Xét xử phúc thẩm vụ án 'Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'

TTXVN/Tin tức| 05/06/2018 07:52

Ngày 4-6, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm đối với Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức về tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân". Đây là những đồng phạm của Nguyễn Văn Đài có kháng cáo sau khi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử vụ án và tuyên án sơ thẩm.

Xét xử phúc thẩm vụ án 'Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'
Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trước đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án đã tuyên phạt 6 bị cáo: Nguyễn Văn Đài (sinh năm 1969, trú tại Khu tập thể Bách Khoa, phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 15 năm tù và phạt quản chế bị cáo Đài 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Phạm Văn Trội (sinh năm 1972, trú tại xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội) 7 năm tù, quản chế 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Nguyễn Trung Tôn (sinh năm 1972, trú tại xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) và Trương Minh Đức (sinh năm 1960, trú tại thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang) cùng bị phạt 12 năm tù, quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Nguyễn Bắc Truyển (sinh năm 1968, trú tại Phường 4, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh) 11 năm tù, quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Lê Thu Hà (sinh năm 1982, trú tại phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) 9 năm tù, quản chế 2 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. 

Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Văn Đài, kẻ chủ mưu, cầm đầu và bị cáo Lê Thu Hà là hội viên thực hiện hành vi phạm tội rất tích cực đã bị xử phạt với các mức án 15 năm tù (đối với Đài) và 9 năm tù (đối với Hà) đều không kháng cáo. Bị cáo Phạm Văn Trội có đơn kháng cáo với nội dung thừa nhận tội danh, tuy nhiên xin giảm nhẹ hình phạt. 3 bị cáo Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức kháng cáo đều cho rằng không có hành vi hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. 

Sau các phần xét hỏi, tranh luận và đối đáp tại Phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử nhận định, kháng cáo kêu oan của các bị cáo Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Trương Minh Đức cũng như quan điểm của các luật sư bào chữa cho rằng các bị cáo Tôn, Truyển và Đức không phạm tội như cấp sơ thẩm đã quy kết là không có căn cứ và không được chấp nhận. 
Xét xử phúc thẩm vụ án 'Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'
Quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Bản án phúc thẩm cũng nhận định, bị cáo Phạm Văn Trội là kẻ chủ mưu cùng với các bị cáo Đài, Tôn và Truyển. Tuy nhiên, quá trình điều tra cũng như tại các phiên tòa, bị cáo Trội có thái độ khai báo thành khẩn và xin được hưởng sự khoan hồng của pháp luật là thể hiện sự ăn năn hối cải. Bị cáo nhận thức được hành vi trái pháp luật nên đã tự bỏ không tham gia sinh hoạt Hội Anh em dân chủ từ tháng 5-2016, nên được cấp sơ thẩm áp dụng là tình tiết giảm nhẹ hình phạt tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, từ đó xử phạt bị cáo mức án 7 năm tù là thỏa đáng. Tại Phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trội không có tình tiết giảm nhẹ mới nên không có căn cứ giảm hình phạt cho bị cáo. 

"Khi quyết định hình phạt đối với các bị cáo, Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá đúng tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án và tính chất nguy hiểm của hành vi đối với từng bị cáo, đồng thời xem xét đầy đủ, chính xác các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hình phạt của từng bị cáo" - Hội đồng phúc thẩm nhận định. 

Lời khai của các bị cáo trong vụ án trước sau thống nhất và phù hợp với các tài liệu đã thu thập được thể hiện: Các bị cáo Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Nguyễn Văn Đài đều là các thành viên sáng lập ra tổ chức Hội Anh em dân chủ và do Nguyễn Văn Đài là người khởi xướng, cầm đầu. Hội Anh em dân chủ do các bị cáo thành lập ngày 24-4-2013 có tên gọi, có logo, biểu tượng, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, theo đó Hội có chủ tịch và các phó chủ tịch, có trưởng đại diện của các vùng, miền Bắc, Trung, Nam và Hải ngoại. Trên cơ sở Cương lĩnh vắn tắt, Hội đã thực hiện hàng loạt các hành vi như: Xây dựng cơ cấu tổ chức, thành lập và phân công nhiệm vụ cho các ban, tổ chức họp các hội viên vào tối thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần; có kế hoạch đào tạo hội viên, phát triển lực lượng, có nhiều hình thức tuyền truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài để vận động ủng hộ tài trợ kinh phí cho hội hoạt động, lập dự án xin tài trợ cho hoạt động của Hội; lợi dụng các sự kiện chính trị, sự kiện nhạy cảm trong nước để kích động người dân phản đối chính quyền. 

Do đó, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của các bị cáo Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức và kháng cáo xin giảm hình phạt của bị cáo Phạm Văn Trội. Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm về tội danh, hình phạt đối với các bị cáo; tuyên bố các bị Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển và Trương Minh Đức phạm tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. 

Theo bản án phúc thẩm, Phạm Văn Trội y án sơ thẩm 7 năm tù, quản chế 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Nguyễn Trung Tôn và Trương Minh Đức cùng bị phạt 12 năm tù, quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù. Nguyễn Bắc Truyển bị phạt 11 năm tù, quản chế 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • Chung sức, đồng lòng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
    Sau gần 40 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội đất nước có bước chuyển mình mạnh mẽ, đột phá, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Bên cạnh những thành tựu to lớn, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình trạng lãng phí, gây tác họa nghiêm trọng, lâu dài, khó khắc phục, cản trở đất nước vươn mình, giàu mạnh. Bởi vậy, hiện nay, Đảng, Nhà nước coi triệt bỏ lãng phí là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu.
  • Hành trình “Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ” đưa văn nghệ sĩ TPHCM đến Tây Bắc
    Hành trình "Điện Biên Phủ - Bản anh hùng ca thế kỷ" diễn ra từ ngày 26 đến 30/11 với các hoạt động ý nghĩa như: Trao quà hỗ trợ bà con khó khăn, bị ảnh hưởng bởi bão lũ, chương trình tri ân văn nghệ sĩ từng tham gia kháng chiến... do các cá nhân hảo tâm là văn nghệ sĩ TPHCM và các đối tác của văn nghệ sĩ thành phố ủng hộ.
Đừng bỏ lỡ
Xét xử phúc thẩm vụ án 'Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO