Hoạt động giao lưu văn học nghệ thuật của văn nghệ sĩ Thủ đô với các văn nghệ sĩ 5 vùng đất kinh đô xưa. Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội tập hợp trên 4000 hội viên của 9 hội chuyên ngành: Văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, múa, kiến trúc, văn nghệ dân gian, điện ảnh và nhiếp ảnh. Hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức gắn với nhiều sự kiện trọng đại như 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2020), 75 năm thành lập nước (1945 - 2020), 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày thành lập Đảng bộ Thành phố, 65 năm giải phóng Thủ đô (1954 - 2019), Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII Thành phố Hà Nội… và cũng là những năm bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19 (2020 - 2022). Dẫu vậy, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp - một tập thể gắn bó vì trách nhiệm chung của Hội - đảm bảo mọi hoạt động hội xuyên suốt trong nhiệm kỳ, ra các quyết định kịp thời đối với các nhiệm vụ chính trị - xã hội của Hội cũng như các quyết định phục vụ chuyên môn - nghiệp vụ của Hội. Ban Chấp hành luôn theo sát các nhiệm vụ trọng tâm của Thành phố, thực hiện đúng các chủ trương nghị quyết của Đảng và các quyết định, chỉ thị của UBND TP. Hà Nội.
Các chủ tịch trong Ban Chấp hành Hội Liên hiệp cùng Ban Chấp hành 9 Hội chuyên ngành đã phát huy nhiều sáng kiến để mở rộng các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, mở ra nhiều cuộc hội thảo có ích, nỗ lực rất lớn trong việc định hướng và bồi dưỡng, tổ chức sáng tác cho hội viên. Cụ thể: Hội Liên hiệp và các hội chuyên ngành đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm chuyên đề; phân tích các khuynh hướng mới trong văn học - nghệ thuật, đưa công tác lý luận phê bình văn học nghệ thuật trở thành trọng tâm đáng chú ý. Các giải thưởng văn học nghệ thuật của Hội như Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô, Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội, Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô, Giải thưởng Kiến trúc Hà Nội … giữ được uy tín khá cao. Việc biểu dương và tôn vinh các tác giả được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú… đều được quan tâm. Đáng chú ý, một số hội chuyên ngành như Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Nhà văn… có nhiều hình thức tôn vinh hội viên cao tuổi, có nhiều thành tựu với việc nghiên cứu, sáng tạo các công trình văn hóa - văn nghệ Thủ đô.
Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội được UBND TP. Hà Nội tặng Cờ đơn vị xuất sắc phong trào thi đua năm 2020.
Các cuộc trao đổi chuyên môn, giao lưu với các hội kết nghĩa (Hà Nội - Huế - Sài Gòn và 5 vùng đất kinh đô xưa: Hà Nội, Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế); các trại sáng tác có quy mô rộng rãi được mở chung với các hội bạn ở các tỉnh miền núi hoặc ven biển, các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc, Tây Nguyên… đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Nhiều cuộc trao đổi, những góc nhìn thấu đáo và cách đánh giá tổng hợp, khai thác khá sâu trên lý luận, đối chiếu sinh động với thực tiễn đã đóng góp cho việc nâng cao trình độ sáng tác của hội viên. Các biện pháp tổ chức đầu tư, bảo trợ, tài trợ cũng như vận dụng thế mạnh của chế độ đầu tư “đặt hàng”, ký hợp đồng mua sản phẩm đối với những công trình và tác phẩm xuất sắc, đã được vận dụng hiệu quả. Việc đầu tư sáng tác chủ yếu là mở các trại sáng tác cho 9 hội chuyên ngành được đẩy mạnh, thu hút đông đảo hội viên. Các chuyến đi thực tế của các hội ngày càng đa dạng, huy động nguồn lực xã hội hóa, tạo ra “sân chơi” bổ ích.
Mấy năm gần đây, việc liên kết giữa Hội Liên hiệp với các cơ quan thành phố trong việc tổ chức các hoạt động chung đã tạo ra nhiều khởi sắc, như đợt phát động sáng tác chung giữa Hội Liên hiệp, Sở Văn hóa - Thể thao và Ban Tuyên giáo về đề tài “Học tập tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, “Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội”… Hoặc việc phối kết hợp giữa Hội Nhiếp ảnh với Công an Thành phố tổ chức sáng tác và mở cuộc thi ảnh “Vì nhân dân phục vụ, vì Thủ đô bình yên”. Nhất là, Tạp chí Người Hà Nội đã phối hợp với Công an Thành phố tổ chức thành công Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật về lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ năm 2021; phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội và một số hội chuyên ngành tổ chức thành công chương trình nghệ thuật “Hào khí Thăng Long” kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020), chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội nhiệm kỳ XVII…
“Với vị trí của một hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp có quy mô hoạt động khá lớn và khá đa dạng, Hội Liên hiệp luôn giữ vững tính định hướng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, vươn tới các giá trị nhân văn chân chính trong hoạt động sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn xây dựng Thủ đô đang lớn mạnh và đổi mới từng ngày. Nhiều hội viên của Hội đã được vinh danh là công dân ưu tú Thủ đô, bên cạnh các giải thưởng chuyên môn của các tổ chức trong nước và quốc tế trong sự nghiệp văn học nghệ thuật”, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo NSND Trần Quốc Chiêm, một số cuộc vận động sáng tác về đề tài con người và cuộc sống hiện đại của Thủ đô và các đề tài kỷ niệm lớn của đất nước chưa thu về được những tác phẩm có chất lượng cao như mong đợi. Việc ký hợp đồng theo chế độ “đặt hàng, ký hợp đồng thỏa thuận mua thành phẩm” chưa thành nề nếp và chưa ăn sâu vào ý thức hội viên; chế độ đầu tư còn hạn chế, do đó việc phát huy nội lực của hội viên trong sáng tạo chưa cao. Việc huy động chất xám đóng góp xây dựng thành phố và phản biện xã hội của văn nghệ sĩ chưa tập trung, một phần vì ít được huy động rộng rãi, một phần vì còn tư tưởng tự ti. Một trong những nguyên do cơ bản của những tồn tại đó là cơ chế cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật của Trung ương và Thành phố Hà Nội còn chưa đầy đủ, đồng bộ, gây khó khăn cho hoạt động; cơ chế giải thưởng hằng năm của Hội và 9 hội chuyên ngành, cơ chế Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô 2 năm/lần (giải Thăng Long cũ) còn bất cập; kinh phí cấp cho các hoạt động của Hội Liên hiệp và các hội chuyên ngành còn hạn chế không đủ để tổ chức cuộc vận động dài hơi nhằm nâng tầm văn học nghệ thuật Thủ đô xứng đáng với vị thế trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc “Hào khí Thăng Long” do Tạp chí Người Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội và một số hội chuyên ngành (Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội) tổ chức.
“Từ kết quả hoạt động trong nhiệm kỳ qua, BCH Hội Liên hiệp rút ra được một số bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, trong công tác chỉ đạo, quản lý các hoạt động văn học nghệ thuật của Hội và các hội chuyên ngành phải thực hiện đầy đủ nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch. Thường trực Hội, Ban chấp hành Hội và các hội chuyên ngành phải thực sự đoàn kết, vững vàng, kiên định lập trường tư tưởng, đảm bảo việc thực hiện đường lối văn hóa, văn nghệ của Thành ủy, các chủ trương chính sách của thành phố tới các tổ chức hội và hội viên.
Thứ hai, bằng nhiều biện pháp, hình thức đưa Nghị quyết của Đảng thành những hành động cụ thể, thiết thực trên các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, góp phần nâng cao vốn văn hóa, văn nghệ của Thủ đô, đáp ứng yêu cầu đổi mới, sự nghiệp xây dựng Thành phố sáng tạo theo đúng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố khóa XVII đã đề ra.
Thứ ba, thông qua các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu lý luận phê bình, khẳng định các giá trị văn học, nghệ thuật của thời kỳ Hà Nội hội nhập và phát triển, góp phần tích cực vào việc xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô và đất nước.
Thứ tư, có thái độ kiên định, kiên quyết chống lại âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch để bảo vệ nền độc lập dân chủ, tự chủ của dân tộc, nền văn học, nghệ thuật cách mạng. Phát huy, kế tục những giá trị văn học nghệ thuật của cha ông, góp phần tạo nên những giá trị văn học, nghệ thuật của Thủ đô hơn một nghìn năm tuổi.
Thứ năm, củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức Hội Liên hiệp và các hội chuyên ngành (chỉ đạo, quản lý, tổ chức, cơ sở vật chất...) để lực lượng văn học, nghệ thuật thực sự là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng với nhiệm vụ của Thủ đô”, NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh.