Cùng nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 110 năm, năm sinh của danh họa Nguyễn Gia Trí, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức trưng bày chuyên đề “Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí” tại Hà Nội. Triển lãm góp thêm lời khẳng định những đóng góp của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong lịch sử phát triển của mỹ thuật nước nhà.
Thứ trưởng Bộ VH TT&DL Vương Duy Biên đến dự triển lãm. Ảnh: ĐT
Sự “hấp dẫn” của triển lãm lần này không chỉ bởi chủ nhân của tác phẩm được giới thiệu là một danh họa nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam mà còn bởi đây là lần đầu tiên một bộ sưu tập quý của ông được bảo tàng giới thiệu tới công chúng. Cũng bởi vậy mà ngay từ ngày đầu khai mạc triển lãm đã có nhiều thế hệ họa sĩ, công chúng yêu hội họa đến với triển lãm. “Những phác thảo tranh của họa sĩ Nguyễn Gia Trí” giới thiệu 40 tư liệu phác thảo tranh của họa sĩ thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Đây là những tư liệu quan trọng trong quá trình sáng tác của họa sĩ thể hiện nhãn quan của tác giả khi ghi chép, chọn lọc những vẻ đẹp của thế giới xung quanh. Các phác thảo có kích thước khác nhau. Phác thảo nhỏ nhất có kích thước 15cm x 11cm, phác thảo lớn nhất có kích thước 67cm x 106cm và được thể hiện bằng nhiều chất liệu đa dạng như bút bi, bút dạ, sơn dầu, màu nước, chì than, màu nước… trên giấy với các tiểu đề cũng hết sức đa dạng từ phong cảnh, nhân vật, chi tiết trang trí đến các đề tài lịch sử.
Bên cạnh những phác thảo, tại triển lãm công chúng yêu hội họa còn có cơ hội thưởng lãm nhiều ký họa của họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Nào ký họa chân dung và bàn tay, cô gái mặc áo dài, cô gái chơi đàn tì bà, thiếu nữ và hoa lá; nào ký họa dáng nữ ngồi, dáng nữ đứng, thiếu nữ ngồi xõa tóc, áo phụ nữ, ký họa dáng nude; rồi cả ký họa thuyền, ký họa phong cảnh, ký họa cây chuối, ký họa sen, lá sen… Những ký họa, phác thảo này chính là những “mảnh ghép” cho không ít những tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí trong đó không thể không nhắc tới hai tác phẩm đã trở thành “bảo vật quốc gia”. Đó là bức “Vườn xuân Trung Nam Bắc” và bình phong “Thiếu nữ trong vườn – Phong cảnh”.
Có thể thấy, mỗi một tư liệu, phác thảo được giới thiệu với công chúng tại triển lãm này như một minh chứng cho sự khổ luyện và cả niềm đam mê của họa sĩ. Những nét vẽ, những mảng màu không chỉ thể hiện được tài năng và kỹ thuật điêu luyện của họa sĩ Nguyễn Gia Trí mà còn cho thấy những cảm xúc dạt dào nhưng cũng đầy bí ẩn của hình, của sắc qua bàn tay và khối óc của người nghệ sĩ. Có những phác thảo rất giản đơn, chỉ một vài nét có thể phác họa lên hình ảnh một cô gái, một người phụ nữ với nhiều động tác khác nhau nhưng cũng có những phác thảo được họa sĩ thể hiện tỉ mỉ, cẩn trọng có thể đứng riêng như một tác phẩm như những phác thảo thể hiện đề tài phong cảnh – nhân vật.
Ông Trịnh Xuân Yên – Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (đơn vị phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức triển lãm này) cho biết cuộc triển lãm chuyên đề này đã được chuẩn bị từ khá lâu nhưng mãi đến nay mới đến được với công chúng. “Đây là một cuộc triển lãm lớn nhằm khẳng định những đóng góp của họa sĩ Nguyễn Gia Trí như một hiện tượng quan trọng đối với lịch sử phát triển mỹ thuật nước nhà”. Còn TS. Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thì chia sẻ: “Triển lãm được khai mạc đúng dịp kỷ niệm 52 năm thành lập Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là công tác trao đổi trưng bày.”