Số lượng lao động lớn khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong chi trả tiền bảo hiểm xã hội. Ảnh: Nhật Nam |
Mong muốn được giảm lãi chậm đóng
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, năm 2019, tình hình nợ có dấu hiệu tăng khi hiện nay có 37.000 đơn vị còn nợ với hơn 2.000 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với năm 2018. Nguyên nhân dẫn tới việc không thực hiện được nghĩa vụ đối với người lao động, đều do gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt và giải pháp kịp thời, việc thực hiện công tác bảo hiểm xã hội năm 2019 sẽ khó đạt chỉ tiêu.
Đề cập đến số tiền nợ bảo hiểm xã hội hơn 20 tỷ đồng, ông Đỗ Duy Hưng, Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Cầu 12 cho biết: Việc doanh nghiệp bị nợ thanh toán từ các công trình đã hoàn thành 5 năm, thậm chí 10 năm, đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của doanh nghiệp, dẫn tới tình trạng nợ tiền bảo hiểm xã hội của người lao động. Ông Đỗ Duy Hưng dẫn chứng, trên địa bàn Hà Nội có công trình cầu Vĩnh Tuy khánh thành và đưa vào sử dụng đã hơn 10 năm, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa được thanh toán gần 30 tỷ đồng; rồi cầu Đông Trù đã hoàn thành từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn còn 46 tỷ đồng chưa thanh toán được và một số dự án lớn khác cũng đang nợ doanh nghiệp hàng chục tỷ đồng... Chính vì vậy, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 đề nghị Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét, tạo điều kiện khoanh nợ, không tính lãi chậm đóng để doanh nghiệp ổn định kinh doanh, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Đại diện cho doanh nghiệp có khoản nợ bảo hiểm xã hội lên tới 21 tỷ đồng, ông Lê Văn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH May mặc xuất khẩu VIT Garment lý giải, do đặc thù sản xuất trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, công việc mang tính mùa vụ nên các tháng đầu năm thường ít đơn hàng, nguồn thu hạn chế. Hơn nữa, số lao động sử dụng lại nhiều, nên tiền bảo hiểm xã hội phải đóng cũng rất lớn, khoảng 2 tỷ đồng/tháng. Do vậy, chỉ cần nợ vài tháng, số tiền này đã tăng nhanh, cộng với lãi suất chậm đóng, khiến doanh nghiệp càng gặp khó khăn.
Cũng như hai doanh nghiệp trên, một loạt đơn vị khác đang "mắc nợ" như Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, Công ty cổ phần Truyền hình cáp Hà Nội, Nhà Xuất bản Lao động… đều bày tỏ mong muốn được cơ quan bảo hiểm xã hội và các cơ quan chức năng xem xét được giảm lãi suất chậm đóng, thanh toán từng phần số nợ cũ. Các đơn vị này cam kết sẽ xây dựng lộ trình trả nợ, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Ý thức rõ trách nhiệm với người lao động
Để tìm ra các giải pháp khắc phục, Bảo hiểm xã hội thành phố đã phân tích, phân loại nợ theo loại hình doanh nghiệp, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, thời gian nợ; xác định nguyên nhân, tính chất nợ, để có hình thức, biện pháp đôn đốc thu nợ cụ thể, phù hợp... Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội Nguyễn Đức Hòa số tiền nợ ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh hiện chiếm tỷ trọng lớn (1.384,6 tỷ đồng, chiếm 66,4% tổng số tiền nợ). Đặc biệt, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động có chiều hướng tăng, tính đến ngày 30-4-2019 đã có hơn 7.000 đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động với số tiền nợ bảo hiểm xã hội là 781,1 tỷ đồng. Trong khi đó, việc xử lý nợ bảo hiểm xã hội đối với các doanh nghiệp này lại chưa có quy định, hướng dẫn giải quyết của pháp luật.
Hiện tại, Chính phủ đã có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc xử lý nguồn nợ bảo hiểm xã hội. Trong đó, Quyết định 60/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đã quy định số nợ đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp được bóc tách và không bị tình trạng lãi chồng lãi. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết: Quy định xử lý nợ và mức tính lãi suất đã được nêu rõ tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi và nhiều văn bản liên quan. Do đó, việc giảm lãi suất chậm đóng theo đề nghị của nhiều doanh nghiệp là không thể thực hiện được. Còn về đề xuất khoanh nợ hoặc giảm nợ của doanh nghiệp, theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố, đây là vấn đề vượt thẩm quyền của cơ quan bảo hiểm, ngay cả Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng chưa quy định điều này.
Tại hội nghị đối thoại giữa các doanh nghiệp với Bảo hiểm xã hội Hà Nội mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đã yêu cầu Bảo hiểm xã hội thành phố chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát từng doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch trả nợ năm 2019. Đồng thời, yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội tập hợp những nguyên nhân gây khó khăn, vướng mắc, phản ánh lên các cấp có thẩm quyền để xem xét, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Về phía các doanh nghiệp cần ý thức được rằng, nợ tiền bảo hiểm là nợ của người lao động, chứ không phải nợ cơ quan bảo hiểm xã hội. Do vậy, chủ doanh nghiệp phải quan tâm đến người lao động, nếu không sẽ không giữ được lao động giỏi tay nghề, đồng nghĩa với việc không có sản phẩm tốt, doanh nghiệp khó có thể phát triển bền vững.