Cần hiểu đúng về một sự kiện lịch sử của nhiếp ảnh Việt Nam

Trần Đương| 29/03/2018 09:18

Vừa qua, tại các buổi lễ kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam do Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội và Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (tổ chức vào các ngày 14/3/2018 và 17/3/2018), những người đọc diễn văn và những người dẫn chương trình đều nói: “65 năm trước, ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 147/SL thành lập doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam…”. Không chỉ nói trong các buổi lễ kỷ niệm,

Cần hiểu đúng về một sự kiện lịch sử  của nhiếp ảnh Việt Nam
Bác Hồ với các nghệ sĩ nhiếp ảnh (ảnh tư liệu)
Chúng tôi thấy cần thiết phải đính chính ngay thông tin này, vì đó là một sự kiện lịch sử không chỉ của ngành nhiếp ảnh mà cả ngành điện ảnh nước ta. Đồi Cọ không phải là nơi Bác Hồ ký sắc lệnh số 147 mà là nơi những người công tác điện ảnh và nhiếp ảnh lần đầu tiên đón nhận sắc lệnh này. Cuốn “Sơ thảo lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam” do Nxb Văn hóa - Thông tin (ấn hành năm 1993) ở trang 48 có viết: “Tin vui thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh do Bác Hồ ký lan truyền trong vùng tự do và các chiến khu trong cả nước, nhất là đến anh chị em điện, nhiếp ảnh đóng ở Đồi Cọ, Thái Nguyên”.
Xem “Biên niên tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh” do Nxb Sự thật, nay là Nxb Chính trị quốc gia ấn hành cũng như các tài liệu chính thống khác, không hề có chi tiết Bác Hồ đã đến Đồi Cọ, mà vào thời điểm Bác Hồ ký sắc lệnh 147, Người ở An toàn khu (ATK) cách Đồi Cọ khoảng 5km. Sau khi ký xong văn bản lịch sử này, Người đã ủy nhiệm nhà thơ Tố Hữu, lúc đó là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Giám đốc Nha Tuyên truyền - Văn nghệ đến Đồi Cọ để công bố trước đông đảo các cán bộ ngành điện và nhiếp ảnh. Nhưng, vì có việc đột xuất, không thể đi được, nhà thơ Tố Hữu đã cử nhà báo Đào Tùng, lúc đó là Chánh Văn phòng Nha Tuyên truyền - Văn nghệ thay mặt ông làm nhiệm vụ quan trọng đó. Nghệ sĩ ưu tú Vũ Phạm Từ kể lại: Tối hôm đó, mọi người tập trung tại hội trường để mít tinh chào mừng sắc lệnh. Nghe đọc xong nội dung sắc lệnh, tất cả vỗ tay rào rào. Họ hiểu rằng, từ nay hai ngành nghệ thuật non trẻ của Việt Nam đã chính thức được khai sinh. Sắc lệnh do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký như một làn gió mới mang đến cho mọi người niềm tự hào và trách nhiệm lớn lao.

Để thế hệ trẻ hôm nay hình dung rõ hơn về địa danh Đồi Cọ, xin được giới thiệu thêm vài nét sau đây: Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiếp ảnh và điện ảnh là một đơn vị chung, có thể nói như “anh em sinh đôi” hay là “những đứa con một nhà”. Trước khi về Đồi Cọ, gia đình nhiếp ảnh - điện ảnh Việt Nam (hồi đó gọi là phòng 5) ở thôn Cận, gần bến đò Bình Ca (Tuyên Quang). Cuối năm 1952, khi nhà điện ảnh Phạm Văn Khoa được cử về tham gia ban phụ trách, ông nhận thấy địa điểm này gần đường giao thông, máy bay địch thường đến rà sát, không đảm bảo bí mật và an toàn. Vậy là phòng 5 được chuyển về Đồi Cọ, thuộc Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Ngày ấy, đây là một khu đồi đầy cọ, xen lẫn những cây to, vừa tiện cho giữ gìn bí mật, lại dễ dàng liên lạc với các hướng. Như đã nói, từ đây đến trung tâm An toàn khu (ATK) chỉ cách 5 km, sang núi Hồng 4km, lại có thể vượt chợ Chu, vượt Đại Từ hoặc vượt đèo De, sang Tân Trào…

Trong hồi ức “Tin vui về Đồi Cọ”, kể lại việc đón nhận sắc lệnh của Bác Hồ, ông Trần Tình, một nhà nhiếp ảnh nổi tiếng thời kháng chiến cho biết: ông và hai người nữa tên là Nhung và Hải Bằng là những người đầu tiên đến Bản Bắc để “khai phá”, rồi lấy dân công địa phương chuyển hàng chục tấn máy móc từ thôn Cận lên. Công việc thật vất vả vì phải chuyển về đêm để tránh máy bay và tai mắt địch. Đường vận chuyển vượt qua đèo Khế khá cao từ Tuyên Quang sang Thái Nguyên.

Sau khi sửa sang xong, cơ quan điện - nhiếp ảnh phát triển nhanh chóng. Nhiều máy chiếu, máy nổ các nước bạn gửi sang viện trợ. Chẳng bao lâu sau, tại Đồi Cọ - Bản Bắc đã có trên 200 thợ máy nổ, máy chiếu phim, thuyết minh phim, chụp ảnh… được đào tạo cấp tốc để tỏa về các phương trời của Tổ quốc, phục vụ sản xuất và chiến đấu. Đồi Cọ đã được nhiều nhà điện ảnh và nhiếp ảnh tiêu biểu thuộc thế hệ trước nhắc đến với những kỷ niệm sâu sắc như những huyền thoại trong các hồi ức của mình như: Vũ Năng An, Nguyễn Hồng Nghi, Đinh Đăng Định, Phạm Văn Khoa, Trần Tình, Vũ Phạm Từ, Nguyễn Đăng Bảy, Phan Nghiêm, Nguyễn Thụ… 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cần hiểu đúng về một sự kiện lịch sử của nhiếp ảnh Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO