Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội, thanh lịch, văn minh
Chiều 24/3, Hội nghị tọa đàm "Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đã diễn ra với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hoá và đông đảo các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Chương trình do Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội, Hội Nhà báo TP Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp tổ chức nhằm chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội; 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; 40 năm Báo Tuổi trẻ Thủ đô xuất bản số đầu tiên.

Toạ đàm nhằm tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Huy Cường - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, với vị trí, tầm vóc của một Thủ đô nghìn năm văn hiến, trái tim của cả nước, Hà Nội luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó thường xuyên nhấn mạnh vai trò gương mẫu, đi đầu trong phát triển văn hóa, con người.
"Nắm bắt tinh thần chỉ đạo của Thành uỷ, trong thời gian qua, các cơ quan báo chí Hà Nội đã đồng hành cùng Thủ đô để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đồng thời, phát huy vai trò tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng xử văn minh, lối sống đẹp, trách nhiệm công dân, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa Thủ đô.

Nhiều chương trình, chuyên trang, chuyên mục đã được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc xây dựng môi trường sống văn minh, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc truyền thống", Ông Nguyễn Huy Cường, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội cho biết.
Hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã triển khai đồng bộ, nhiều giải pháp, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch, đề án... gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thành ủy Hà Nội hàng năm tổ chức thường niên Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội ban hành 2 Quy tắc ứng xử: “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP. Hà Nội”, qua đó tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng - Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết, trải qua bao thăng trầm lịch sử, người Hà Nội luôn được nhắc đến với những phẩm chất cao đẹp: Thanh lịch, văn minh, nhân hậu, trí tuệ và trách nhiệm. Thời gian qua, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội luôn chỉ đạo sát sao, kịp thời giúp báo chí Thủ đô phát huy tốt vai trò trong việc giữ gìn, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của người Hà Nội.
"Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội, Hội Nhà báo TP Hà Nội cùng sự phối hợp, đồng hành của các cơ quan báo chí trong công tác tuyên truyền về người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Từ đó góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng là trái tim của cả nước”, nhà báo Nguyễn Mạnh Hưng bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Vụ trưởng, Trưởng Ban Nhân dân Điện tử (Báo Nhân dân), cho biết, để xây dựng một nếp sống văn minh cho người dân, nhận diện, phản ánh và lên án là chưa đủ, quan trọng không kém là việc thay đổi nhận thức của người dân, hướng người dân tới một đời sống văn hóa, văn minh và nhân văn hơn.
"Báo chí cần thường xuyên đăng tải những bài viết về gương người tốt, việc tốt, nhân rộng những hành động đẹp trong ứng xử của người dân Thủ đô, từ đó giúp thay đổi hành vi, cách ứng xử trong cộng đồng.
Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện một loạt bài viết trong tiểu mục “Người tốt, việc tốt” thuộc chuyên mục Xã hội. Mỗi bài viết là một câu chuyện đẹp về văn hóa ứng xử mà Báo Nhân dân với chức năng thông tin của mình đã lan tỏa rộng rãi trong xã hội", ông Thanh cho biết.
Trong tham luận gửi tới hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị khẳng định, với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, báo chí đã góp phần rất lớn trong việc định hình và lan tỏa giá trị văn hóa trong xã hội, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người.
Với Báo Kinh tế & Đô thị, việc tuyên truyền về Chương trình số 06-CTr/TU, Chỉ thị số 30-CT/TU của Thành ủy được đặc biệt quan tâm. Trong đó, tận dụng nền tảng số, Báo Kinh tế & Đô thị có nhiều sản phẩm tuyên truyền về thực hiện người Hà Nội thanh lịch, văn minh qua các tác phẩm báo chí đa phương tiện Emagazine, podcast, video clip, phóng sự ảnh...
"Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, vai trò của báo chí càng phải được thể hiện và khẳng định một cách mạnh mẽ bằng việc thể hiện thông tin chính xác, chuẩn mực và có tính định hướng cao, trong đó có vấn đề truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử. Các cơ quan báo chí cần đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động để tạo ra những tác phẩm báo chí đa phương tiện, hấp dẫn, qua đó tăng hiệu quả tuyên truyền về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong bối cảnh mới" - PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh.

Cũng tại chương trình, Nhà báo Tạ Thị Thu Hà - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội cho biết, thời gian qua Ban biên tập đã tập trung xây dựng kế hoạch tuyên truyền, bám sát chương trình, chỉ thị, nghị quyết của thành phố về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Đồng thời tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, tích cực xây dựng các tuyến tin bài, nhằm đề cao giá trị cốt cách của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp ứng xử, trong văn hóa ẩm thực.
Ngay sau khi Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 được ban hành, Ban biên tập tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc, toàn diện về công nghiệp văn hóa; xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Hà Nội dựa trên những bài viết về các giá trị văn hóa đặc sắc, gồm: Các giá trị di sản và giá trị văn hóa tiêu biểu; thông qua đó hình thành hệ thống các điểm đến, sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng của Hà Nội, điểm du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, làng nghề, làng cổ, phố cổ…
Qua công tác tuyên truyền về văn hóa đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử nghìn năm văn hiến, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo; làm giàu đời sống văn hóa, tinh thần cho người Hà Nội; bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu Hà Nội, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, gương mẫu về đạo đức, lối sống, khát vọng đổi mới sáng tạo, ý chí vươn lên của mỗi người dân Thủ đô; giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng ứng xử văn minh đến các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền trên tạp chí in và tạp chí điện tử, Người Hà Nội cũng là cầu nối, nơi khuyến khích sáng tác văn học, nghệ thuật về Hà Nội, góp phần lưu giữ những câu chuyện, ký ức đẹp về Thủ đô.
Thông qua các cuộc thi viết, thi sáng tác thơ ca, truyện ngắn, bút ký, phóng sự, nhiếp ảnh, ca khúc, kịch ngắn… về Hà Nội do tạp chí tổ chức trong những năm qua đã thu hút sự tham gia của đông đảo của các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và công chúng yêu Hà Nội, không chỉ rộng khắp mọi miền tổ quốc mà còn có nhiều tác giả ở nước ngoài cũng nhiệt tình tham gia...

Tổng kết tọa đàm, từ những tham luận, thảo luận trong hội nghị, nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội cho biết, 54 tham luận từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các sở, ban, ngành, quận, huyện và các nhà báo của Trung ương, Hà Nội, cùng nhiều ý kiến tham gia trực tiếp giàu trí tuệ, tâm huyết và thiết thực tại tọa đàm đã mở ra những hướng đi cụ thể để báo chí và truyền thông tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò trong việc gìn giữ và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội./.