Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình trong sáng 1-11. Ảnh: Như Ý |
Về vấn đề Quản lý thị trường, công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập trong nội dung thảo luận về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng không chỉ thuốc lá mà còn có các mặt hàng có lợi nhuận cao như đường, xăng dầu…
"Cả nước cũng xuất hiện nhiều điểm nóng về buôn lậu và gian lận thương mại. Riêng với mặt hàng thuốc lá không chỉ có An Giang, Long An mà còn Tây Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng…" - Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu.
Xuất phát từ thực tế, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra một số nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn phổ biến.
Đó là về cơ chế chính sách, các chế tài xử lý các đối tượng buôn lậu chưa đủ mạnh nên có hiện tượng “nhờn pháp luật”. Các đối tượng đã cấu kết vượt qua phạm vi địa lý của một địa phương buôn lậu với quy mô lớn và hoạt động ngày càng tinh vi.
Ông Tuấn Anh cũng thẳng thắn bày tỏ, việc đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá chỉ dừng lại ở việc buôn thuốc lá điếu thì không ăn thua bởi các đối tượng có sự phối hợp chặt chẽ và tinh vi từ nơi xuất buôn đến vận chuyển và mang đi tiêu thụ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh công tác chống buôn lậu trong 9 tháng đã có những kết quả nhất định. Theo đó, việc buôn lậu thuốc lá, tiêu thụ thuốc lá lậu đã giảm hẳn tại Long An, An Giang…
Từ những khó khăn và bất cập, Bộ trưởng nhấn mạnh một số giải pháp trong thời gian tới. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường hơn nữa, tăng các lực lượng liên ngành chống buôn lậu quy mô lớn, tinh vi.
Ngoài ra sẽ xem xét hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, đủ chế tài xử lý. Bộ trưởng nhấn mạnh kỳ họp trước, Quốc hội đã thông qua việc xem xét trách nhiệm hình sự với việc buôn lậu trên 1.500 điếu thuốc lá và đây là cơ sở quan trọng để hoàn chỉnh chế tài xử lý.
Một vấn đề nữa là cần có quan điểm đồng bộ, thống nhất để chống buôn lậu thuốc lá. Ví dụ không đồng ý tạm nhập tái xuất thuốc lá.
“Chúng ta không chấp nhận vì có nguy cơ thẩm lậu trong khi lợi ích thu được không nhiều”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Các ngành công nghiệp hỗ trợ đã có bước tiến
Liên quan phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam có những bước đi, sự phát triển nhất định, đạt được nền tảng cơ bản về công nghiệp. Đặc biệt, một số ngành công nghiệp đã có những nền tảng như khai khoáng, chế biến chế tạo, hoá chất, năng lượng, hoá dầu. Bộ trưởng nêu một vài ví dụ như ngành dệt may nội địa hoá trên 40%, da giày 45%, ô tô xe máy 35-40%...
Về những tồn tại yếu kém, đặc biệt trong công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng cho rằng đó là thực tế, có nhiều nguyên nhân, qua nhiều giai đoạn khác nhau và đã từng có tổng kết, đánh giá. Những nguyên nhân chủ quan là do sự chưa đồng bộ, kém hiệu quả trong cơ chế chính sách. Ví dụ, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 115 về phát triển CN hỗ trợ nhưng cơ chế để triển khai vẫn còn hạn chế, nhất là thiếu sự phối hợp của các bộ, ngành. Những DN nhỏ và vừa ở Việt Nam rất yếu, quá yếu trong khi đây lại là bộ phận chủ yếu tham gia CN hỗ trợ.
Bộ Công thương đã chủ động cùng các bộ, ngành tập trung xây dựng, hoàn thiện chính sách đồng bộ, hướng đến quan điểm mới là CN hỗ trợ tham gia vào chuỗi để có thị trường rộng lớn hơn”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.