Chính sách BHYT, BHXH cần được tuyên truyền sâu rộng đến người dân.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong năm 2017, các cơ quan thông tấn báo chí đã chú trọng đến việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục cố định để tuyên truyền về BHXH, BHYT. Hàng ngày trên sóng của đài phát thanh, đài truyền hình, trên các báo ở Trung ương và địa phương đều có tin, bài, ảnh, phóng sự, tọa đàm… về BHXH, BHYT và BHTN. Hàng tuần, các chuyên mục về BHXH, BHYT, thời lượng từ 10 - 15 phút đều được phát cố định trên sóng truyền hình và các chuyên trang cố định trên nhiều ấn phẩm báo chí.
Nhằm cung cấp thông tin nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT cho phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí, BHXH Việt Nam tổ chức các hội nghị tập huấn trang bị kiến thức về BHXH, BHYT cho hàng trăm phóng viên chuyên trách trong phạm vi cả nước; phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội thảo “Báo chí đồng hành cùng BHXH Việt Nam vì mục tiêu phát triển xã hội bền vững”. BHXH Việt Nam thường xuyên tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về chính sách BHXH, BHYT cho các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí.
Trong năm, BHXH Việt Nam đã tổ chức được 10 hội nghị, trong đó có 1 hội nghị trực tuyến tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, 2 hội nghị trực tuyến tại 63 tỉnh/thành phố. Tại các hội nghị, nhiều nội dung được BHXH Việt Nam cung cấp đầy đủ, kịp thời để các cơ quan báo chí, các phóng viên viết tin, bài, làm phóng sự, xây dựng các chương trình tuyên truyền sát với thực tế. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng cổng thông tin điện tử của ngành. Đây là một trong những kênh thông tin quan trọng, cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ của ngành về BHXH, BHYT, BHTN.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, BHXH ngày càng trở nên quan trọng trong việc góp phần bảo đảm công bằng xã hội và phát triển xã hội một cách bền vững. Thực tế cho thấy, vai trò của BHXH rất to lớn đối với đời sống kinh tế - xã hội, tuy nhiên còn một bộ phận không nhỏ người dân và doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của BHXH dẫn đến tình trạng ý thức tham gia bảo hiểm chưa đầy đủ và thiếu tính tự nguyện cao.
“Trong hệ thống an sinh xã hội, BHXH là trụ cột chính, ngày càng khẳng định vị trí vai trò quan trọng, một công cụ đắc lực của Nhà nước nhằm mục đích chăm lo, bảo vệ và phát triển con người vì sự tiến bộ và công bằng xã hội. Nói cách khác, an sinh xã hội là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển bền vững, đồng thời là vấn đề mang tính cấp bách cho sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia, khu vực. Tuy nhiên, không ít công dân, các tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn gượng ép khi tham gia BHXH, BHYT, bởi họ chưa thực sự hiểu sâu sắc ý nghĩa, vai trò của hai chính sách này. Bởi vậy, đòi hỏi công tác truyền thông về BHXH, BHYT cần phải đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, nhằm đưa các chính sách đi vào cuộc sống; sự chính xác, kịp thời, sắc sảo, thuyết phục, kể cả sự việc sử dụng các thuật ngữ chuyên môn liên quan đến BHXH, BHYT là hết sức cần thiết; cần có thêm những kênh truyền thông chuyên biệt, hiệu quả về BHXH, BHYT cho từng đối tượng khác nhau…” - nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
Để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT đến người dân và doanh nghiệp, bên cạch việc mở rộng các chuyên trang, chuyên mục về BHXH, BHYT, xây dựng và mở rộng các kênh tương tác giữa cơ quan báo chí và công chúng báo chí về lĩnh vực BHXH, BHYT. Nhà báo Hồ Quang Lợi, cũng nhấn mạnh đến một số nội dung chính trong công tác tuyên truyền như: Đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tự nguyện đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; phân tích, chỉ rõ những bất cập, sai sót thường gặp trong tác nghiệp báo chí và tác hại của việc thông tin sai sự thật, thiếu khách quan trong lĩnh vực này…
Tăng cường giám sát thực hiện Luật BHXH, BHYT
Theo Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trước hết thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng góp phần rất quan trọng trong việc tuyên truyền, giám sát, định hướng dư luận chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT thông qua việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác BHXH, BHYT, phát triển, mở rộng đối tượng nhằm đảm bảo quyền về an sinh xã hội của công dân theo quy định của Hiến pháp, đồng thời gắn liền với hiệu quả thực thi các chính sách, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ BHXH, BHYT.
Do đó, cùng với quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này, công tác tuyên truyền, giám sát việc thực thi pháp luật ngày càng được quan tâm và tổ chức thực hiện thường xuyên. Tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, giám sát về BHXH, BHYT được thể hiện ở các khía cạnh chủ yếu sau: Thông qua hoạt động tuyên truyền, giám sát để thúc đẩy quá trình thực thi pháp luật, đưa chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật; Nâng cao nhận thức, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện luật; Phát hiện những bất cập cả trong cơ chế, chính sách và quá trình tổ chức thực thi pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, qua thực tiễn giám sát về BHXH, BHYT, các kiến nghị giám sát luôn nhấn mạnh việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT, BHXH. Do đó, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền sâu rộng, đổi mới mạnh mẽ cách thức và nội dung tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020: “Tăng cường lãnh đạo công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, để cán bộ, Đảng viên và nhân dân thấy rõ vai trò, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Phát hiện và biểu dương kịp thời các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tốt, đồng thời phê phán, xử lý nghiêm vi phạm. Chính quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội và các tổ chức đoàn thể cần chú ý làm tốt công tác vận động nhân dân tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”.
Năm 2018 cùng với việc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, sẽ đặt ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết đã đề ra vào năm 2020. Cùng với đó, việc Hội nghị Trung ương 7, khóa XII vừa thông qua Đề án cải cách tiền lương và chính sách BHXH cũng sẽ đặt ra những nhiệm vụ quan trọng mới, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị, trong đó, ngành BHXH Việt Nam với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ trực tiếp tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT càng cần có những đổi mới, nỗ lực và bứt phá. Công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN vì vậy càng cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới cả về nội dung và phương pháp tổ chức nhằm góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng và mỗi người dân về trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mình trong thực thi chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, hướng tới mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân.