1. Triển khai thực hiện kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Quán triệt chỉ đạo của Tổng bí thư tại Hội nghị văn hóa ngày 24/11/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương cùng nhiều bộ, ban, ngành, địa phương đã tích cực triển khai chỉ đạo này bằng nhiều hành động thiết thực.
Ngày 29/11/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới".
Ngày 17/12/2022, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Tỉnh uỷ Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hoá 2022 với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá”.
Tại hai hội thảo, nhiều vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật như phát triển nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật, chấn chỉnh nghệ sĩ vi phạm pháp luật, xây dựng môi trường nghệ thuật hướng thiện... cũng đã được đại diện cơ quan quản lý nhà nước, những người hoạt động chuyên môn bàn bạc, tìm cách giải quyết.
2. Hội nghị Ủy ban toàn quốc mở rộng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X và Hội thảo khoa học “Nâng cao vị thế, vai trò của giới văn nghệ sĩ - trí thức vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới”.
Sau Đại hội nhiệm kì 2020 - 2025 của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đến nay, hoạt động văn học, nghệ thuật của Liên hiệp và các tổ chức thành viên luôn theo đúng định hướng đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng; phát huy vai trò nòng cốt, chủ động, linh hoạt, triển khai công tác, đảm bảo các hoạt động trọng tâm trên các lĩnh vực đạt kết quả tốt.
Theo đó, trong hai ngày 11 - 12/6/2022, Hội nghị Ủy ban toàn quốc mở rộng Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X đã được tổ chức tại Đà Nẵng. Hội nghị nhằm tổng kết công tác năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, đề ra phương hướng và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; đồng thời tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai những công việc theo hướng ngày càng chặt chẽ, cụ thể và có hiệu quả hơn.
Ngày 15/11, triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao vị thế, vai trò của giới văn nghệ sĩ - trí thức vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới”.
3. Ra mắt Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương khóa V
Với vai trò là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, trải qua gần 20 năm, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ trọng yếu: Tổng kết lý luận phê bình, tổ chức nhiều hội nghị hội thảo, thẩm định tác phẩm văn học nghệ thuật, dự báo xu hướng phát triển văn học nghệ thuật, mở rộng quan hệ hợp tác đội ngũ cán bộ lý luận phê bình, tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch…
Ngày 26/10/2022, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương khóa V, nhiệm kỳ 2021 - 2026 chính thức ra mắt với 35 thành viên: Chủ tịch là PGS, TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ; 5 phó chủ tịch gồm: Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân; PGS, TS Bùi Thế Đức; TS Ngô Phương Lan; PGS, TS Trần Khánh Thành.
4. Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X
Nhằm tạo điều kiện cho các nhà văn trẻ có cơ hội được giao lưu, học hỏi các thế hệ đi trước, đồng thời khuyến khích các cây bút trẻ hăng hái sáng tạo hơn nữa, sáng 18/6/2022, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Đà Nẵng với sự tham dự của 138 đại biểu được lựa chọn từ hàng trăm đề cử ở các địa phương.
Thông điệp xuyên suốt cũng như khẩu hiệu đặt ra ở Hội nghị là câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?” - tuy không mới nhưng vô cùng cần thiết và cấp bách đối với mỗi người cầm bút sáng tác văn chương khi họ phải tự trả lời câu hỏi: Viết để làm gì? Viết cho ai và trên tinh thần tư tưởng nào?
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định luôn có các chương trình đào tạo về văn học trong các nhà trường và tới đây sẽ tăng cường về số lượng, nâng cao chất lượng nhà văn. Quan trọng hàng đầu vẫn là tài năng của từng cá nhân được khơi dậy và phát huy.
5. Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi
Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, kéo dài trong 5 năm (từ cuối năm 2021 đến tháng 5/2025), hướng tới mục đích thông qua sáng tác văn học, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, hành động, suy nghĩ tốt đẹp, từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng thiếu nhi trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai.
Tại Lễ phát động Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi và trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất vào ngày 9/1/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi các nhà văn Việt Nam, toàn xã hội hãy vì tương lai của dân tộc dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em; các nhà văn trẻ hãy tiếp bước các thế hệ đi trước, viết bằng nét đẹp văn hóa dân tộc mình, bằng tâm thế của thời đại mình, bằng lương tri, bản lĩnh của con người Việt Nam.
6. UNESCO vinh danh và kỷ niệm năm sinh, năm mất của 2 thi sĩ Việt Nam là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu
Tại phiên họp toàn thể kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 diễn ra sáng 23/11/2021 tại Paris, Pháp đã thông qua nghị quyết về các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023 để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh, năm mất 2 thi sĩ Việt Nam là Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu.
Ngày 30/6/2022, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổ chức UNESCO tại Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 200 ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, trao Nghị quyết của UNESCO công nhận Nguyễn Đình Chiểu là Danh nhân văn hóa thế giới.
Ngày 3/12/2022, tỉnh Nghệ An và Tổ chức UNESCO tổ chức Lễ vinh danh và kỷ niệm 250 năm năm sinh (1772 - 2022), 200 năm năm mất (1822 - 2022) của nữ sỹ Hồ Xuân Hương, trao Nghị quyết vinh danh Danh nhân Hồ Xuân Hương của UNESCO cho Việt Nam.
