Thủ đoạn của những đối tượng sản xuất, kinh doanh xăng giả, xăng kém chất lượng khiến dư luận bàng hoàng. Ảnh: TTXVN. |
Theo BCĐ 389 quốc gia, thủ đoạn của những đối tượng sản xuất, kinh doanh xăng giả, xăng kém chất lượng là dùng chất dung môi Solmix (loại chất dùng trong công nghiệp như pha chế sơn, cao su, keo, chế biến gỗ, xúc rửa máy…) pha trộn với xăng để tạo ra loại xăng có chỉ số RON không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, xăng kém chất lượng.
Lợi dụng sự kiểm tra không thường xuyên của các ngành chức năng, nhất là kiểm định sản phẩm, một số doanh nghiệp đã sản xuất ra loại xăng dầu có tiêu chuẩn thấp hơn với quy chuẩn công bố. Trong khi đó, tác dụng của các chất dung môi có giá thành thấp, mua bán dễ dàng, không được quản lý theo quy định, nên đã khiến nhiều đối tượng hám lợi pha chế để thu lợi bất chính. Khách hàng mua phải những loại xăng giả này chịu nhiều rủi ro.
“Đáng chú ý chất dung môi Solmix được sản xuất, mua bán tại một số doanh nghiệp ở Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa được quy định về điều kiện nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh và tồn trữ hỗn hợp dung môi có nguồn gốc từ dầu mỏ. Điển hình các cơ quan chức năng tại các tỉnh như: Nghệ An, Bắc Giang, Hà Nội, Hòa Bình, Hải Dương, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Cần Thơ… đã phát hiện bắt giữ xử lý nhiều vụ. Trong đó, khởi tố vụ án hình sự bắt giam 4 bị can tại Nghệ An khi tiến hành thanh tra 3 công ty: Sáu Hằng, Thanh Ngũ, Kiên Lục do các cơ sở này đã pha trộn chất dung môi với xăng A92 cùng bột tạo màu để tạo ra xăng kém chất lượng”, báo cáo của BCĐ 389 nêu.
Không chỉ vậy, lực lượng chức năng của BCĐ 389 cũng chỉ ra hoạt động gian lận thương mại trong kinh doanh, vi phạm quy định về đo lường cũng hết sức nhức nhối tại các tỉnh, thành phố trên.
Phương thức hoạt động là các cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhỏ lẻ sử dụng phương tiện đo chưa thực hiện kiểm định; không đạt yêu cầu quy định về kỹ thuật đo lường; can thiệp vào thiết bị đo lường nhằm trục lợi, mua bán xăng dầu ngoài hệ thống; không niêm yết giá nhằm gian lận, trốn tránh nghĩa vụ thuế; kinh doanh xăng dầu không có giấy chứng nhận đủ điều kiện…
Trả lời câu hỏi của phóng viên từ vụ việc đường dây sản xuất và mua bán xăng giả của đại gia xăng dầu Trịnh Sướng, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng khiến dư luận bàng hoàng; trách nhiệm của các BCĐ 389 địa phương ra sao; ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ 389 quốc gia nói: “Chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt Kế hoạch số 410/KH-BCĐ 389 về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu đối với các địa phương cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan”.
Theo đó, các BCĐ 389 địa phương tiếp tục tăng cường thanh tra việc cấp phép, quản lý giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh đối với mặt hàng xăng dầu; tăng cường tuần tra, giám sát các khâu từ vận tải, chuyển tải, lưu kho, bồn chứa, phân phối lưu thông và chất lượng sản phẩm lưu hành trên thị trường.
Các bộ, ngành phải rà soát các hệ thống tiêu chuẩn cơ sở, hợp quy, công bố hợp quy chuẩn về xăng dầu; đánh giá việc thực hiện trình tự thủ tục nhập khẩu của hải quan các cửa khẩu; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các tiêu chuẩn cơ sở, quy chuẩn quốc gia.
Riêng Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường kiểm tra, rà soát các trung tâm giám định chất lượng, kiểm tra nhà nước về chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, về đo lường tại các cột đo xăng dầu; số cột đo không đạt yêu cầu đã chuyển hồ sơ đề nghị Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) xử lý vi phạm.