Bộ Luật lao động (sửa đổi): Phải đem lại lợi ích tốt hơn cho người lao động

Văn Duẩn/NLĐ| 14/06/2019 10:20

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị việc tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn

Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự án Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và nhiều chuyên gia lao động đã tham dự.

Tăng giờ làm thêm: Cần tính toán kỹ

Bà Bùi Thị Thỏa, Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết tổ chức Công đoàn (CĐ) đã tổ chức nhiều cuộc khảo sát, gặp gỡ trực tiếp người lao động (NLĐ), tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến NLĐ và cán bộ CĐ. Nguyện vọng của tất cả NLĐ là việc sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Lao động lần này phải mang lại lợi ích tốt hơn cho NLĐ, đồng thời hướng tới bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, qua thu thập ý kiến, phần lớn NLĐ không mong muốn mà đề xuất cần tập trung các giải pháp để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho NLĐ. Đại diện tổ chức CĐ cho rằng việc xem xét tăng thời giờ làm thêm phải đặt trong mối quan hệ với các yếu tố khác như việc làm, thất nghiệp, sức khỏe của NLĐ, môi trường làm việc, an toàn lao động, tổng số giờ làm chính thức, các vấn đề về xã hội… và cả xu hướng tiến bộ của thế giới hiện nay là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi. Thực tế cho thấy tăng thời giờ làm thêm tỉ lệ thuận với lợi ích người sử dụng lao động thu được; còn NLĐ làm ngoài giờ tuy có tăng thu nhập nhưng phải đối diện với nhiều chi phí phát sinh và nguy cơ tai nạn lao động.

BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (sửa đổi): Phải đem lại lợi ích tốt hơn cho người lao động - Ảnh 1.

Trong quá trình xây dựng luật cần phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người lao động Ảnh: AN KHÁNH

Từ những lý do trên, bà Thỏa cho biết tổ chức CĐ chỉ đồng ý xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như trong dự thảo khi việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ được tính theo lũy tiến theo giờ. "Việc quy định chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ theo lũy tiến như trên nhằm bảo đảm quyền lợi cho NLĐ, đồng thời góp phần khắc phục tình trạng doanh nghiệp (DN) không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực mà huy động làm thêm giờ" - bà Thỏa bày tỏ, đồng thời khẳng định về phương án "việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ ở mức lương cao hơn" thì "do hai bên thỏa thuận" là không khả thi, bởi trong quan hệ lao động, NLĐ luôn ở thế yếu hơn, đặt trong bối cảnh mất cân đối nghiêm trọng về cung cầu lao động. Thực tế, nếu NLĐ không chấp hành yêu cầu của DN, NLĐ sẽ đối diện với việc chấm dứt hợp đồng làm việc, bị khấu trừ các khoản phụ cấp, chuyên cần.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ pháp luật Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng dự thảo có nhiều quy định liên quan đến việc bảo đảm quyền lợi của NLĐ nhưng không có tính khả thi, do chưa tính đến yếu tố bất bình đẳng và chịu chi phối trong quan hệ lao động giữa một bên là người sử dụng lao động (thường ở thế mạnh) và một bên là NLĐ (thường ở thế yếu) nên đã thể hiện theo hướng cho hai bên tự thỏa thuận. Do đó, ông Minh đề nghị rà lại tất cả quy định mang yếu tố thỏa thuận giữa hai bên. Những quy định nào cần thiết phải quy định là quyền, quyền lợi của NLĐ bắt buộc phải bảo vệ thì cần quy định lại rõ theo hướng là quyền của NLĐ và trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động.

Bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó Ban Chính sách - pháp luật Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đề xuất việc tăng giờ làm thêm cần tính toán kỹ tác động đối với NLĐ, nhất là lao động nữ, lao động ở những ngành nghề nặng nhọc, vì họ cần thời gian để tái tạo sức lao động, nghỉ ngơi, chăm lo gia đình. Luật cần quy định rõ những ngành nghề được làm thêm giờ cũng như cách tính lũy tiến tiền làm thêm giờ để bảo đảm quyền lợi NLĐ khi làm thêm.

Công nhân trực tiếp không muốn tăng tuổi hưu

Nhất trí với phương án tăng tuổi nghỉ hưu song ông Phạm Hữu Nghị, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ pháp luật, đề xuất cơ quan soạn thảo cần tính toán để thiết kế những điều khoản quy định phù hợp với tính chất từng ngành nghề lao động, từng lĩnh vực, nhất là những khu vực lao động nặng nhọc, khó khăn.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng những lao động làm việc ở các ngành dệt may, da giày không thể nào tăng tuổi nghỉ hưu và "dù có quy định trong luật cũng không thể thực thi được". Theo quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua thu thập ý kiến NLĐ, phần lớn NLĐ, đặc biệt là những lao động trực tiếp, chưa đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu ở thời điểm hiện nay. Do đó, quy định tuổi nghỉ hưu phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải tính toán đến nhu cầu có việc làm của lực lượng lao động trẻ trong bối cảnh nước ta giảm biên chế và nguyện vọng của một bộ phận NLĐ lớn tuổi không còn muốn tiếp tục làm việc. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật. Đối với những đối tượng này, phải đánh giá tác động và tiếp tục lắng nghe ý kiến trực tiếp từ họ. Đối với NLĐ bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn từ 7 - 10 năm so với quy định. Cần hết sức cân nhắc khi xem xét vấn đề này để tránh những phản ứng chính sách từ NLĐ như đã từng xảy ra trong thực tế.

Pháp luật là ý chí của nhân dân. Pháp luật lao động phải mang tiếng nói của NLĐ. Do đó, việc lắng nghe, tiếp thu tối đa các ý kiến của NLĐ là cực kỳ cần thiết, để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tìm kiếm kịch bản điện ảnh kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng
    Hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2030), Cục Điện ảnh triển khai chương trình đầu tư chiều sâu nhằm tạo nguồn kịch bản phim truyện điện ảnh.
  • Khám phá hành trình nghệ thuật của họa sĩ Huỳnh Phương Đông
    Sáng ngày 11/4/2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sẽ diễn ra lễ khai mạc triển lãm chuyên đề “Hành trình Huỳnh Phương Đông”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam và gia đình họa sĩ tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025) và 100 năm ngày sinh chiến sĩ - họa sĩ Huỳnh Phương Đông (22/4/1925 – 22/4/2025), .
  • Đặc sắc phim tài liệu “Vượt sóng: Câu chuyện về thành phố 50 năm mùa hoa nở”
    Chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt, giới thiệu đến khán giả series phim tài liệu “Vượt sóng: Câu chuyện về thành phố 50 năm mùa hoa nở”.
  • [Podcast] Chùa Non Nước – Nơi hội tụ giá trị tâm linh, lịch sử của Thủ đô Hà Nội
    Hà Nội không chỉ nổi tiếng với những công trình cổ kính nơi phố thị mà còn ẩn chứa những ngôi chùa linh thiêng giữa núi rừng xanh ngát. Một trong những ngôi chùa mang đậm dấu ấn tâm linh, gắn liền với truyền thuyết Thánh Gióng và lịch sử dân tộc chính là Chùa Non Nước – một danh thắng tọa lạc trên núi Sóc, huyện Sóc Sơn. Chùa Non Nước được hình thành từ thời Đinh, sư trụ trì chùa đầu tiên là Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu (933 - 1011) - hậu duệ của Ngô Quyền và là vị Quốc sư được triều đình nhà Đinh, Tiền Lê và Hậu Lý kính trọng.
  • Hai bệnh viện lớn nhất Việt Nam ký kết hợp tác y tế giai đoạn 2025 - 2030
    Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Bạch Mai ký kết hợp tác hướng đến nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân và phát triển vươn tầm khu vực, quốc tế.
Đừng bỏ lỡ
Bộ Luật lao động (sửa đổi): Phải đem lại lợi ích tốt hơn cho người lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO