Họp báo công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam |
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho biết: Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội có không ít ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Nhiều nhà báo - hội viên bị chi phối bởi áp lực tin bài, áp lực thời gian, đã bỏ qua khâu quan trọng nhất là kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Điều đó đã gây hệ lụy không nhỏ tới sự ổn định của xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Mặt khác, sau gần 2 năm thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, có những vấn đề mới phát sinh cần phải cập nhật, bổ sung để giúp cho hội viên - nhà báo xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của hội viên - nhà báo khi tham gia mạng xã hội.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, từ đầu tháng 7- 2018, Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam đã đề xuất và được đồng ý tổ chức tọa đàm với chủ đề Nhà báo và mạng xã hội tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam. Sau quá trình soạn thảo công phu, cẩn trọng với tinh thần trách nhiệm cao, trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí năm 2016 và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đồng thời tiếp thu một cách nghiêm túc, khoa học ý kiến góp ý, thẩm định của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà quản lý báo chí và tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, “Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” bao gồm 3 Chương, 7 Điều đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành ngày 24-12-2018, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.
“Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam” quy định đối tượng áp dụng là người làm báo Việt Nam, bao gồm hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, người đã được cấp thẻ Nhà báo, người chưa được cấp thẻ Nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí, người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung.
Quy tắc quy định cụ thể 4 việc/điều mà người làm báo Việt Nam cần làm khi tham gia mạng xã hội và 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được làm khi tham gia mạng xã hội. Quy tắc cũng quy định rõ ràng, cụ thể trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi triển khai thực hiện, đồng thời quy định trách nhiệm của Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp các cấp trong việc xem xét khen thưởng đối với những trường hợp thực hiện nghiêm các nội dung của Quy tắc, kỷ luật đối với người làm báo vi phạm các quy định của Quy tắc.
Người làm báo Việt Nam vi phạm Quy tắc, tùy mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình công khai trong các cơ quan, đơn vị; trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý theo Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam và quy định của pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, các cấp Hội Nhà báo từ trung ương đến địa phương đủ điều kiện giám sát, xem xét các trường hợp vi phạm. Đồng chí Hồ Quang Lợi hy vọng sau khi Quy tắc được công bố, các cấp hội, người làm báo sẽ có trách nhiệm hơn, hiểu sâu sắc về những điều nên và không nên làm khi tham gia mạng xã hội, từ đó góp phần đấu tranh, hạn chế những thông tin gây tổn hại cho xã hội.
Sau khi Hội Nhà báo Việt Nam công bố Quy tắc, các cấp hội sẽ nhanh chóng triển khai nội dung này đến các hội viên, người làm báo nói chung.