Việc UNESCO tôn vinh các Danh nhân Việt Nam đã khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với những giá trị về văn hóa, giáo dục của Việt Nam; đồng thời cho thấy sự ghi nhận toàn cầu đối với những lý tưởng về hòa bình, bình đẳng xã hội, học tập suốt đời mà Việt Nam cùng chia sẻ với thế giới.
7. Chuỗi hoạt động của Hội Nhạc sĩ Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Đỗ Nhuận
Những tháng cuối năm 2022, giới âm nhạc cả nước tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (31/12/1957 - 31/12/2022), nhằm khơi dậy niềm tự hào của chặng đường 65 năm đồng hành cùng dân tộc với nhiều cống hiến âm nhạc to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thời điểm này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (10/12/1922 - 10/12/2022) - Vị Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôn vinh những đóng góp to lớn trong bước đường hình thành, xây dựng và phát triển Hội Nhạc sĩ Việt Nam và những thành tựu sáng tạo âm nhạc xuất sắc của Nhạc sĩ Đỗ Nhuận - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Lễ khánh thành Nhà lưu niệm Nhạc sĩ Đỗ Nhuận vào ngày 10/12/2022 tại quê hương ông (xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương); Hội thảo và đêm nghệ thuật “Đỗ Nhuận - Âm thanh cuộc đời” cùng Lễ phát hành bộ tem “100 năm nhạc sĩ Đỗ Nhuận” được tổ chức vào ngày 25/12/2022 vừa qua.
8. Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI
Với chủ đề “Điện ảnh - Nhân văn - Thích ứng và Phát triển”, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI đã trở thành sự kiện điện ảnh đặc biệt trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam và quốc tế đang bước vào giai đoạn phục hồi sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19; ghi dấu ấn đậm nét với các nghệ sĩ điện ảnh quốc tế và Việt Nam, tạo nên bầu không khí nồng nhiệt dành cho khán giả Thủ đô Hà Nội.
Diễn ra sau 5 ngày tổ chức từ 8 - 12/11/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND Thành phố Hà Nội đã cố gắng tổ chức thành công một sự kiện điện ảnh trang trọng có quy mô quốc tế. Hơn 800 đại biểu Việt Nam và quốc tế đã đến tham dự. 123 bộ phim của 56 quốc gia và vùng lãnh thổ được trình chiếu trong 5 ngày diễn ra Liên hoan phim.
9. Giải thưởng Cánh diều vàng 2021
Giải thưởng Cánh diều vàng là một giải thưởng điện ảnh thường niên của Hội Điện ảnh Việt Nam, với tiêu chí đề cao tác phẩm điện ảnh, phim truyền hình có dấu ấn sáng tạo nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực.
Giải Cánh diều 2021 quy tụ 417 tác phẩm điện ảnh dự thi ở các thể loại Phim truyện điện ảnh, Phim truyền hình, Phim tài liệu, khoa học và Phim hoạt hình. Lễ trao giải Cánh diều 2021 diễn ra vào tối 13/9/2022 tại Nha Trang (Khánh Hòa). "Đêm tối rực rỡ" của đạo diễn Aaron Toronto đã giành chiến thắng ở hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc. "Thương ngày nắng về" và “11 tháng 5 ngày” đoạt Giải thưởng cao nhất Phim truyện truyền hình.
10. Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 5 và Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022
Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 5 và Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 là những sự kiện nổi bật để lại nhiều dấu ấn của lĩnh vực sân khấu trong một năm qua.
Diễn ra từ ngày 15 đến 26/11/2022, Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 5 mang đến 19 vở diễn, chương trình đặc sắc với nhiều thử nghiệm mới mẻ, hấp dẫn, trong đó có 15 vở diễn của các đơn vị nghệ thuật trong nước và 4 chương trình, vở diễn của các đơn vị nghệ thuật quốc tế đến từ Italia, Ba Lan, Singapore, Hàn Quốc.
Liên hoan đã giúp các nghệ sĩ sân khấu Việt nam và quốc tế có những khoảng lặng để chiêm nghiệm, tự nhìn lại mình, từ đó tìm được những điều mới mẻ trong nghệ thuật biên kịch, đạo diễn, diễn xuất, mỹ thuật, âm nhạc và những thành phần phụ trợ khác để làm mới sân khấu dựa trên nền tảng các giá trị truyền thống trong nghệ thuật sân khấu của mỗi quốc gia.
Diễn ra từ ngày 12 - 28/10/2022, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 đã để lại những ấn tượng tốt đẹp, cùng sự tỏa sáng của gần 1.500 nghệ sĩ, diễn viên của 16 đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp đã phô diễn tài năng của mình qua 27 vở diễn.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2002 là minh chứng cụ thể cho việc triển khai, thực hiện các quan điểm, Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ chấn hưng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Trong đó, tập trung vào bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung, của nghệ thuật hát Chèo nói riêng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tạo các giá trị, sản phẩm văn hóa nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của xã hội và Nhân dân.
Theo Thời báo Văn học nghệ thuật