Xuyến là người bạn cùng quê với tôi. Gần đây, nhân có dịp Xuyến về dự lễ hội truyền thống của quê hương, chúng tôi gặp lại nhau sau mấy chục năm bạn ấy sống và làm việc xa quê. Tíu tít thăm hỏi về nhau, Xuyến kể cho tôi nghe chuyện đời, chuyện nghề, trong đó có một câu chuyện bình dị mà cảm động, ấm áp…
Tốt nghiệp khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, Xuyến được phân công lên dạy học ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Sau Tết âm lịch năm đó, cô lên đường đi nhận việc. Ngày ấy, miền đất Mai Châu còn xa lạ và heo hút, bị coi là nơi rừng thiêng nước độc; mới nghe cái tên người ta đã cảm thấy... ớn lạnh, chứ nói gì đến việc phải lên đó công tác lâu dài.
Ngày ấy đi lại còn rất khó khăn. Từ bến xe Hà Đông (cũ) đi Mai Châu mỗi ngày chỉ có hai chuyến xe đi - về. Hôm ấy, do xuất phát muộn nên khi xe đến Mai Châu trời đã tối. Xuống xe tại bến chỉ còn vài người khách vội vàng, tất bật... Để đến ngôi trường mới mở, Xuyến còn phải đi bộ thêm chục cây số trong biết bao nỗi hoang mang, lo sợ.
Giữa lúc đó, một anh bộ đội (chắc cũng vừa xuống xe cùng chuyến mà Xuyến không để ý) đi đến gần, ngập ngừng hỏi nhẹ:
- Em... về đâu, đi gần hay xa?
- Dạ, em lên đây nhận công tác, nhưng chưa biết đường ạ.
- Thế em có người quen ở đây không?
- Không ạ.
- Thế em định thế nào?
- Em cũng chưa biết...
Im lặng một lúc, người lính trẻ mới nói:
- Vậy... nếu em không ngại thì đi theo anh về nhà người quen nghỉ tạm, rồi sáng mai đi tiếp, chứ đêm hôm thế này… em đi sao được.
Như mở cờ trong bụng, Xuyến bước theo người lính trẻ. Trời tối, đường mỗi lúc mỗi khó đi hơn. Anh lính trẻ đi trước, Xuyến lầm lũi theo sau. Con đường hơi lòng vòng, có chỗ men theo sườn đồi, nhìn không được rõ, bước thấp bước cao. Đi được một quãng đường khá dài, Xuyến cũng đã thấm mệt. Như đoán được tâm trạng ấy của Xuyến, người lính ngoảnh lại nói: “Em cố gắng lên, cũng không còn xa lắm đâu… Đưa ba lô anh mang giúp cho đỡ mệt”. Không đợi Xuyến phản ứng thế nào, tay anh đỡ luôn ba lô từ vai cô gái khoác vào vai mình, mặc cho trên lưng anh đã có sẵn một cái ba lô căng phồng. Lúc đầu, Xuyến còn đi theo sát người lính. Về sau, có lẽ sợ lỡ có điều không hay xảy ra nên cô đi chậm dần, giữ khoảng cách. Tâm lý sợ sệt khiến Xuyến không còn duy trì được sự hứng khởi ban đầu nữa. Cô còn lập sẵn trong đầu mình một “phương án” bỏ của chạy lấy người nếu có chuyện không hay xảy ra. Nhưng thật may, ý nghĩ ấy chỉ là điều tưởng tượng. Mải đi, mải nghĩ, trời tối, đường đất khó đi nên bất ngờ cô bị vấp ngã, lăn xuống vệ đường, không thể dậy ngay được. Anh lính trẻ vội quay lại, miệng vừa xuýt xoa, tay vừa lúng túng đỡ cô gái lên. Nhưng, cố mãi Xuyến vẫn không thể đứng lên được. Một bên chân đau nhức cứ như thể bị… gãy. Xuyến không dám kêu, chỉ nhăn mặt chịu đau. Anh bộ đội thật sự lúng túng, chưa biết nên xử lý thế nào… Xuyến cố nói nhỏ với người lính: “Anh… cố… ngồi chờ em… một chút…”. Anh bộ đội chờ khá lâu mà Xuyến chưa thể đi được. Người lính nói nhẹ: “Em hãy bám vào vai anh…, mình cố đi em ạ”. Cũng không còn cách nào khác, Xuyến bám chặt vào vai anh, cà nhắc đi theo. Hai người lầm lũi đi trong đêm.
Đi mãi. Đến lúc lòng kiên nhẫn của Xuyến đã gần “chạm đáy” thì cũng vừa lúc người lính trẻ chậm rãi nói: “Tới nơi rồi… em ạ!”. Lúc này Xuyến mới để ý thấy một căn nhà nhỏ phía trước, cũng ở sát ven đường, vẫn còn thấy ánh đèn dầu qua khe cửa.
