Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm khoa học “Chia sẻ kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội” . Gần 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan của trung ương, TP. Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực khảo cổ học, sử học tham gia tọa đàm đã cùng xới xáo nhiều vấn đề về công tác nghiên cứu các dấu tích kiến trúc tại khu di tích khảo cố học 18 Hoàng Diệu và khu Thành cổ Hà Nội cũn
Những giá trị nổi bật toàn cầu
Hoàng thành Thăng Long là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước ta từ thời Vạn Xuân thế kỷ VI, phủ thành tống Bình, phủ thành An Nam thế kỷ VII-IX, kinh đô của nước Đại Việt qua các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX. Được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào mùa thu năm 2010, di sản này chứa đựng những giá trị nổi bật toàn cầu, không chỉ có giá trị quốc gia mà còn mang tầm vóc nhân loại. Theo TS. Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, khu di tích với lịch sử khoảng 13 thế kỷ không phải đã đi vào quá khứ mà còn hiện diện ở Thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam hiện đại, biểu đạt một quá trình lịch sử văn hóa với những truyền thống, những giá trị liên hệ trực tiếp và đang hiện hữu trong cuộc sống hiện nay. Bên cạnh những di tích còn hiện hữu trên mặt đất như Đoan Môn, thềm rồng Điện Kính Thiên, Hậu Lâu, Cửa Bắc… một số lượng lớn các dấu tích kiến trúc xuất lộ qua khai quật khảo cổ học hiện đang được bảo tồn tại chỗ. Các dấu tích kiến trúc ở các lớp văn hóa xếp lên nhau là chứng cứ để xác định niên đại của khu di tích.
Di sản văn hóa Hoàng thành Thăng Long - điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Ảnh: Văn Phúc
PGS. TS Tống Trung Tín (Hội Khảo cổ học Việt Nam) cho hay, từ năm 2011 đến năm 2017, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã thực hiện khuyến nghị của UNESCO, chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, của Bộ VHTT&DL tiến hành khai quật 5458m2 và bước đầu thu được những kết quả tốt đẹp. Đặc biệt, hàng loạt di tích, di vật mới ở khu vực trung tâm lần đầu được đưa lên khỏi lòng đất, soi sáng thêm giá trị lịch sử văn hóa vô giá của khu di sản. Lần đầu tiên giới nghiên cứu khoa học được biết đến một cách rõ nét, cụ thể, sinh động tầng văn hóa và các lớp di tích chồng xếp lên nhau ở khu vực trục trung tâm.
Thạc sĩ Đỗ Đức Tuệ (Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội) cho rằng, các dấu tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu đã chứng minh rất rõ những thành tựu xây dựng kinh đô thời Trần, giai đoạn đầu nhà Trần đã kế thừa toàn bộ và gần như nguyên vẹn các công trình kiến trúc thời Lý (hệ thống các kiến trúc có cùng mặt bằng với kiến trúc bát giác). Kết quả khai quật gần đây tại khu vực điện Kính Thiên, số 9 Hoàng Diệu đều phát hiện kiến trúc cao cấp của thời Trần nằm chồng lên trên kiến trúc thời Lý và mật độ kiến trúc xây mới rất dày cả phía trước và sau chính điện Kính Thiên. Điều đó chứng tỏ bố cục của Hoàng thành Thăng Long thời Trần có sự đổi mới.
Những yêu cầu cấp thiết
Sau khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (năm 2010), hàng loạt các dự án hợp tác quốc tế về bảo tồn di sản được thực hiện. Hiện nay, công tác bảo tồn nguyên trạng di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu trên mặt đất được thu hẹp về quy mô, trong việc bảo tồn phát huy giá trị 2 khu vực khảo cổ học quan trọng là khu A – B và một phần khu D (D4 – D5 – D6) với diện tích bảo tồn khoảng 17.000m2. Tuy nhiên theo đánh giá của Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội, so với nhiều di sản trong nước và trên thế giới, đây vẫn là diện tích bảo tồn tại chỗ quá “khổng lồ”. Hiện nay các hố khai quật được bảo quản tạm thời dưới mái che và lưới đen vây quanh. Phương pháp bảo quản mở đối với hố khai quật là một lựa chọn, tuy nhiên các biện pháp tiêu thoát nước hay bảo quản chống rêu mốc, muối hóa bằng phương pháp thủ công tại di tích đều mang lại những tác động trở lại không mong muốn, mức độ sa mạc hóa, muối hóa di tích ngày càng tăng. Phương pháp bảo tồn hiện tại được áp dụng tại di tích chỉ mang tính tạm thời và dừng lại ở việc xảy ra hiện tượng đến đâu khắc phục đến đó mà chưa có biện pháp bảo quản lâu dài và mang tính bền vững.
Nhiều di vật đã được tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long.
Bà Anne Lange, Trưởng phái đoàn vùng Wallonie (Bruxelles) tại Việt Nam cho biết, các chuyên gia khảo cổ của Bỉ đã thực hiện 12 chuyến làm việc tại Hoàng thành đồng thời các chuyên gia khảo cổ của Việt Nam cũng sang Bỉ. Hai bên đã có những trao đổi, nghiên cứu về bảo tồn, phát huy giá trị của của di sản này. “Tôi nghĩ những cuộc khảo sát và nghiên cứu phối hợp cần thực hiện ngay tại chỗ, cần sự phối hợp của các đối tác và các ngành nghề khác nhau. Điều đó giúp các chuyên gia hiểu rõ hơn sự vận hành chung của di tích này. Như vậy có thể xác định được yếu tố gây hại cho di tích và qua sự khảo sát đó sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn để đảm bảo cho di tích có môi trường phù hợp” - bà Anne Lange cho biết. Bà Anne Lange cũng đề xuất nên lắp đặt máy đo về thổ nhưỡng, khí hậu bởi theo bà, việc bảo tồn Hoàng thành không thể bỏ qua những yếu tố quan trọng như môi trường, và khảo sát giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự vận hành hiện nay của di tích, xác định yếu tố gây hại để từ đó đưa ra biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn.
Một số nhà khoa học, nhà nghiên cứu cũng nêu ý kiến, trao đổi nhiều vấn đề về công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ với Ủy ban Di sản thế giới về Khu di tích Hoàng thành Thăng Long trong thời gian tới như: Đẩy mạnh nghiên cứu tại khu vực trung tâm, đặc biệt là nghiên cứu so sánh trong nước và các nước khu vực Đông Nam Á, bổ sung tư liệu trong quá trình thực hiện đề án nghiên cứu phương án khôi phục không gian điện Kính Thiên; Bảo tồn di sản không làm thay đổi những yếu tố nguyên gốc của di tích – di vật và đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức, chuyên gia quốc tế và Việt Nam… Những vấn đề về phát huy giá trị di sản, nghiên cứu xây dựng bảo tàng tại chỗ và đưa giáo dục di sản trở thành một trong những mục tiêu ưu tiên trong giai đoạn kế tiếp cũng được một số nhà khoa học đề cập tại tọa đàm lần này.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm cần phải mời thêm các nhà kiến trúc, quy hoạch tham gia trong công tác nghiên cứu thì mới nhận diện rõ tầm vóc của kinh thành xưa. GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng còn quá nhiều câu hỏi cần giải đáp để làm rõ hơn giá trị của khu di sản này như cần tiếp tục thám sát và khảo cứu để làm rõ trục chính ở thời Lý, tìm thêm dấu tích kiến trúc thời Lê sơ - Lê Trung Hưng, dấu tích đường nước lớn… Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đưa ra kiến nghị, công tác đánh giá tác động môi trường là cơ sở khoa học quan trọng để xây dựng phương án bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Công tác bảo tồn di sản khu khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu là một quá trình lâu dài, đòi hỏi tâm huyết không chỉ của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu mà còn là sự chung tay, góp sức của Nhà nước và cộng đồng, các tổ chức trong nước và quốc tế để giữ gìn di sản quý báu của nhân loại.
TS. Trần Việt Anh, Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội nhấn mạnh: “Bảo tồn di sản văn hóa vô giá như Hoàng thành Thăng Long, với vị trí đặc biệt của khu di sản cũng đặt ra yêu cầu cần có phương pháp tiếp cận tổng hợp mang tính chất liên ngành. Trong quá trình lịch sử hàng nghìn năm và hiện tại, khu vực Ba Đình luôn là một quần thể kiến trúc hoàn chỉnh và đồng thời là một bộ phận cấu thành rất quan trọng của cơ cấu không gian đô thị Thăng Long - Hà Nội. Bởi vậy, bảo tồn các dấu tích kiến trúc được giữ gìn trong lòng đất hàng nghìn năm tại khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long là công việc mà chúng ta cần có những hướng đi đúng, có kế hoạch bảo tồn lâu dài và bền vững, phát huy giá trị của di sản và chuyển giao cho các thế hệ nối tiếp”.