Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, Bắc Giang là tỉnh có tốc độ tăng trưởng thuộc top dẫn đầu cả nước, đặc biệt là nông nghiệp với sản phẩm chủ lực là vải thiều đã được bảo hộ nhãn hiệu và xuất khẩu đến trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với điều kiện thời tiết thuận lợi, năm nay sản lượng vải thiều ước tính có thể đạt trên 160.000 tấn, với chất lượng và hình thức tốt.
Ông Nguyễn Ngọc Trọng - Phó TGĐ Bamboo Airways (trái) trao đổi với ông Phan Thế Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trong khuôn khổ hội nghị
Đánh giá tiềm năng của thị trường Hoa Kỳ, Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang cho biết đây là thị trường có sức mua lớn, song có nhiều rào cản như yêu cầu nghiêm ngặt về kiểm dịch an toàn thực phẩm, cũng như áp lực về thời gian vận chuyển để đảm bảo độ tươi ngon và chi phí vận chuyển bằng đường hàng không.
Nắm bắt được những khó khăn của địa phương trong việc xuất khẩu sản phẩm này, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Phó TGĐ Bamboo Airways khẳng định Bamboo Airways sẵn sàng hỗ trợ vận chuyển vải thiều trên các chuyến bay của Bamboo Airways, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Việt tiếp cận các thị trường lớn như Đức, Anh, Ý và đặc biệt là Hoa Kỳ.
“Bamboo Airways đang rốt ráo xúc tiến và hoàn tất thủ tục để đẩy nhanh tiến độ khai trương đường bay thường lệ đến Hoa Kỳ. Đối với kế hoạch xúc tiến đưa sản phẩm vải thiều sang thị trường Hoa Kỳ, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang và áp dụng chính sách vận chuyển với chi phí cạnh tranh, cung ứng khoảng 10-15 tấn/chuyến bay”, ông Nguyễn Ngọc Trọng nói.
Nhấn mạnh vai trò của các đơn vị vận tải trong việc kinh doanh và phân phối vải thiều cũng như các mặt hàng nông sản Việt, Phó TGĐ Bamboo Airways đánh giá sự vào cuộc của các hãng hàng không sẽ giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, góp phần ổn định và nâng cao đời sống của nông dân.
Trước đó, Bamboo Airways từng áp dụng chính sách vận chuyển hàng hóa đặc biệt ưu đãi để hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị phân phối vải thiều Bắc Giang đến các tỉnh thành trong mạng bay nội địa của hãng trong giai đoạn tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Các chuyến bay tiếp sức địa phương vận chuyển hàng hóa được thực hiện bằng dòng máy bay Airbus A320, A321 và Boeing 787-9 Dreamliner.
Hoạt động tiếp sức vận chuyển hàng hóa vì mục tiêu xã hội cũng như thương mại là một phần trong kế hoạch hoạt động của hãng, được kỳ vọng sẽ đóng góp thiết thực vào quá trình phục hồi kinh tế giai đoạn bình thường mới.
Trong nỗ lực phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh, Bamboo Airways nhanh chóng tăng cường mở rộng mạng bay nội địa với việc tăng tần suất khai thác các đường bay ngách, đường bay du lịch kết nối cả nước: khai trương đường bay TP HCM – Điện Biên, Rạch Giá – Phú Quốc, TP HCM – Phú Quốc..., đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc gia tăng liên kết giữa các địa phương.
Bên cạnh đó, hãng tích cực phát triển mạng lưới bay đến nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với khu vực châu Á, Bamboo Airways hiện khai thác các đường bay kết nối Hà Nội với Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Hãng đã mở bán và sẽ đưa vào khai thác các đường bay kết nối Việt Nam với Singapore, Thái Lan ngay trong tháng 3/2022, cũng như xúc tiến triển khai nhiều đường bay tới các nước châu Á khác trong dịp hè 2022.
Với khu vực châu Âu, châu Úc, hãng đã triển khai các chuyến bay thẳng kết nối Việt Nam với CHLB Đức, Anh, Úc… Trong năm 2022, Bamboo Airways xác định mục tiêu nâng tổng quy mô mạng bay lên 80 đường bay nội địa, 40 đường quốc tế.