Bánh khúc lá, ai đã từng ăn?

Minh Huế| 18/04/2022 08:58

Bánh khúc lá, ai đã từng ăn?
Xuân sang, gió bấc vẫn nán níu trải mênh mang trong tấm voan trắng của làn mưa bụi mang theo cái lạnh se se chạm nỗi nhớ nhà của những người con xa quê. Với tôi là nỗi nhớ diết da những ngày ấu thơ đứng trên con đê đầu làng ngắm nhìn cánh đồng mùa xuân mông lung trong sương mờ và mưa phùn, gió lạnh. Những buổi được nghỉ học, tôi cố vòi vĩnh mẹ đồng ý cho theo tụi trẻ ra đồng. Tôi vừa tha thẩn chơi vừa hái những chùm hoa dại dọc các bờ mương và hơn hết là được chạy ào xuống những thửa ruộng đã cày ải nơi rau khúc mọc dày như tấm thảm xanh màu ngọc biếc. 
Dân quê tôi nghèo lắm, quanh năm chỉ biết bám ruộng bám bãi mà sống. Những ngày giáp hạt đói kém, người dân quê tôi luôn biến tấu các loại rau cỏ mà đồng bãi ban tặng mang về làm thành những món ăn, những loại bánh mà tôi tin chỉ người quê tôi mới có. Bánh khúc lá có ai đã từng ăn?
Bánh khúc lá là một trong những món bánh ngon nhất gắn liền với tuổi thơ tôi. Bánh không chỉ mang hồn quê mộc mạc mà còn gieo tình yêu và níu giữ lòng người nếu như ai đã được thưởng thức. 
Sau những ngày mưa xuân vừa dứt, ngày mới bắt đầu với nắng non lừ khừ trong màn voan sương trắng mông lung mỗi bình minh muộn. Không biết tự lúc nào mà rau khúc nếp đã phủ kín các luống cày ải của những thửa ruộng đồng trũng. Rau khúc nếp mọc chi chít, xanh non phấn trắng choán hết cả không gian của cỏ chua me đất, cỏ dừa, cỏ bợ. Mưa phùn ngày xuân như tiếng gọi thầm thôi thúc rau khúc nếp vươn mầm xanh mởn mởn. Lá rau khúc đan xen chen chúc, ngọn rau vươn cao hẳn hơn các loài cỏ khác. Những chùm búp nụ mập mạp chắc nịch ngậm sương đợi ngày nắng mới bung đài hoa nâu phấn trắng. Tôi mê mải nhìn những vạt rau khúc chạy dài theo những luống cày đến nỗi mẹ tôi gọi nhắc mấy lần từ xa tôi mới để ý “con hái đầy rổ thôi nhé”. 
Bánh khúc lá, ai đã từng ăn?
Trên những thửa ruộng quanh đó những bà, những chị, những bạn như tôi cũng đang say sưa hái rau khúc. Gió đồng thổi nhẹ trong nắng non vàng mang hương rau khúc nồng ngái thoảng qua. Nắng lên xua tan sương mù mưa bụi, trời quang hơn, rổ rau khúc tôi hái đầy chặt, tôi lẽo đẽo theo mẹ về mà vẫn ngẩn ngơ quay lại nhìn những vạt rau khúc nếp xanh phấn mênh mang.
Người dân quê tôi làm bánh khúc lá khác với bánh khúc truyền thống. Nếu bánh khúc truyền thống làm bằng bột gạo nếp trộn cùng rau khúc xay giã nhuyễn, nhân thịt đậu xanh và xôi nếp bên ngoài bao bọc thì bánh khúc lá quê tôi lại làm bằng bột gạo tẻ gói lá dong như chiếc bánh tẻ. Có lẽ cũng bởi cái nghèo khó nên họ đã biến tấu ra loại bánh này. Theo thời gian, bánh khúc lá đã trở thành loại bánh đặc sản mang hương vị riêng biệt của quê tôi - vùng đất Đan Phượng, ngoại thành Hà Nội.
Thường thì, nếu muốn làm mẻ bánh khúc lá, từ hai hôm trước mẹ tôi lấy gạo tẻ đem đãi sạch, ngâm bằng nước mưa, thay nước ngày 2 lần vào sáng và chiều. Đến buổi sáng thứ ba, mẹ dậy thật sớm, vớt gạo ngâm đổ vào lòng cối đá và xay. Một tay mẹ kéo cối chạy vòng, một tay lấy gáo dừa múc nước đổ từng chút một vào miệng cối cho bột chảy theo ra máng cối. Tiếng cối ù ù đều đều theo nhịp tay mẹ kéo. Nghe tiếng cối xay trong không gian tĩnh mịch buổi sáng sớm như tiếng đoàn tàu từ xa đang tiến gần về ga, ù ù đều nhịp bánh tàu lăn. Chị gái tôi cũng dậy theo rồi nhanh chân ra góc vườn cắt lá dong, đem về rửa sạch giúp mẹ. Tôi cũng choàng dậy chạy vào gầm chạn bếp lấy rổ hành củ mang ra bóc vỏ hành giúp mẹ. Tôi ngại công việc này lắm vì mỗi lần bóc hành là nước mắt, nước mũi lại giàn giụa chảy. Thấy vậy mẹ tôi bày cho cách khi nào ngồi bóc hành thì xắn một bên gấu quần lên mấy vòng là hết cay mắt mũi. Nghe mẹ nói, tôi làm theo, ấy vậy mà mẹo của mẹ tôi lạ thật, mắt mũi tôi không còn cay cay chảy nước nữa.
Buổi trưa, chị tôi mang rau khúc đi rửa sạch, nhặt bỏ các lá cỏ gấu, cỏ bợ hay dây rơm rạ vướng vào. Chị cẩn thận bê rổ để lên chiếc chậu cho ráo nước. Chậu bột sáng đã lắng xuống, mẹ tôi gạn bỏ nước trong và cho bột vào túi vải rồi treo lên cành cây bưởi góc sân cho nước rích khô thêm. Sau bữa cơm trưa, mẹ tôi thái hành củ và xào nhân với thịt ba chỉ băm nhỏ. Có những hôm không đủ tiền mua thịt làm nhân mẹ tôi dùng tóp mỡ cũng ngon không kém. Mùi thơm nhân bánh nức mũi, bay hương tỏa ra cả xóm thơm lừng. Nhân bánh khúc lá thật đơn giản chỉ có hành củ, thịt xay (tóp mỡ), chút ớt tươi giã nhỏ, ít hành lá rồi nêm mắm, muối, chút mì chính là ngon. Rau khúc khi đã ráo nước, mẹ tôi thái nhỏ và bỏ vào cối giã nhuyễn rồi mang trộn với bột. Đoạn bắt bánh này mới khó, là theo mẹ tôi nói vậy. Nếu bắt bánh nhanh tay thì khi trộn bột sống với rau khúc giã nhuyễn thêm chút muối rồi có thể bắt bánh ngay trên lá dong, cho nhân rồi gói lại và đem hấp. Bánh bắt bột sống ăn rất mềm mịn, dẻo ngon, đậm đà hương vị rau khúc thứ thiệt, hơn nữa bánh có màu xanh lá rất bắt mắt. Bánh ăn nóng hay nguội vẫn ngon như nhau. Nhưng không bắt bánh nhanh được thì trộn bột và rau khúc giã nhuyễn nêm chút muối và thêm nước rồi đi nấu bột như nấu bột bánh tẻ. Khi nấu bột tay luôn phải khuấy đều, khi bột đặc phải đánh mạnh cho bột thật dẻo rồi ủ một lúc mới mang ra gói bánh và rồi cũng mang đi hấp chín. Bánh khúc lá làm kiểu này cũng ngon nhưng chỉ ăn khi bánh còn nóng ấm chứ để nguội là bị cứng, hơn nữa hương vị rau khúc nhạt mùi, màu bánh xanh thẫm. 
Chiều xuân tiết trời se lạnh, hương bánh khúc lá chín thơm ngạt ngào nức trong gió gọi mời. Chiếc nồi bắc chõ đồ bánh nước sôi kêu réo rắt, khói tỏa bay bồng bềnh cả căn bếp nhỏ. Tôi luôn chân chạy ra vào cửa bếp ngóng chờ bánh chín. Thoắt cái trời đã sẩm tối, cả nhà tôi quây quần bên rổ bánh vừa ăn vừa thổi xuýt xoa. Bữa tối thật đầm ấm xua đi cái se lạnh ngày xuân. Rổ bánh cũng vơi dần và hết theo từng câu chuyện rôm rả tiếng nói cười. Nhưng tôi biết thể nào mẹ tôi cũng bớt lại một chiếc bánh trong chõ cho tôi để buổi sớm mai ăn sáng rồi đi học.
Tôi xa nhà, xa tuổi thơ, xa mùi hương bánh khúc lá đã bao mùa. Mỗi khi thấy mưa bụi bay theo làn gió bấc lao xao chạy dài theo lối phố, lòng tôi lại nôn nao nhớ nhà, nhớ cánh đồng rau khúc, nhớ mùi hương bánh khúc lá đến nao lòng...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xúc động những câu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế
    Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909.
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Phát động bình chọn “Những bản hùng ca của đất nước”
    Với chủ đề "Những bản hùng ca đất nước", cuộc bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất chính thức được phát động ngày 18/5 tại Hà Nội.
  • Khánh thành công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô
    Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Công an TP Hà Nội và 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5, Công an TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình "Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô".
Đừng bỏ lỡ
Bánh khúc lá, ai đã từng ăn?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO