Bộ đội Việt Nam 'phủ xanh' đất cằn ở Nam Sudan

Theo VnExpress| 13/08/2019 14:31

Các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam biến những khoảnh đất khô cằn thành vườn rau, luống hoa khiến nhân viên phái bộ Liên Hợp Quốc bất ngờ.

Bentiu (Nam Sudan) là vùng đất khô khốc, luôn trong tình trạng thiếu nước và chỉ có những cây bụi gai không lá, cỏ dại sống được.

Thời tiết nắng nóng như thiêu đốt, nhiệt độ ngoài trời từ 45 đến 50 độ C khiến khu vực đóng quân của Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc (UNMISS) ở đây lúc nào cũng bức bối. Nhưng ở đây, khu doanh trại bệnh viện dã chiến cấp 2 (số 1) của Việt Nam nổi lên như một công viên xanh mướt với cây cỏ, hoa lá, rau xanh.

Các phòng container của doanh trại được nối với nhau bởi những giàn mướp trĩu quả. Trước cửa phòng là hoa hướng dương, thược dược... đua nhau khoe sắc; giàn mồng tơi leo kín tường tạo thành thảm xanh mát mắt.

Cây mướp đầu tiên được bác sĩ Bùi Đức Thành đào hố, nhờ người lấy đất tốt bên ngoài doanh trại đem về trồng. Ảnh: BVDC

Cây mướp đầu tiên được bác sĩ Bùi Đức Thành đào hố, nhờ người lấy đất tốt bên ngoài doanh trại đem về trồng. Ảnh: BVDC

Để có được công viên xanh ấy, các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam đã phải trải qua những ngày tháng gian nan của buổi đầu mới đặt chân lên vùng đất này.

Giám đốc bệnh viện dã chiến Bùi Đức Thành kể, năm 2018, khi 64 người của bệnh viện xuất quân đi làm nhiệm vụ, hành trang của họ đều có các túi hạt giống mang theo để trồng. Đây là kinh nghiệm được truyền lại từ những sĩ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc ở châu Phi, do thực phẩm của Liên Hợp Quốc cung cấp chỉ toàn đồ hộp và hàng đông lạnh. 

"Ngày đầu tiên đến Bentiu, sự mệt mỏi của chuyến hành quân xa cùng với thời tiết nắng nóng, đất đai đất khô khốc khiến tâm trạng của cán bộ, nhân viên bệnh viện bị ảnh hưởng đáng kể", trung tá Thành kể.

Bác sĩ Bùi Đức Thành thu hoạch mướp, xung quanh nhà ở, nhiều loài hoa khoe sắc. Ảnh: BVDC

Bác sĩ Bùi Đức Thành thu hoạch mướp, xung quanh nhà ở, nhiều loài hoa khoe sắc. Ảnh: BVDC

Là người đứng đầu, anh Thành xốc lại tinh thần các thành viên bằng câu nói "không có việc gì khó". Sau khi nghiên cứu kỹ khí hậu, đất đai ở Bentiu, trung tá Thành quyết định gieo hạt mướp vì đây là loại cây phù hợp nhất, khả năng sống sót cao và trong trường hợp nếu không thể ra hoa kết trái thì giàn mướp cũng sẽ cho bóng mát, giảm nhiệt độ ngoài trời.

Tuy nhiên, doanh trại đóng trên mảnh đất khô cằn, thiếu dinh dưỡng nên không thể gieo hạt. Bằng kinh nghiệm của con nhà nông, anh Thành thử nghiệm ngâm 7 hạt mướp vào nước ấm, sau 4 tiếng vớt ra ủ vào giấy vệ sinh đặt trong chiếc cốc mang theo. Mỗi ngày anh lại tưới một ít nước để giữ ẩm.

Sau ba ngày hồi hộp, trung tá Thành không khỏi vui mừng khi những mầm trắng đầu tiên nhú ra rồi nảy mầm, mọc rễ. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn vì "lấy đất ở đâu để trồng?". Anh nghĩ ra sáng kiến cùng chiến sĩ hậu cần đào hố, sau đó nhờ sĩ quan ở các đơn vị bộ binh được phép ra ngoài doanh trại đi tuần tra, lấy giúp đất tơi, mỗi ngày một túi nhỏ đổ vào hố.

