Trao đổi với báo giới sau kết thúc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 khẳng định, Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng, đã thành công rực rỡ, toàn diện, từ khâu tổ chức, chủ trì điều hành, đến nội dung, lễ tân, cơ sở vật chất - hậu cần, văn hóa - tuyên truyền, an ninh - y tế và trên mọi mặt về cả đa phương và song phương.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam đã đạt được tất cả các mục tiêu lớn đã đề ra, là nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nền kinh tế APEC, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC, và quảng bá tiềm năng phát triển, kinh doanh của Việt Nam. Tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng với các đối tác có tổng trị giá gần 20 tỉ USD đã được ký kết.
Chia sẻ quan điểm trên, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thái - Viện phó Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao- nhận định, thành công của APEC nổi bật ở 2 nhóm. Về nội dung, các ưu tiên, chủ đề định hướng của Việt Nam được các nước ủng hộ và đưa vào các tuyên bố của cấp bộ trưởng và cấp cao rất rõ ràng, đầy đủ, góp phần thúc đẩy xu hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ nổi lên mạnh mẽ. Về mặt tổ chức và quảng bá, APEC cũng đã thành công tốt đẹp, dù bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Các hoạt động trong Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra sôi nổi, nội dung hấp dẫn, theo dõi kịch tích như trong phim trường. Cơ hội mà APEC đem lại cho đất nước, địa phương, đặc biệt là miền Trung, và doanh nghiệp không hề nhỏ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường - Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD), cựu Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển và Mexico - cũng nhận định, việc các nhà lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế đến Đà Nẵng dự hội nghị cho thấy, họ vẫn quan tâm APEC và họ cũng trọng thị Việt Nam với tư cách chủ nhà. Điều này góp phần nâng cao vị thế của đất nước, và Việt Nam cần biến những uy tín quốc tế đó thành sức mạnh.
Quan hệ với các đối tác lớn
Việt Nam đã tận dụng hiệu quả các hoạt động của APEC trong năm qua để nâng tầm, tạo đan xen lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác lớn đi vào chiều sâu. Trong dịp này, đã có 3 chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, Tổng thống Hoa Kỳ và Tổng thống Chile, một chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Canada. Đây đều là những chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam và đạt được các thỏa thuận mang tầm chiến lược, mở ra những trang mới cho quan hệ của Việt Nam với các đối tác.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng, và cũng là lần đầu tiên, Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên lên cầm quyền. Điều đó cho thấy, vị thế mới của đất nước. Bên cạnh đó, đã diễn ra trên 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao ta với các đối tác.
Nói về chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường nhấn mạnh vào con số 19 văn kiện đã được ký kết. Theo ông Trường, chuyến thăm góp phần củng cố tình hữu nghị truyền thống, làm sâu sắc hợp tác thiết thực, quy hoạch tương lai tốt đẹp của quan hệ Trung - Việt.
Đánh giá về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, đây là chuyến đi “ngoại giao tâm công”, cho thấy, ông Donald Trump là người tình cảm và hiểu biết về Việt Nam chứ không xem nhẹ nước nhỏ. Chuyến đi cũng minh chứng, ông Donald Trump tiếp tục quan tâm tới khu vực và đặc biệt đưa khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thay cho khái niệm Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là một sự nâng cấp, cách tiếp cận mới thay cho chủ trương xoay trục Châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama. Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng, chuyến thăm tác động tốt tới quan hệ song phương, mang đến sự cổ vũ lớn cho Việt Nam.
Ấn tượng bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp CEO Summit
Ông W. Russell King, Phó chủ tịch cao cấp về quan hệ quốc tế, Freeport-McMoran: Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu thấu đáo, đáng được kính trọng và ngưỡng mộ, đề cập đến hàng loạt vấn đề sâu rộng, kết cấu sáng sủa, rõ ràng. Tôi nghĩ là cử tọa rất ấn tượng với bài phát biểu này, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu những thành tích đáng nể trong phát triển kinh tế và những đường hướng phát triển của Trung Quốc trong thời đại mới. Chủ tịch Tập Cận Bình nói rất rõ, Trung Quốc mở cửa tự do và tạo bình đẳng cho các doanh nghiệp. Đó là những ngôn từ phát biểu rất mạnh mẽ.
Ông Michael Michalak, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam: Tôi thích trích dẫn của Chủ tịch Tập Cận Bình về câu ngạn ngữ cổ Trung Quốc: “Đã nói là làm”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nói đến rất nhiều cam kết, chúng ta kỳ vọng xem ông ấy sẽ thực hiện những cam kết này như thế nào. Về Sáng kiến “Vành đai, con đường”, tôi cho rằng, đây là một dự án táo bạo mà tôi rất thích, và tôi chúc cho Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc thành công. Về bài phát biểu của Tổng thống Donald Trump, tôi nghĩ, ông ấy đã có sự tìm hiểu kỹ về các nước Châu Á. Tôi cũng thích một điều là chuyến đi của ông ấy đến Châu Á là một chuyến đi dài mà một Tổng thống Mỹ từng công du. Đó cũng là một dấu hiệu tích cực.VÂN ANH thực hiện
Đối với diễn đàn APEC, kết quả quan trọng nhất:
APEC tiếp tục giữ vững đà hợp tác, liên kết kinh tế, phát huy vai trò là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, duy trì giá trị cốt lõi của APEC là tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Tuần lễ Cấp cao đã thông qua 8 văn kiện quan trọng, nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế. Lần đầu tiên, APEC nhất trí thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, và khởi nghiệp sáng tạo.