Bác Hồ - Cha đỡ đầu của hai nhà báo nước ngoài

Trần Đương| 19/06/2020 08:09

Bác Hồ - Cha đỡ đầu của hai nhà báo nước ngoài
Bác Hồ với nhà báo Madelene Riffaud
Với tình cảm của một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, trong đời mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những mối quan hệ thân thiết với nhiều người nước ngoài. Người trở thành “cha đỡ đầu” của hàng chục người con ở Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh… Trong số đó có hai nhà báo nữ là Madelene Riffaud (Pháp) và Honolore Kauffelt (Đức).

Năm 1946, khi sang thăm nước Pháp với tư cách vị thượng khách của Chính phủ nước này, Bác có tiếp một đoàn đại biểu Đoàn thanh niên Cộng sản Pháp đến chào. Trong đoàn có chị Madelene Riffaud khi đó vừa tròn 18 tuổi, đã được bà Andre Violit - tác giả cuốn “Đông Dương kêu cứu” nổi tiếng - giới thiệu với Bác Hồ. Người trìu mến hỏi: “Cô gái Paris dũng cảm là đây ư?” Bác đã từng nghe tên chị - một chiến sĩ chống phát xít, bị bắt và kết án tử hình trong Chiến tranh thế giới thứ II, nhưng khi gặp, Người không ngờ chị còn trẻ thế. Và Người gọi chị là “Con gái của tôi” rồi âu yếm hôn lên trán chị. Tiếng gọi trìu mến ấy đã sưởi ấm tâm hồn Madelene Riffand, từ đó khích lệ chị phấn đấu trở thành nhà báo tài năng, dũng cảm để xứng đáng là “người con gái” của Bác Hồ.

Khi gặp Bác lần đầu, chị mới bước vào nghề báo, đang tập sự ở tòa soạn báo Chiều nay (Ce soir). Bác Hồ nói với Riffaud: “Làm báo là một nghề chân chính!” và Người động viên: “Bây giờ con hãy làm việc, học tập. Khi nào trở thành nhà báo, con hãy sang Việt Nam. Bác sẵn sàng đón con bất cứ lúc nào, như đón con gái Bác!”.

Trong các thiên phóng sự của mình, Madelene Riffaud nói rằng chị không bao giờ quên được cuộc gặp gỡ đó, không quên được hình ảnh Người trong bộ quần áo giản dị, với nụ cười đôn hậu biết bao! Được Người cổ vũ, chị say mê viết bài, làm tin, chụp ảnh. Chị cũng nói rằng, từ sau khi gặp Bác Hồ, trái tim chị luôn đập cho Việt Nam - đất nước của “người cha đỡ đầu Hồ Chí Minh”. Chị đã trở thành phóng viên báo Nhân đạo của Đảng Cộng sản Pháp và đã có mặt trên những vùng đất nóng bỏng như: An-giê-ri, Việt Nam… Về đất nước của “cha đỡ đầu”, chị đã viết các tác phẩm “Đôi đũa ngọc” (1951), “Hoa từ cánh đồng Việt Nam” (1952) và hàng loạt bài phóng sự về chiến trường Điện Biên Phủ, về Việt Nam sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc. Dịp ấy, chị được vào Phủ Chủ tịch thăm “cha đỡ đầu” và làm một bài thơ giàu cảm xúc, trong đó có hai câu: “Người cầm hai đóa hoa hồng/ Tựa như những đóa ta trồng vườn ta”…

Khi chia tay trở về Pháp, chị được Bác Hồ tặng hai tấm lụa. Chị đã cắt may thành hai áo theo kiểu áo các cô gái Việt Nam thường mặc. Sau này, mỗi lần sang Việt Nam, chị lại mặc những chiếc áo may từ hai tấm lụa của Bác Hồ tặng chị.

Năm 1969, chị được gặp Bác lần cuối. Hồi này, Bác rất mệt, nhưng Người rất vui được gặp “người con gái” từ đất Pháp. Trong câu chuyện, Người khuyên chị học thêm tiếng Việt và nhờ chị tìm cho Người bộ đĩa thu lại những bài hát mà xưa kia Moritz Zalic vẫn hát (hồi Bác còn ở Paris, Riffaud chưa ra đời). Giữa Paris, được tin “cha đỡ đầu” qua đời, chị viết bài “Bác Hồ đi giữa mùa thu” với tấm lòng thương nhớ khôn xiết.

“Người con gái đỡ đầu” thứ hai trong giới báo chí quốc tế được Bác Hồ nhận vào tháng 5/1966, sau Madelene Riffaud đúng 20 năm, đó là chị Honolore Kauffelt, nguyên phóng viên báo Nước Đức mới (Neues Deutschland). Chị là tác giả của hàng loạt bài viết xuất sắc về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống Mỹ.

Đầu tháng 5/1966, Honolore Kauffelt được tham gia đoàn đại biểu của Liên hiệp Công đoàn Tự do Đức (FDGB) sang thăm Việt Nam. Đoàn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch vào chiều 9/5/1966. Rất xúc động và phấn khởi về buổi tiếp này, chị kể:

“Chúng tôi được đưa vào một khu vườn rộng rất đẹp, cây cối xanh tươi. Thoạt tiên, lễ tân đưa chúng tôi đến ngồi quanh một chiếc bàn lớn kê sẵn giữa vườn, đối diện với tòa nhà kiên cố mà sau đó chúng tôi được giới thiệu là nơi làm việc của Chủ tịch nước.

Từ cửa lớn của tòa nhà, Bác Hồ bước đến chỗ chúng tôi. Đi sau Người là Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam Hoàng Quốc Việt. Bác Hồ vui vẻ bắt tay, chào chúng tôi bằng tiếng Đức, Người hỏi thăm cặn kẽ tên tuổi, công việc và quê quán từng người trong đoàn. Riêng tôi và chị Ursula - nữ phiên dịch còn được Người hỏi thăm cả chuyện chồng con.

Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là Người rất hiền từ và giản dị. Người chỉ mặc bộ quần áo ka ki vàng nhạt đã cũ, để hở cổ, chân đi dép cao su đế cao. Sự giản dị có tính truyền thuyết của Người tạo nên sức hấp dẫn lạ kỳ.

Thay mặt đoàn chúng tôi, anh Beyreuther (trưởng đoàn) chuyển lời chào của Trung ương Đảng, của giai cấp công nhân và toàn thể nhân dân lao động nước Cộng hòa dân chủ Đức tới Bác Hồ và thưa với Người về các món quà đoàn kết mà đoàn chúng tôi vinh dự được chuyển tới nhân dân Việt Nam anh hùng.

Người gật đầu hài lòng và cảm ơn về mối tình đoàn kết quý báu đó. Người đặc biệt xúc động khi nhẹ nhàng lật từng trang trong tập kiến nghị chống Mỹ. Người nói:

- Những món quà mà các đồng chí mang sang không chỉ có giá trị vật chất mà trước hết là biểu hiện của một tư tưởng vô cùng quý báu. Trước đây, khi nhân dân Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp, trên thế giới cũng đã có sự đồng tình ủng hộ nhưng chưa thành một phong trào rộng khắp như bây giờ. Mọi tầng lớp nhân dân từ người lớn tuổi đến các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng ở các nước đều hiểu và bày tỏ tình đoàn kết chiến đấu với Việt Nam. Đó là một trong những yếu tố quan trọng, một trong những bí quyết để nhân dân chúng tôi tiến tới giành thắng lợi cuối cùng.

Rồi, Người mời chúng tôi ăn bánh kẹo, lạc rang, trái cây, uống nước ngọt. Đến lúc ấy, tôi vẫn ngồi mải mê ghi chép. Bác Hồ nhìn về phía tôi, thân mật hỏi:

- Nào, cô nhà báo, viết gì hối hả thế? Dừng tay một chút, ăn bánh, trái cây và uống nước đã…

Tôi nhẹ nhàng thưa:

- Vâng ạ…

Cuộc tiếp của Bác dự kiến một tiếng đồng hồ, nhưng rồi không câu nệ vào lễ tân, Người đã trò chuyện với chúng tôi ngót hai giờ liền. Tôi đã ghi chép được biết bao điều quý báu từ những lời Người nói. Tôi hết sức ấn tượng về tác phong và ngôn ngữ của Người. Ước gì được ngồi mãi bên Người như vậy! Rồi, cái giờ phút chia tay cũng đã đến. Nhìn Ursula và tôi, Bác âu yếm nói:

- Từ hôm nay, Bác có thêm hai người con gái nữa!

Nghe Bác nói, hai chúng tôi sung sướng quá, cùng xin phép được ôm hôn người cha thân yêu và vĩ đại của mình.

Người còn vui vẻ gửi lời hỏi thăm gia đình chúng tôi và nói:

- Bác chúc các cháu có nhiều con!

Kể đến đó, chị Kauffelt đưa tôi xem mấy tờ báo nước Đức mới đăng một loạt bài viết về chuyến thăm Việt Nam, trong đó bài “Người cha đỡ đầu” đăng liền ba kỳ. Chị cũng cho biết một chuyện thú vị: sau chuyến đi ấy, anh Trưởng đoàn Beyreuther và chị Ursula đã kết hôn với nhau, bây giờ đã có tới 4 con! Thế là anh chị đã thực hiện đúng lời dặn “có nhiều con” của Người. Còn anh Beyreuther cũng từ đó nhận mình là “con rể” của Bác Hồ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Thảo luận bàn tròn về Chủng ngừa ở người lớn và Dự phòng bệnh Zona
    Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tổng Hội Y học Việt Nam phối hợp cùng Công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam (GSK Việt Nam) và các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực Thận học, Hô hấp, Nội tiết, Cơ Xương Khớp đã có phiên thảo luận về chủng ngừa ở người lớn và dự phòng bệnh zona.
  • Khởi động chiến dịch "JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết"
    Ngày 21/11, Fumakilla Việt Nam đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức chiến dịch “JUMBO VAPE - Chung tay phòng chống bệnh sốt xuất huyết” trong việc tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô.
Đừng bỏ lỡ
Bác Hồ - Cha đỡ đầu của hai nhà báo nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO