Để có thêm cái nhìn về các tiêu chuẩn tuyển dụng cũng như quy trình và biện pháp đảm bảo chất lượng nguồn phi công của các hãng hàng không nội địa, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Quốc Chiến – Giám đốc khối Khai thác kiêm Đoàn trưởng Đoàn bay hãng hàng không Bamboo Airways. Đây cũng là hãng nội địa duy nhất chưa từng sử dụng người lái mang quốc tịch Pakistan, theo công bố của Cục Hàng không Việt Nam.
Ông Trần Quốc Chiến - Giám đốc khối Khai thác kiêm Đoàn trưởng Đoàn bay Bamboo Airways
"Minh bạch là ưu tiên hàng đầu"
Câu chuyện gian lận bằng cấp, gian lận về khai báo kinh nghiệm bay của phi công đã từng xảy nhiều nơi, nhất là tại những quốc gia có thị trường hàng không phát triển mạnh và nhu cầu thuê phi công nước ngoài cao như Việt Nam. Ông Trần Quốc Chiến cho biết, ngay từ những ngày đầu thành lập, ban lãnh đạo Bamboo Airways đã ý thức sâu sắc được tầm quan trọng của việc đảm bảo chất lượng nguồn phi công. Bởi vậy, hãng đã xây dựng quy trình tuyển dụng phi công vô cùng chặt chẽ, tận dụng những kinh nghiệm và bài học từ các hãng hàng không lớn trên thế giới, cũng như các thị trường hàng không có lịch sử phát triển lâu đời như châu Âu, Mỹ, Úc…
Đối với lực lượng phi công nước ngoài, Bamboo Airways chủ trương hợp tác với các đơn vị cung cấp nhân lực hàng không uy tín bậc nhất trong và ngoài nước. Qua đó, hãng tiến hành sàng lọc, tuyển chọn kỹ càng nguồn nhân lực đến từ các quốc gia có nền hàng không phát triển, giàu kinh nghiệm thực tiễn, sở hữu đầy đủ bằng cấp chất lượng và có lịch sử làm việc đảm bảo tuyệt đối không xảy ra các sự cố uy hiếp an toàn khai thác.
“Từ nguồn phi công do đối tác tin cậy cung cấp, chúng tôi tiến hành rà soát, xác minh thông tin của các phi công thông qua các hãng bay và Cục hàng không nơi họ đã từng làm việc. Sau đó, chúng tôi sẽ đánh giá trực tiếp năng lực của phi công thông qua các bài kiểm tra lý thuyết, phỏng vấn và bay trên buồng lái mô phỏng”, ông Trần Quốc Chiến nói.
Tất cả các công đoạn đó đều được thực hiện công khai, dưới sự đánh giá sát sao của các giáo viên phi công có trình độ, kinh nghiệm và uy tín. Đồng thời, Bamboo Airways có các bộ phận chức năng như ban nhân sự, kiểm soát nội bộ, an toàn chất lượng sẽ tiến hành giám sát độc lập mọi khâu trong quá trình tuyển dụng. Toàn bộ các kết quả kiểm tra năng lực phi công đều được lưu lại để đảm bảo tuyệt đối tính minh bạch.
“Chúng tôi đã xây dựng được hệ thống giám sát an toàn khai thác bay hiện đại, hiệu quả. Những vi phạm giới hạn chỉ số an toàn bay, những nguy cơ uy hiếp an toàn trên mỗi chuyến bay đều được ghi nhận thông qua hệ thống FDA, hệ thống báo cáo cả công khai và bí mật. Nhờ đó, chúng tôi thường xuyên đánh giá được năng lực khai thác của cả đội bay nói chung, cũng như cá nhân từng phi công nói riêng”, ông Chiến khẳng định.
Tại Bamboo Airways, quy trình nâng cấp từ cơ phó lên cơ trưởng cũng được xây dựng và thực hiện một cách hoàn toàn công khai, minh bạch. Bên cạnh yêu cầu tối thiểu về số giờ bay, một danh sách thứ tự ưu tiên nâng cấp phi công được xây dựng và cập nhật công khai 3 tháng/lần, nhằm theo dõi và ghi nhận quá trình làm việc, trau dồi nghề nghiệp, đóng góp cho công ty của mỗi phi công.
Sau đó, Bamboo Airways tiến hành khảo sát năng lực phi công qua các đồng nghiệp; tham khảo đánh giá của giáo viên về phi công trên từng chuyến bay, trên buồng lái mô phỏng trong những đợt huấn luyện định kỳ và kết quả phỏng vấn của hội đồng chuyên môn trước khi đưa ra quyết định cử cơ phó đi huấn luyện nâng cấp để thành cơ trưởng.
Hiện nay, Bamboo Airways đang huấn luyện khoá nâng cấp cơ trưởng đầu tiên cho nhóm phi công gia nhập hãng từ những ngày đầu, nhằm ghi nhận những đóng góp của họ. Đây vừa là giải pháp để hãng chủ động kiểm soát và đảm bảo chất lượng phi công, vừa là chế độ đãi ngộ công bằng, khích lệ tinh thần và sự cống hiến của đội ngũ phi công.
Chủ động nguồn cung phi công tự đào tạo
Để đáp ứng nhu cầu mở rộng mạng lưới đường bay, Bamboo Airways cho biết hãng dự kiến nâng quy mô đội bay lên 40 tàu vào cuối năm 2020, hướng tới duy trì mục tiêu đội 50 tàu đặt ra hồi cuối năm 2019. Trong đó có sự góp mặt của cả các dòng máy bay thân rộng và thân hẹp.
“Trung bình, mỗi máy bay thân hẹp cần từ 10-12 phi công và mỗi máy bay thân rộng cần 16-18 phi công. Giả sử khai thác 40 máy bay thân hẹp và 10 máy bay thân rộng thì cần tới khoảng 600 phi công. Do đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển, Bamboo Airways đang tăng cường nguồn phi công tự đào tạo và coi đây là nguồn lực bổ sung nòng cốt trong tương lai, bên cạnh các phi công thuê từ bên ngoài”, Giám đốc khối Khai thác kiêm Đoàn trưởng Đoàn bay Bamboo Airways nói.
Ông Trần Quốc Chiến cho biết Bamboo Airways đang triển khai các chương trình tự đào tạo các phi công tập sự trở thành cơ phó máy bay thân hẹp hoặc thân rộng; nâng cấp cơ phó thành cơ trưởng; chuyển loại từ thân hẹp sang thân rộng. Hãng đã tổ chức tuyển chọn đào tạo tại cả 2 miền Bắc – Nam để học viên có thể thuận lợi trong huấn luyện, đồng thời tiết kiệm chi phí. Việc linh hoạt trong khâu tổ chức và đào tạo đã giúp Bamboo Airways thu hút và lựa chọn được nhiều phi công tập sự chất lượng.
Các tiêu chí tuyển chọn phi công tập sự của Bamboo Airways được xác định rất rõ ràng, tập trung vào yêu cầu sức khoẻ, tâm lý, năng khiếu bay, trình độ ngoại ngữ, kiến thức khoa học tự nhiên và một yếu tố không thể thiếu là đạo đức nghề nghiệp tốt.
Từ tháng 2/2020, Bamboo Airways đã bắt đầu triển khai đào tạo khóa phi công tập sự đầu tiên, với 10 phi công được tuyển chọn. Cho đến nay, hãng đã đào tạo 3 khóa phi công tập sự với 40 phi công và đang triển khai tuyển dụng khóa 4, 5. Đa số phi công tập sự được đào tạo đều thể hiện năng lực tốt trong quá trình huấn luyện mặt đất và bay tích lũy kinh nghiệm. “Các phi công tập sự rất hào hứng với công việc, bày tỏ tin tưởng vào sự dẫn dắt của đội ngũ giáo viên của Bamboo Airways”, ông Chiến cho biết.
Các phi công tập sự đầu tiên của Bamboo Airways trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo hãng hồi tháng 2/2020
Các phi công tập sự vượt qua vòng tuyển chọn của Bamboo Airways sẽ không phải chờ đợi lâu để được bay huấn luyện. Bởi với phương châm chú trọng chất lượng ngay từ đầu vào, chọn các đối tác tốt về huấn luyện, nguồn lực để đào tạo phi công tập sự dồi dào,cả quá trình đào tạo từ học viên cơ bản đến khi trở thành phi công thương mại thực thụ tại sẽ suôn sẻ, không bị gián đoạn.
Bamboo Airways cũng đang không ngừngtăng tần suất bay và mở rộng mạng bay nên công tác huấn luyện phi công tập sự sẽ được đảm bảo lộ trình. Theo ông Chiến, đây chính ưu thế lớn nhất của chương trình đào tạo học viên cơ bản của Bamboo Airways so với rất nhiều hãng hàng không khác trên thế giới.
Sắp tới, Bamboo Airways sẽ hợp tác với các tổ chức uy tín, chuyên nghiệp trên thế giới để đưaứng viên Việt Nam đi đào tạo tại nước ngoài. Cùng với đó, hãng cũng tiếp tục phối hợp cùng tập đoàn FLC xây dựng Viện đào tạo hàng không nhằm tuyển sinh và đào tạo phi công, tiếp viên, thợ máy và các chuyên viên chuyên ngành khác.