Cùng với người lính trẻ, Xuyến bước vào căn nhà nhỏ nằm ở sườn đồi. Mặc dù đã muộn, nhưng bác chủ nhà vẫn kịp nấu cho mỗi người một bát canh miến dong ăn tạm. Xuyến nói với tôi rằng, đó là bát canh bình thường hơn bất cứ một bát canh nào khác (chỉ nấu với muối), thậm chí bây giờ mà nấu ra thì chắc gì đã có ai ăn, nhưng đó lại thực sự là một bát canh ngon nhất, đáng nhớ nhất trong đời cô. Cái chân đau của cô cũng đỡ hơn nhiều nhờ ông chủ nhà đã rang cám với lá ngải cứu và anh bộ đội trực tiếp chườm cho…
Đi nằm, thao thức một lúc lâu, rồi Xuyến cũng thiếp đi lúc nào không biết. Do mệt nên sáng hôm sau cô dậy muộn hơn thường lệ. Trước mặt, sau lưng, toàn rừng núi, vắng lặng, chỉ có không khí là dễ chịu, cô đã cảm thấy thoải mái hơn. Nhưng, cũng là lúc Xuyến chợt nhận ra một sự trống vắng đến nao lòng: Anh lính trẻ đã đi về đơn vị, không một lời chào, cũng không để lại thông tin, địa chỉ gì, chỉ gửi lời qua bác chủ nhà: “Chúc cô giáo trẻ sẽ gắn bó được với đất rừng Mai Châu!”. Xuyến bỗng có cảm giác hụt hẫng, thấy mình thật đoảng vị, đến nỗi cái tên của anh cũng không hỏi (hay đúng hơn là e dè không dám hỏi); để rồi lúc này chỉ còn lại một khoảng trống trong lòng cô, cùng với một nỗi buồn canh cánh thật khó định tên. Nỗi buồn ấy còn theo cô mãi về sau…
Thấm thoắt đã 40 năm trôi qua. Giờ đây, Xuyến đã nghỉ hưu theo chế độ sau nhiều năm tháng giảng dạy và đảm nhiệm công tác quản lý tại một số trường phổ thông trung học ở huyện Mai Châu – Hòa Bình. Nhưng với cô, kỷ niệm của ngày đầu tiên bắt đầu sự nghiệp ấy không chút phai mờ trong ký ức. Người lính trẻ mà cô không hề quen biết, không phải là đồng nghiệp, người thân, hoàn toàn xa lạ, nhưng sự quan tâm, giúp đỡ từ con người xa lạ ấy dành cho cô chẳng khác nào của người thân trong gia đình mình. Bao nhiêu gian nan, vui buồn, khó khăn, thử thách trên chặng đường công tác, mỗi khi nghĩ về “kỷ niệm” ấy, về cái ngày đầu đáng nhớ ấy, cô lại cảm thấy ấm lòng, lại có thêm nghị lực để vượt qua. Người lính trẻ tình cờ đến và lặng lẽ đi khỏi cuộc đời cô giáo trẻ ngày nào. Nhưng, những thành quả cô có được trong mấy chục năm phấn đấu vì sự nghiệp “trồng người” trên đất rừng Mai Châu, cũng có một phần động lực từ hành trang “vào đời” vô cùng đáng nhớ ấy.
***
Nghe chuyện Xuyến kể đến đây, tôi ngồi lặng thinh, trong lòng bỗng nghĩ về lòng tốt của con người, về sự may mắn của bạn… Thấy vậy, Xuyến quay sang tôi hỏi nhỏ: “Anh làm sao vậy? Em kể chuyện không hay à, hay là chuyện… lạc hậu quá rồi?”. Tôi như bừng tỉnh, vội nói: “Không, chuyện Xuyến kể khiến mình cảm động… May mà hôm ấy Xuyến gặp được anh bộ đội… Kỷ niệm thật đáng nhớ, nhưng dù sao mình vẫn cảm thấy hơi buồn vì Xuyến đã không có dịp để biết về anh bộ đội ấy?”. Nghe tôi phân trần, Xuyến vội nói: “Không phải vậy, em đã kể hết chuyện đâu anh”. Và, tôi lại giống y như một đứa trẻ ngoan ngoãn ngồi nghe người lớn kể chuyện cổ tích vậy.
Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang tuần tra biên giới. Ảnh: Lan Phương
Trước khi chia tay bác chủ nhà tốt bụng, Xuyến cũng cố hỏi về anh bộ đội, vì cứ nghĩ chỗ người nhà (hoặc người quen) thì chắc chắn họ biết nhau. Nhưng một điều rất lạ là cũng chẳng biết thêm được gì. Bác chủ nhà chỉ nói, đại ý là: Chú bộ đội ấy có lần đi làm nhiệm vụ do đơn vị phân công, khi về qua đây thì gặp đúng lúc đứa cháu trai mới 8 tuổi của bác ấy chơi nghịch bị ngã xuống con suối ở gần nhà, dòng nước đang chảy xiết (vì trời vừa mưa lớn). Bác ấy sợ quá kêu la thất thanh trong khi đứa trẻ đang bị dòng nước cuốn đi…
Như từ trên trời xuống, chú bộ đội ấy xuất hiện và lao xuống dòng nước cứu cháu bé, khi cháu đã uống gần no nước… Thật vô cùng may mắn. Chăm sóc cho bé một lúc lâu, khi đã ổn, chú bộ đội vội chào mọi người để về đơn vị. Luống cuống thế nào đó, cũng không ai kịp hỏi tên. Về sau có vài lần nữa chú bộ đội đi công tác qua, ghé nhà hỏi thăm mọi người, uống cốc nước chè xanh, rồi lại lên đường vì công việc… Gia đình cũng chưa có thời gian và có lẽ cũng không để ý đến việc hỏi tên tuổi, thân thế của chú bộ đội ấy nữa; chỉ biết rằng, họ đã coi chú bộ đội ấy là người nhà mình rồi.
Lặng im một lúc, cô bạn tôi kể tiếp với vẻ xúc động: Ngày 22 tháng 12 năm 1984, nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, trường cấp 3 nơi Xuyến giảng dạy có mời cán bộ của Tỉnh đội nói chuyện về truyền thống anh hùng của quân đội ta, trong đó có nhắc đến gương hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ quê hương Hòa Bình. Điều hết sức bất ngờ trong buổi nói chuyện ấy có một kỷ vật (cuốn nhật ký) của người chiến sĩ - liệt sĩ đã được kể lại. Đó là đoạn ghi chép ở trang 25 với tựa đề: “Gặp cô giáo trẻ lần đầu đến với đất rừng Mai Châu”. Nội dung đoạn nhật ký tuy chỉ viết ngắn gọn, nhưng thật kỳ lạ lại trùng khớp với câu chuyện của Xuyến lần đầu đến Mai Châu và gặp anh bộ đội cách đó gần chục năm. Trong cuốn nhật ký có cả một tấm ảnh chân dung nhỏ của người chiến sĩ (sau đó Xuyến được nhìn ảnh và nhận ra đúng anh bộ đội đã giúp mình). Cuốn nhật ký đang được đồng đội đưa từ mặt trận biên giới phía Bắc đưa về cho gia đình, nhưng do trong đó có nhắc đến “một cô giáo trẻ” ở Mai Châu, Hòa Bình nên được các đồng chí bên Tỉnh đội cho “dừng chân” tại ngôi trường này, như một minh chứng cho buổi nói chuyện truyền thống quân đội, và sự gắn kết quân dân.
Hôm đó, vì là “người trong cuộc”, lại được nghe và tận mắt đọc, tận mắt nhìn ảnh anh bộ đội, người mà cô vẫn coi như ân nhân nên Xuyến đã quá xúc động, không chỉ khóc mà còn ngất xỉu mấy lần, khiến mọi người không hiểu tại sao. Mãi đến cuối buổi, mọi người mới được biết về câu chuyện của Xuyến, khi chính cô cũng không thể giữ kín được, đã đưa ra cuốn nhật ký của mình, giở ra trang viết trùng ngày, trùng tháng, trùng năm và cùng nội dung như trong nhật ký của người chiến sĩ đã viết…
Biết chuyện, mọi người ai cũng cảm động. Không ít người còn nghĩ: Hương hồn anh bộ đội ấy chắc linh thiêng lắm; hy sinh rồi nhưng vẫn nhớ và muốn “dẫn lối đưa đường” để các đồng đội đưa anh về gặp “cô giáo trẻ” ngày nào!
Cũng từ sau lần ấy, Xuyến mới biết được tên tuổi và quê quán của anh bộ đội, để rồi năm nào cô cũng cùng chồng mình thu xếp đúng dịp giỗ anh, về nhà anh để cùng gia đình thắp nén tâm hương cho anh…
Câu chuyện mà tôi ghi chép lại về người bạn của mình, thật sự cũng không có gì to tát, càng không phải là đặc biệt, độc đáo. Nhưng thiển nghĩ, tình người thật đáng quý làm sao! Nhất là trong những năm tháng đầy khó khăn của đất nước mấy chục năm về trước, cái tâm, cái tình của con người chính là nguồn lực tinh thần không thể thiếu để cả dân tộc vượt qua vô vàn thách thức…Ngày nay cũng vậy, khi biết yêu quý cuộc sống, biết trân trọng tình người, ta sẽ nhận biết được những gì mình nên làm, những gì không nên làm. Cho dù là những điều nhỏ bé, bình thường, nhưng tốt cho con người, cho cuộc đời thì cũng đừng toan tính mà bỏ qua. Vẻ đẹp ấy thật bình dị mà cao quý.