"Cứ như vậy dần dần hố cũng đầy đất. Sau giờ làm, tôi lại chăm lo, tưới tắm, che nắng che mưa cho cây, bảo vệ cây khỏi côn trùng, châu chấu, chăm ẵm như em bé", anh Thành nói. Từ 2 lá, 4 lá, cây cứ bò lên cao dần, rồi ra hoa kết trái như thách thức với nắng nóng sa mạc Châu Phi.

Từ cây đầu tiên, các sĩ quan mũ nồi xanh Việt Nam được truyền cảm hứng và sau đó nhiều giàn mướp đã mọc lên quanh doanh trại. Các loại rau khác như mồng tơi, rau đay, rau muống cũng dần mọc lên với sự cần cù của những y, bác sĩ sau giờ làm ở bệnh viện.

Bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã phủ xanh khoảng 200m2 đất cằn cỗi ở khu vực doanh trại, cung cấp rau ăn hàng ngày và tặng các đơn vị bạn. Ảnh: BVDC

Bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã phủ xanh khoảng 200 m2 đất cằn cỗi ở khu vực doanh trại, cung cấp rau ăn hàng ngày và tặng các đơn vị bạn. Ảnh:  BVDC

Phụ trách phòng tác chiến, thiếu uý Sa Minh Ngọc thường kết thúc công việc hàng ngày của mình khi mặt trời đã xuống núi. Để giải toả căng thẳng và áp lực, Ngọc hỗ trợ chiến sĩ khối hậu cần rồng hoa quanh bệnh viện, làm đẹp cho cảnh quan đơn vị. Nữ sĩ quan này cho hay, bên cạnh hướng dương, cúc, thược dược, loài hoa được trồng nhiều nhất là hoa mười giờ vì dễ sống, mạnh mẽ, lớn nhanh và nở nhiều hoa.

"Trồng hoa vào đỉnh điểm của mùa khô, nắng nóng và thiếu nước nên các anh hậu cần phải xếp hàng lấy nước bên ngoài đơn vị cả ngày để có nước chăm vườn rau, hoa quanh bệnh viện", thiếu úy Ngọc chia sẻ.

Thời gian tăng gia, trồng rau, hoa cũng giúp điều dưỡng, thiếu tá Bùi Thị Xoa vơi bới nỗi nhớ nhà. "Sau những ca trực mệt mỏi, nắng nóng, khi về đến doanh trại thấy rau xanh, hoa nở, cảm giác thư giãn hơn nhiều", chị Xoa nói.

Bắt đầu cải tạo những mét đất đầu tiên, đến nay, bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã có 200 m2 đất được phủ xanh bằng những vườn rau, giàn mướp, giàn bầu... cung cấp rau xanh cho toàn đơn vị. Thậm chí, các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam còn có rau, củ quả để tặng cho các đơn vị bạn như Mông Cổ, Anh, Ghana và các cán bộ, nhân viên Liên Hợp Quốc.

Theo Giám đốc bệnh viện Bùi Đức Thành, mô hình tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lan rộng cho toàn UNMISS. Hiện nay, bệnh viện dã chiến không chỉ trồng rau cho đơn vị mà còn cử người sang hướng dẫn, cung cấp hạt giống cho các đơn vị nước khác ở phái bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Công bố khẩn cấp tình trạng sạt lở đê hữu Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ
    Ngày 22/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6068/QĐ-UBND về việc công bố tình huống khẩn cấp các sạt lở trên các tuyến đê hữu Bùi, Bùi 2, Gò Khoăm, sạt lở bờ sông Bùi trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
  • Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại Hà Nội với 7 môn thi sẽ diễn ra vào tháng 1/2025
    Theo kế hoạch, kỳ thi chọn học sinh giỏi thành phố Hà Nội sẽ được tổ chức vào ngày 18/01/2025; với 7 môn thi mỗi môn có thời gian làm bài 150 phút.
Đừng bỏ lỡ
Bộ đội Việt Nam 'phủ xanh' đất cằn ở Nam Sudan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO