ý kiến của phụ huynh, không phải là thích dạy con nhà người ta cái gì cũng được, nếu không sẽ xảy ra những bất ổn về xã hội” - đại biểu nêu.
ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng khuyến cáo cẩn trọng với việc biên soạn sách giáo khoa và việc có nhiều bộ sách giáo khoa dễ dẫn đến tùy tiện trong chọn lựa sách, gây thừa thiếu cục bộ, có nơi thừa sách giáo khoa môn này, có nơi thiếu sách giáo khoa môn khác.
“Tại Đồng Tháp vừa qua bị thiếu sách toán và tiếng Việt của lớp 1, lớp 10. Các phụ huynh lên tận TP Hồ Chí Minh, qua Hậu Giang, Cần Thơ, lên An Giang, Vĩnh Long tìm không có. Vì đến lúc khai giảng, nhà trường mới thông báo cho học sinh, phụ huynh biết là học theo chương trình này, sách giáo khoa này, lúc đó ra thị trường mua không có nữa” - đại biểu phản ánh và lưu ý nếu thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa thì phải có quy định chặt chẽ.
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ dành cả ngày 15-11 tới để các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sẽ giải trình ý kiến các đại biểu nêu.