65 năm xây dựng nền sân khấu yêu nước, gắn bó máu thịt với nhân dân

Miên Thảo| 03/09/2022 23:31

Tối ngày 3/9, lễ kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam (1957 - 2022) và 13 năm Ngày Sân khấu Việt Nam (12 tháng 8 Âm lịch) đã được tổ chức trang trọng và tưng bừng tại không gian phố Đinh Tiên Hoàng trước vườn hoa tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

65 năm xây dựng nền sân khấu yêu nước, gắn bó máu thịt với nhân dân

Nghệ thuật múa rối trình diễn tại lễ kỷ niệm.

Tại lễ kỷ niệm, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã vinh dự được nhận lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, các đơn vị đại diện các cơ quan ban ngành Trung ương và Hà Nội.

Đến tham dự trực tiếp buổi lễ có đồng chí Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, PGS.TS Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, PGS.TS nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, TS Nguyễn Minh Nhựt – Vụ trưởng Vụ Văn hóa Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trần Hướng Dương – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, NSƯT Thanh Thúy – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP. Hồ Chí Minh…; đại biểu đại diện các cơ quan ban ngành, các hội văn học nghệ thuật Trung ương cùng đông đảo nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực sân khấu.

Trong bài diễn văn lễ kỷ niệm, NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhấn mạnh, từ khi thành lập chỉ có 379 hội viên, tới hôm nay, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã có 2600 hội viên đang hoạt động ở khắp mọi miền trên cả nước trong các loại hình nghệ thuật: Chèo, tuồng, cải lương, múa rối, dân ca kịch, kịch nói, xiếc, sân khấu dù kê…

Qua 65 năm phấn đấu trưởng thành, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng; đã có 15 tác giả được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; 53 tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; 229 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân; 1208 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

65 năm xây dựng nền sân khấu yêu nước, gắn bó máu thịt với nhân dân

NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Tùng.

“Để có được những phần thưởng, danh hiệu cao quý ấy, trước hết là sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển nghệ thuật sân khấu. Bên cạnh đó còn là sự tận tâm, cống hiến không mệt mỏi của các Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam qua 9  kỳ đại hội cùng khát vọng sáng tạo, sống chết vì nghệ thuật của tập thể nghệ sĩ sân khấu cả nước.

Những vinh dự từ sự ghi nhận, tôn vinh của Đảng và Nhà nước đối với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam rất đáng tự hào. Thế nhưng, sự đòi hỏi cấp thiết của đời sống xã hội đang đặt ra nhiều câu hỏi, nhiều bài toán mà tập thể Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam khóa 9, các nghệ sĩ sân khấu cả nước cần có lời giải.

Đó chính là làm thế nào để bù đắp được sự thiếu hụt lực lượng sáng tạo có tài năng; làm thế nào để bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống và đưa các giá trị ấy đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; làm thế nào để nghệ thuật sân khấu có khán giả, hay nói cách khác là làm sao để kéo khán giả về với sân khấu như những thập niên cuối của thế kỷ 20…

Tôi hy vọng rằng: dưới sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với trách nhiệm của người nghệ sĩ trước đất nước và nhân dân, với những khát khao sáng tạo, cống hiến hết mình của toàn thể nghệ sĩ sân khấu… chúng ta sẽ làm được những điều không thể trở thành có thể”, NSND Trịnh Thúy Mùi bày tỏ quyết tâm.

Phát biểu chào mừng lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Thanh Lâm – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận, suốt chiều dài lịch sử vẻ vang của dân tộc, cùng với các loại hình nghệ thuật khác, chúng ta tự hào có một nền sân khấu Việt Nam yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân; là nguồn sức mạnh nội sinh, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Trải qua các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, các nghệ sĩ đã có mặt ở các trận địa, các tuyến lửa, biểu diễn động viên đồng bào, đồng chí hăng hái chiến đấu, lao động và sản xuất. Nghệ thuật sân khấu đã đi sâu vào cuộc sống, ca ngợi những tấm gương anh hùng, thôi thúc chiến sĩ ra trận, đã chia sẻ ngọt bùi với nhân dân. Trong công cuộc đổi mới đất nước, các nghệ sĩ sân khấu tiếp tục đem tâm huyết, trách nhiệm và sự sáng tạo của mình để xây dựng nghệ thuật sân khấu cách mạng Việt Nam ngày càng đa dạng và sinh động.

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong chặng đường 65 năm qua, đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị: “Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương thức hoạt động để Hội thực sự là nơi quy tụ các nghệ sĩ sân khấu của cả nước; hỗ trợ, khích lệ sáng tạo các tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Hội cần phát huy tốt hơn vai trò tư vấn, phản biện xã hội, tích cực tư vấn cho Đảng và Nhà nước những giải pháp thiết thực, từng bước xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam vừa đa dạng vừa thống nhất, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và thời đại.

Hội cần chú trọng hơn việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng sân khấu trẻ; đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa để huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình sáng tạo, dàn dựng, quảng bá các tác phẩm sân khấu; tích cực chủ động mở rộng hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế; đẩy mạnh quảng bá, tạo sự lan tỏa về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, về nghệ thuật đặc sắc của sân khấu Việt Nam ra thế giới”.

65 năm xây dựng nền sân khấu yêu nước, gắn bó máu thịt với nhân dân

Các nghệ sĩ tiêu biểu nhận bằng tôn vinh và hoa của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Thanh Tùng

Cùng với đó, PGS.TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng bày tỏ niềm xúc động khi về dự lễ kỷ niệm: “Nhìn lại chặng đường 65 năm, các thế hệ nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã sáng tạo, thậm chí hy sinh cả thân mình, hy sinh cả tuổi trẻ để để lại những tác phẩm, những dấu ấn lịch sử viết bằng máu, bằng tâm huyết và làm nên những trang sử bằng âm thanh, hình ảnh, hình tượng của dân tộc cũng như của công cuộc đổi mới mà trên hết là hướng tới nhân dân, hướng tới Đảng với một lòng tin son sắt là văn nghệ luôn luôn đồng hành cùng dân tộc… Vì vậy, bên cạnh việc giữ gìn, bảo tồn nền nghệ thuật sân khấu truyền thống của cha ông để lại, con cháu thế hệ hôm nay phải quyết tâm giữ gìn hơn nữa bằng mọi hình thức, trong đó có việc sưu tầm, quảng bá các giá trị của nghệ thuật truyền thống…”.

Để ghi nhận những công lao xuất sắc của những nghệ sĩ đã cống hiến cho sự nghiệp sáng tạo tác phẩm nghệ thuật sân khấu, tại buổi lễ, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã trao bằng tôn vinh và hoa cho đại diện các nghệ sĩ tiêu biểu 3 miền Bắc - Trung – Nam như: NSND Lê Khanh, NSND Lê Tiến Thọ, NSND Mẫn Thu, NSND Thanh Trầm, NSND Tâm Chính, tác giả Trần Đình Ngôn, PGS Tất Thắng, NSƯT Lê Chức, PGS.TS Trần Trí Trắc, NSND Doãn Châu, NSND Dân Quốc, NSND Trần Đình Sanh, NSND Mạnh Tưởng, tác giả Chu Thơm, NSND Lê Huy Quang, NSND Văn Mởn, NSND Thanh Hoài, NSND Mạnh Phóng, NSND Thanh Vi, tác giả Văn Sử, NSƯT Hoàng Quân Tạo, NSND Trần Nhượng…

Đặc biệt, đông đảo nghệ sĩ đến từ các đơn vị nghệ thuật đã kết thành 16 khối tham gia biểu diễn lễ hội đường phố “Tinh hoa nghệ thuật Việt” trên phố đi bộ Hoàn Kiếm. Lễ hội này đã đem đến cho công chúng niềm tự hào, sự ngưỡng mộ và thích thú khi được hòa mình vào không gian nghệ thuật đặc sắc của các loại hình sân khấu: Tuồng, chèo, cải lương, ca kịch, kịch  nói, múa rối, xiếc…

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
65 năm xây dựng nền sân khấu yêu nước, gắn bó máu thịt với nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO