5 họa sĩ trẻ cùng kể chuyện

Hà Thành| 19/09/2017 09:23

Triển lãm “Số 5” của 5 họa sĩ trẻ đang được trưng bày tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, từ ngày 11 - 21/9/2017. Đây là một triển lãm nhóm do Văn phòng UNESCO Hà Nội tài trợ, giới thiệu 23 sáng tác mỹ thuật mới trên đa dạng chất liệu: tổng hợp, sơn mài, gốm, sơn dầu của năm 5 họa sĩ ít nhiều có tên tuổi trong đời sống mỹ thuật Hà Nội.

“Nghệ thuật như là giấc mơ. Trong giấc mơ bất kỳ, không phải tất cả hiện hữu đều vô nghĩa, vu vơ... Có thể phần thú vị nhất của giấc mơ ấy lại chính là những tiếp diễn dang dở khi ta thức tỉnh và nhớ lại, đối diện với chiêm bao...” – Đến với triển lãm “Số 5”, họa sĩ Trịnh Vũ Hiếu đã tự bạch như thế. Quả vậy, vốn là một cái tên không xa lạ gì với giới yêu nghệ thuật Hà Nội khi Vũ Hiếu là người khởi xướng và tổ chức sự kiện Vietnam Photo Fair, lần đầu tiên ở Việt Nam, trong hai năm 2015 và 2016, anh vẫn dành nhiều thời gian cho hội họa nhưng bên cạnh đó, nghệ thuật gốm cũng ngày càng cuốn hút anh. Vũ Hiếu vừa hoàn thiện không gian đặc biệt dành cho gốm bên bờ sông Đuống với một lò nung hiện đại và sự đầu tư nghiêm túc cho việc thể nghiệm trên chất liệu này. Họa sĩ muốn tìm hiểu đến tận cùng những bí ẩn chất liệu để có thể hoàn toàn tự do với gốm. Trong triển lãm “Số 5”, Hiếu giới thiệu ba sáng tác gốm mới nhất, chứa đựng nhiều câu chuyện ý vị về sự thể nghiệm với chất liệu này. 

5 họa sĩ trẻ cùng kể chuyện
Tác phẩm “Mơ 1”, gốm và sơn mài của Trịnh Vũ Hiếu
Còn với họa sĩ Lê Anh Quân, người từng gây chú ý lớn trong đời sống mỹ thuật Hà Nội đầu những năm 2000 với việc tự bỏ tiền túi đầu tư mở gallery (Young gallery), tập trung giới thiệu những tiếng nói nghệ thuật táo bạo, giàu tinh thần thể nghiệm của họa sĩ trẻ Hà Nội đương thời. Sau khi đóng cửa Young gallery vì nhiều lý do bất khả kháng, đời sống sáng tác của anh tưởng chừng có vẻ lặng lẽ hơn với ít hoạt động triển lãm, song không vì thế mà tẻ nhạt. Họa sĩ vẫn kiên trì đi theo con đường hội họa biểu hiện nhưng song hành với sự trưởng thành của bút pháp, ngôn ngữ biểu đạt là những thể nghiệm không ngừng với chất liệu. Một số sáng tác trong triển lãm “Số 5” này của anh là những độc thoại về thân phận con người thông qua những bức tranh biểu hiện trừu tượng. 

Đặc biệt, họa sĩ Trần Công Dũng giới thiệu một series sáng tác sơn mài với hình ảnh chính là những cánh cửa nhà được làm từ hàng trăm năm trước, còn sót lại trên một vài căn nhà nơi phố cổ Hà Nội tại triển lãm “Số 5”. Những cánh cửa khi xưa không chỉ đơn giản là cửa mà chứa đựng ở đó trải nghiệm thẩm mỹ của con người đương thời. Cùng nhuốm màu thời gian, vẻ đẹp của chúng được nâng lên gấp bội. Chất liệu sơn mài với series cửa lần này của họa sĩ cũng ghi dấu một sự thể nghiệm thú vị của anh tại xưởng làm việc ngay giữa làng sơn mài truyền thống Hạ Thái, Thành phố Hà Nội. Nó có thể một lần nữa gợi lên câu chuyện về lằn ranh tinh tế giữa sơn mài hội họa và sơn mài mỹ nghệ. 

Bên cạnh đó, triển lãm “Số 5” còn có những sáng tác hội họa êm nhẹ, bình dị với các chủ đề tưởng như quen thuộc như phong cảnh thôn quê, tĩnh vật với chất liệu cũng quen thuộc là sơn dầu, của hai họa sĩ Hoàng Đức Dũng, Hoàng Hải Anh. Những bức tĩnh vật giàu tính biểu hiện hay những thân hình người nữ ửng lên dưới nét bút ấm áp của Hoàng Hải Anh lôi cuốn người xem bằng vẻ ung dung tự tại trước muôn mặt đời thường. Cũng với bút pháp hiện thực, mảng tranh phong cảnh của Hoàng Đức Dũng bàng bạc khói sương, mịt mờ nhân ảnh, khiến người xem bối rối. 

“Với hoạt động này, mong muốn của chúng tôi là mang lại cơ hội để các nghệ sĩ có thể thử nghiệm những thực hành mới, những sáng tạo cá nhân trên nền tảng các chất liệu đa dạng khác nhau, đặc biệt là các chất liệu có tính truyền thống. Ngoài ra, vào cuối năm nay chúng tôi cũng dự kiến hỗ trợ một dự án nghệ thuật khác trong đó các nghệ sĩ thử nghiệm với các sáng tạo trên nền tảng kỹ thuật số. Rất hy vọng rằng các hoạt động này sẽ mang lại cho khán giả một cái nhìn đa dạng hơn về các sáng tạo nghệ thuật đương đại, hay nói rộng hơn là các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam”.  – Ông Michael Croft,  Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội nhấn mạnh. 
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
5 họa sĩ trẻ cùng kể chuyện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO